Đại học Huế khen thưởng viên chức, người lao động hơn 3,7 tỷ đồng

GD&TĐ - Tổng số tiền Đại học Huế khen thưởng dành cho viên chức, người lao động có thành tích xuất sắc, trao trong dịp 20/11 là hơn 3,7 tỷ đồng.

Đại học Huế khen thưởng các thầy cô giáo nhân dịp lễ 20/11. (Ảnh: ĐHH)
Đại học Huế khen thưởng các thầy cô giáo nhân dịp lễ 20/11. (Ảnh: ĐHH)

Ngày 20/11, Đại học Huế tổ chức Lễ kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam và khen thưởng viên chức, người lao động.

Trong niềm vui hội ngộ các thế hệ nhà giáo Đại học Huế qua các thời kỳ, PGS.TS Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế đã gửi lời cảm ơn đến tất cả thầy cô giáo, cán bộ, viên chức, người lao động đã gắn bó trong suốt hành trình 70 năm Đại học Huế.

“Họ đã để lại nhiều di sản lớn lao cho miền Trung nói riêng và đất nước nói chung. Để rồi, hôm nay, ngồi đây, chúng ta biết nếu không có những thế hệ đi trước khai phá, phát quang và khai phóng, sẽ không có một Đại học Huế với 3.609 viên chức và lao động, trong đó 210 giáo sư, phó giáo sư cơ hữu, 38 giáo sư danh dự người nước ngoài, 807 tiến sĩ như ngày hôm nay.

Song song với việc đó, chúng ta tự hào là một Đại học Huế với 382 ngành đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, chuyên khoa và bác sĩ nội trú; quy mô trên 60.000 sinh viên các hệ đào tạo và 5.000 học viên cao học, nghiên cứu sinh. Chúng ta đã có một hệ sinh thái riêng của mình, một cộng đồng học thuật sôi nổi, nhiệt huyết và luôn có khát vọng vươn lên.

467659705-1045309020941145-6176825927781120077-n.jpg
PGS.TS Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế phát biểu chúc mừng.

Trong 5 năm trở lại đây, Đại học Huế không chỉ bứt phá mạnh mẽ cùng các Đại học tốp đầu của cả nước mà sự công nhận đã vượt tầm quốc gia. Chúng ta có mặt lần lượt năm sau cao hơn năm trước ở xếp hạng thế giới” - PGS.TS Lê Anh Phương gửi gắm.

Hiện tại, những công bố khoa học của Đại học Huế ở phạm vi toàn cầu liên tục tăng mạnh theo các năm không chỉ về quy mô mà còn ở chất lượng và sự đột phá. Tốc độ gia tăng số công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín giai đoạn 2015-2024 ước khoảng 25-30%/năm.

Bắt đầu từ năm 2018, Đại học Huế chủ trương thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh. Đến nay đã có 80 nhóm nghiên cứu mạnh được công nhận, trong đó đã ký hợp đồng đặt hàng với 60 nhóm, hỗ trợ tổng kinh phí và điều kiện để thúc đẩy công bố quốc tế, đào tạo nghiên cứu sinh và phát triển các chương trình, dự án chuyên ngành và liên ngành.

467427820-1045405357598178-4569468153105458530-n.jpg
Khen thưởng các nhóm khoa học đạt giải thưởng quốc tế.
467697075-1045405267598187-276497829718431143-n.jpg
Nhiều thầy cô giáo tại Đại học Huế được nhiều giải thưởng quốc gia, quốc tế năm 2024.

“Mỗi năm qua, chắc chắn chúng ta đã nhìn thấy sự thay đổi của ngôi nhà chung, chúng ta là một Đại học Huế thống nhất trong đa dạng, và chúng ta tự hào về điều đó. Trong một tương lai không còn xa nữa, tất cả chúng ta đều đang hướng đến cái đích của: một Đại học Huế - Đại học Quốc gia” – Giám đốc Đại học Huế bày tỏ.

467614254-1045405330931514-23932441532257575-n.jpg
Trao thưởng các nhà giáo đạt giải thưởng quốc tế và quốc gia.

Tại buổi lễ, Giám đốc Đại học Huế đã trao giấy khen và phần thưởng cho viên chức và người lao động Đại học Huế đạt thành tích xuất sắc trong bồi dưỡng chuyên môn, đào tạo và khoa học công nghệ năm 2024, bao gồm:

Thành tích nâng cao trình độ chuyên môn (bảo vệ thành công luận án tiến sĩ trước thời hạn, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ trước 30 tuổi); Thành tích các giải thưởng quốc gia, quốc tế; Viên chức người lao động là tác giả chính của bài báo (381 tác giả); Viên chức, người lao động là đồng tác giả của bài báo (123 tác giả); Viên chức, người lao động là tác giả của các chương sách; Viên chức, người lao động là đồng tác giả của các chương sách.

467399800-1045408127597901-1471332918397673855-n.jpg
Trao thưởng các cá nhân đạt thành tích xuất sắc về nâng cao trình độ chuyên môn. (Ảnh: ĐHH)

Tổng số tiền thưởng được trao tặng trong dịp này là hơn 3,7 tỉ đồng, chi từ Quỹ khen thưởng thành tích xuất sắc trong bồi dưỡng chuyên môn, đào tạo và khoa học công nghệ Đại học Huế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.