Đại học Vinh hướng tới đào tạo theo các chương trình tiên tiến

Đại học Vinh hướng tới đào tạo theo các chương trình tiên tiến

(GD&TĐ) - Sự nghiệp CNH - HĐH đất nước đòi hỏi các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam phải không ngừng đổi mới để đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, có khả năng làm việc độc lập, năng lực hợp tác, năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề, thích ứng nhanh với sự thay đổi của môi trường làm việc. “Đề án đào tạo theo chương trình tiên tiến” là một chủ trương đúng đắn, cần thiết để giáo dục đại học sớm vươn tới chuẩn mực chất lượng chung của thế giới. Trường Đại học Vinh không nằm trong Đề án thí điểm thực hiện đào tạo chương trình tiên tiến (CTTT), nhưng tự nhận thấy hướng đến các CTTT  là trách nhiệm của Nhà trường trước xã hội và người học, đồng thời cũng làm nên thương hiệu của Nhà trường, chúng tôi đã chủ động có những bước đi thích hợp để xây dựng và triển khai đào tạo theo các CTTT.

Chủ động nhập cuộc

Trường Đại học Vinh xác định việc triển khai đào tạo theo các CTTT là một trong những giải pháp hàng đầu nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, từng bước tiếp cận với trình độ quốc tế. Đảng ủy, Ban giám hiệu Nhà trường đã sớm đưa kế hoạch triển khai CTTT vào nghị quyết đại hội của Đảng bộ Trường và các tổ chức đảng trực thuộc để chỉ đạo thực hiện. Thông qua các kỳ họp Đảng ủy mở rộng, Hội đồng Nhà trường quán triệt để lãnh đạo các đơn vị nhận thức được nhiệm vụ xây dựng và triển khai CTTT đối với sự phát triển của Nhà trường. Đến nay đa số cán bộ, giảng viên trong toàn Trường đã hiểu và đồng thuận với kế hoạch đào tạo theo chương trình tiên tiến.

Với kinh nghiệm chuyển đổi thành công từ mô hình trường đại học đơn ngành (chỉ có sư phạm) sang trường đa ngành, các ngành đào tạo đã dần khẳng định chất lượng, năng lực đội ngũ và cơ sở vật chất, trang thiết bị của Trường được đầu tư đáng kể. Hướng tới triển khai đào tạo theo các CTTT cho một số ngành đào tạo trong những năm sắp tới, chúng tôi đã nghiên cứu lý luận, tìm hiểu kinh nghiệm thực tế của một số trường đại học của Việt Nam, Hà Lan, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ... để xây dựng CTTT trình độ đại học và Sau đại học, trước hết là ở 4 khối ngành Xây dựng, Công nghệ thông tin, Điện tử viễn thông và Kinh tế.

Giờ lên lớp của một giảng viên trẻ với sinh viên nước ngoài
Giờ lên lớp của một giảng viên trẻ với sinh viên nước ngoài

Nhận thức chìa khoá của thành công trong việc đào tạo CTTT là xây dựng, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có trình độ cao nên Nhà trường đã chuẩn hoá đội ngũ, phần lớn giảng viên về Trường công tác sau 2 năm đã hoàn thành trình độ đào tạo thạc sĩ, 4-6 năm đã hoàn thành trình độ đào tạo tiến sĩ. Hiện nay toàn Trường có 112 tiến sĩ, 364 thạc sĩ, 56 giáo sư, phó giáo sư, 4 giảng viên cao cấp, 121 giảng viên chính và tương đương. Bên cạnh việc đào tạo chuyên môn, chúng tôi đặc biệt coi trọng nâng cao trình độ tiếng Anh cho cán bộ. Trường đã có nhiều chế độ, chính sách để nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ như khen thưởng các cán bộ có điểm thi Toefl từ 500 điểm trở lên; kiểm tra trình độ ngoại ngữ của cán bộ hàng năm; hỗ trợ học phí cho cán bộ học lớp đại học hệ vừa làm vừa học ngành tiếng Anh... Hiện nay Trường có 212 cán bộ đang theo học các lớp đại học tại chức tiếng Anh; trên 140 cán bộ đang học thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước. Đại học Vinh cũng đã mời nhiều giáo sư từ Hoa Kỳ, Hà Lan, Ba Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc.... đến giảng dạy, trao đổi với cán bộ, sinh viên Nhà trường về một số lĩnh vực cụ thể trong xây dựng các CTTT. Bên cạnh đó, chúng tôi đã có kế hoạch phát huy vai trò, lợi thế của các nghiên cứu sinh của Trường đang học tập ở nước ngoài để học tập kinh nghiệm, trao đổi chuyên môn, cách thức triển khai chương trình đào tạo tại các trường đại học lớn trên thế giới. Trong đó, chủ động tham khảo chương trình của một số trường đại học ở Hoa Kỳ (South Florida, New Mexico, Arizona), Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp, Ba Lan, Hà Lan... để xây dựng chương trình khung, đề cương chi tiết các học phần, tài liệu, giáo trình các môn học và nhất là cách thức tổ chức đào tạo, phương pháp giảng dạy nhằm kế thừa, phát triển và cụ thể hoá cho phù hợp với điều kiện của Nhà trường cũng như phù hợp với các chuẩn quy định của Bộ GD&ĐT.

Những giải pháp, đề xuất

Nhằm sớm cải thiện trình độ ngoại ngữ cho sinh viên, Đại học Vinh là trường đại học đầu tiên thực hiện việc kiểm tra đầu vào ngoại ngữ cho sinh viên. Những sinh viên khi mới vào Trường đều phải kiểm tra tiếng Anh, nếu đủ điều kiện sẽ được học tiếng Anh phù hợp với trình độ và chuyên ngành đào tạo. Nếu chưa đạt điều kiện sinh viên phải tự học để nâng cao trình độ. Ngoài chương trình tiếng Anh trong chương trình đào tạo của Trường, các ngành cử nhân khoa học và kỹ sư còn được học tiếng Anh chuyên ngành để có thể đọc và nghiên cứu tài liệu nước ngoài. Hiện nay, việc thực hiện đã đi vào nền nếp, các lớp sinh viên tài năng và nâng cao trình độ tiếng Anh cho sinh viên ở các khoa Toán học, Ngữ văn... với nhiều bài giảng chuyên đề và giới thiệu các hướng nghiên cứu thời sự cho sinh viên được đẩy mạnh hoạt động, ngày càng khẳng định chất lượng.

Cùng với đó, để nâng cao chất lượng, đáp ứng công tác đào tạo gắn nhiều hơn với thực tiễn, Trường Đại học Vinh đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, có trọng điểm, theo phương châm từng bước đồng bộ hoá, hiện đại hoá. Chú trọng đầu tư thiết bị cho các phòng thực hành, thí nghiệm với việc được thụ hưởng các dự án của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á. Đáng kể trong đó là Thư viện của Trường có sức chứa khoảng 1.500 chỗ với đầy đủ trang thiết bị hiện đại và là một trong những thư viện có quy mô lớn, hiện đại nhất trong khu vực Bắc Trung Bộ với 50.000 đầu sách với gần 1 triệu bản sách, báo, tạp chí…; hàng vạn cơ sở dữ liệu điện tử toàn văn. Nhiều phòng học có các thiết bị dạy học tiên tiến và đảm bảo việc dạy trực tuyến cho hàng nghìn người học trong và ngoài trường. Toàn Trường được phủ sóng mạng Internet không dây phục vụ cán bộ, sinh viên tra cứu, khai thác thông tin, tài liệu. Website của Trường được nâng cấp, phục vụ cán bộ, sinh viên công tác, học tập hiệu quả.

Tăng cường các hoạt động nghiên cứu góp phần nâng cao chất lượng đào tạo
Tăng cường các hoạt động nghiên cứu góp phần nâng cao chất lượng đào tạo

Trong nỗ lực xây dựng và triển khai CTTT, các trường đại học của Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. Thực tiễn của Trường Đại học Vinh cho thấy một số khó khăn chính như: Làm sao để tăng cường cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu giảng dạy theo tiêu chuẩn quốc tế? Đó thực sự là một thách thức lớn đối với các trường đại học. Bên cạnh đó, trình độ ngoại ngữ và trình độ chuyên môn của cán bộ tham gia giảng dạy, cán bộ quản lý chưa cao, chưa đồng đều. Thiếu sự nhanh nhạy trong việc cập nhật và đổi mới phương pháp giảng dạy, phương pháp đánh giá, quản lý chương trình sao cho phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Cơ chế về tài chính quy định về việc thu chi học phí và sử dụng kinh phí, chế độ lương, phụ cấp giảng dạy cho các giảng viên còn bất cập. Kinh phí mời giáo sư của các trường đại học nước ngoài đến giảng dạy sẽ rất cao và rất khó để có thể mời được các giáo sư hàng đầu của các trường danh tiếng.

Những khó khăn trên khách quan là do các nguồn lực của nhà nước và người học đều hạn chế, nhưng chủ quan thì cùng chính từ người học và các nhà trường, tôi cho rằng:

- Việc triển khai CTTT là góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và sớm đưa giáo dục đại học Việt Nam hội nhập quốc tế. Đây không chỉ là nghĩa vụ mà còn là trách nhiệm của các nhà trường với người học và xã hội. Thế nên, các trường cho dù không nằm trong Đề án thí điểm CTTT thì cũng nên chủ động thực hiện.

- Bộ Giáo dục và Đào tạo cần giới thiệu các trường đại học tiên tiến trên thế giới để các trường đại học Việt Nam lựa chọn hợp tác, đào tạo theo CTTT, không để các trường đại học tự liên hệ. Hỗ trợ các trường tháo gỡ khó khăn trong quá trình đào tạo theo CTTT (người học, người dạy, đầu ra, điều kiện dạy học...). Thống nhất văn bằng của chương trình tiên tiến do ai cấp? Có được xem là tốt nghiệp ở đại học nước ngoài hay không?

- Về phía người học, cần khắc phục sự yếu kém về ngoại ngữ, tăng cường khả năng tự học và thích ứng với việc học. Muốn vậy, cần phải thay đổi tư duy học và nghiên cứu một cách thụ động bằng các biện pháp học và nghiên cứu chủ động hơn trong quá trình thu nhận kiến thức.

PGS.TS.NGƯT Đinh Xuân Khoa

(Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ