Theo đó, hiện nay, Đại học Thái Nguyên đang triển khai đào tạo 297 ngành ở các trình độ bao gồm: 177 ngành đào tạo trình độ đại học, cao đẳng; 64 ngành trình độ thạc sĩ, 32 ngành trình độ tiến sĩ, 24 chuyên ngành bác sĩ chuyên khoa cấp I, II và bác sĩ nội trú; 9 ngành đào tạo chương trình tiên tiến được nhập khẩu từ các nước Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Hà Lan; 5 chương trình đào tạo chất lượng cao, 15 chương trình đào tạo trọng điểm. Ngoài ra, có trên 30 chương trình liên kết đào tạo từ trình độ đại học tới tiến sĩ với nước ngoài.
Các ngành đào tạo của Đại học Thái Nguyên bao trùm tất cả các lĩnh vực đào tạo (trừ lĩnh vực an ninh - quốc phòng). Các chương trình đào tạo của Đại học Thái Nguyên được đổi mới và phát triển theo hướng tiệm cận với các tiêu chuẩn kiểm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và chuẩn kiểm định chất lượng AUN-QA.
Hằng năm Đại học Thái Nguyên có trên 20.000 người học tốt nghiệp, bao gồm trên 9.000 cử nhân, kỹ sư và cao đẳng hệ chính quy; 1.300 - 1.500 thạc sĩ và tương đương, 20-25 tiến sĩ, 100-150 lưu học sinh nước ngoài và trên 10.000 học viên hệ đại học vừa làm vừa học. Có thể nói, đây là nguồn nhân lực quan trọng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, đặc biệt là vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội.
Sự tăng lên nhanh chóng của các ngành nghề đào tạo, quy mô tuyển sinh, quy mô đào tạo, đặc biệt là đào tạo sau đại học đã phản ánh sự phát triển và từng bước khẳng định uy tín, chất lượng đào tạo của Đại học Thái Nguyên là đại học vùng, trọng điểm quốc gia, đa ngành đa lĩnh vực, có đội ngũ cán bộ, giảng viên trình độ cao đông đảo, am hiểu điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, nhân văn của vùng trung du miền núi phía Bắc. ĐHTN đã và đang hội nhập quốc tế sâu rộng thông qua các chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học và liên kết đào tạo quốc tế.
Với mục tiêu trao đổi, thảo luận thống nhất việc xác định danh mục, lựa chọn và đầu tư phát triển một số ngành đào tạo trọng điểm của Đại học Thái Nguyên, qua đó đáp ứng tốt các điều kiện đảm bảo chất lượng để trở thành các ngành đào tạo được xếp hạng cao trong các bảng xếp hạng quốc tế.
Tại Hội nghị các đại biểu đã cùng nhau tập trung thảo luận một số vấn đề như xác định danh mục, lựa chọn và phát triển các ngành đào tạo trọng điểm của Đại học Thái Nguyên, phù hợp với sứ mạng, tầm nhìn và thế mạnh của đơn vị. Qua đó có định hướng chiến lược phát triển các điều kiện đảm bảo chất lượng (chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên,...) cho các ngành đào tạo trọng điểm, đề xuất cơ chế, chính sách đầu tư phát triển các ngành đào tạo trọng điểm.