PGS.TS Đặng Mậu Chiến - Giám đốc Phòng thí nghiệm công nghệ Nano ĐHQG TPHCM (LNT) và ông Kaoru Suzuki - Trưởng đoàn khảo sát Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã cùng nhau ký vào biên bản hợp tác trên.
Theo PGS.TS Đặng Mậu Chiến, dự án hợp tác trên nhằm hướng đến việc: “Nghiên cứu xử lý chất thải trong nuôi trồng thủy sản, chuyển đổi thành năng lượng điện thông qua pin nhiên liệu rắn thế hệ mới - góp phần phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.
Nhóm nghiên cứu của GS Yusuke Shiratori thuộc Đại học Kyushu-Nhật Bản là một trong những nhóm nghiên cứu hàng đầu thế giới về pin nhiên liệu thế hệ mới trên nền oxit rắn (SOFC).
Nhóm nghiên cứu của GS. Shiratori đã thành công trong thử nghiệm SOFC hoạt động liên tục trong thời gian 1 tháng tại các ao hồ ở các tỉnh ĐBSCL, đây là thời gian thử nghiệm lâu nhất có thể trên thế giới với khí sinh học và dầu cọ sinh học.
Được biết, trên cơ sở hợp tác và hỗ trợ từ Đại học Kyushu - Nhật Bản, LNT đã đề xuất dự án “Nghiên cứu xử lý chất thải trong nuôi trồng thủy sản, chuyển đổi thành năng lượng điện thông qua pin nhiên liệu rắn thế hệ mới - góp phần phát triển bền vững vùng Đồng bằng Sông Cửu Long” thuộc Chương trình Hợp tác nghiên cứu Khoa học và Công nghệ phát triển bền vững (Science and Technology Research Partnership for Sustainable Development Program - SATREPS) và xin tài trợ ODA (viện trợ không hoàn lại) từ Chính phủ Nhật Bản trong khuôn khổ Chương trình hợp tác phát triển Việt Nam - Nhật Bản.
Theo PGS.TS Đặng Mậu Chiến, dự án là 1 trong 2 dự án hợp tác kỹ thuật nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu được Chính phủ Nhật Bản chấp thuận hỗ trợ trong năm tài khóa 2014.
Lễ ký kết Dự án vốn ODA viện trợ không hoàn lại SATREPS của Chính phủ Nhật Bản với ĐHQG TPHCM |
“Với mong muốn giải quyết các vấn đề liên quan đến xử lý nước, chất thải hữu cơ trong các hoạt động nông nghiệp và tạo ra nguồn năng lượng xanh sạch phục vụ cho sinh hoạt và hoạt động nông nghiệp, Phòng thí nghiệm công nghệ Nano (LNT) ĐHQG TPHCM và ĐH Kyushu đã đề xuất sử dụng chất thải từ ao nuôi tôm/cá để sản xuất điện một cách hiệu quả.
Đây là ý tưởng khoa học rất mới mẻ, vừa giải quyết được vấn đề môi trường, vừa tạo ra 1 lượng năng lượng lớn từ chất thải hữu cơ.
Với sự hỗ trợ về mặt công nghệ của ĐH Kyushu, Việt Nam có thể phát triển một mô hình nuôi tôm khép kín, ở đó điện và nhiệt năng được sản xuất từ khí sinh học (sinh ra từ chất thải từ nuôi tôm) với hiệu suất rất cao (90%) với giá thành thiết bị cạnh tranh và có thể phổ biến rộng rãi” - PGS.TS Đặng Mậu Chiến cho biết.
Ngoài những lợi ích vĩ mô đã nêu trên, việc triển khai thực hiện dự án thành công sẽ là cơ hội tốt cho LNT xây dựng Phòng thí nghiệm nghiên cứu SOFC đầu tiên ở Việt Nam và tiếp nhận thiết bị thí nghiệm hiện đại nghiên cứu SOFC.
LNT sẽ được tiếp nhận công nghệ mới SOFC chuyển giao từ các chuyên gia của Nhật Bản và đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao về SOFC cho LNT, ĐHQG TP. HCM (dự kiến 10 người).
Thời gian dự kiến thực hiện dự án là 60 tháng, từ tháng 4 năm 2015 đến tháng 3 năm 2020. Tổng vốn của dự án là 3.630.000 USD, trong đó vốn ODA dự kiến là 299.780.000 JPY (tương đương 3.022.746 USD), vốn đối ứng dự kiến là 12.752.334.000 VNĐ (tương đương 607.254 USD).