Đại dịch thúc đẩy các công ty phát hành sách đẩy mạnh thương mại điện tử

GD&TĐ - Đại dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến việc phát hành của nhiều đơn vị phát hành sách, thiết bị giáo dục theo hình thức truyền thống, theo đó họ bắt đầu thay đổi hình thức kinh doanh.

Đại dịch thúc đẩy các công ty phát hành sách đẩy mạnh thương mại điện tử

Cơ hội để hoạt động thương mại điện tử phát triển

Theo khảo sát từ Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam, năm 2020, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử đạt mức 18%, quy mô đạt 11,8 tỷ USD và là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng thương mại điện tử 2 con số.

Theo tính toán của các tập đoàn lớn thế giới như Google, Temasek và Bain&Company, nhiều khả năng quy mô của nền kinh tế số Việt Nam sẽ vượt ngưỡng 52 tỷ USD và giữ vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN vào năm 2025.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, thị trường thương mại điện tử càng trở nên sôi động hơn và việc ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới đang trở thành một phương án hữu hiệu cho các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua khó khăn mang đến cơ hội mới từ nhu cầu mới phát sinh của thị trường.

Thói quen mua hàng của người tiêu dùng Việt Nam tại thị trường nội địa cũng dần dịch chuyển từ mua hàng truyền thống sang hình thức mua hàng online thông qua phương tiện điện tử.

Kết quả điều tra, khảo sát của Bộ Công Thương cho thấy, tính đến năm 2020, Việt Nam có 49,3 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến (số liệu này năm 2016 mới chỉ ghi nhận 32,7 triệu người).

Đại dịch thúc đẩy các công ty phát hành sách đẩy mạnh thương mại điện tử ảnh 1

Các công ty phát hành sách và thiết bị giáo dục cũng không ngoại lệ

Từ trước tới nay, các công ty phát hành sách và thiết bị vẫn luôn chú trọng phát hành bằng kênh bán hàng trực tiếp. Thế nhưng hai năm nay, đại dịch Covid-19 đã khiến họ chú trọng hơn vào việc bán hàng qua sàn thương mại điện tử, facebook, zalo….

Một trong những "ông lớn" như Tập đoàn Thiên Long, dẫu đã có một phân khúc thị trường khá lớn, nhưng đại dịch cũng buộc tập đoàn phải chuyển mình. Tập đoàn triển khai nhiều hoạt động thương mại, bán hàng, chính sách ưu đãi: miễn phí ship cho các đơn hàng từ bao nhiêu tiền, mua hàng trên các cửa hàng số sẽ được giảm giá.

Đầu năm học 2021-2022, để thúc đẩy nguồn cung ứng hàng do ảnh hưởng của đại dịch covid-19 Tập đoàn Thiên Long đã đưa ra các chính sách khuyến mãi cho khách hàng khi mua hàng qua trang FlexOffice.com của Thiên Long.

Theo đó, khách hàng sẽ được ưu đãi lên đến 30% khi mua các loại dụng cụ học tập từ 5/10 đến 20/11 hay khách hàng cũng sẽ được miễn phí giao hàng với hóa đơn từ 200 nghìn đồng.

Đặc biệt, Tập đoàn Thiên Long cũng đã nghiên cứu nhu cầu của khách hàng để cũng đưa ra nhiều combo để khách hàng lựa chọn sao cho phù hợp với túi tiền cũng như điều kiện kinh tế.

Năm học 2021-2022 diễn ra trong tình trạng dịch phức tạp, nhiều địa phương học sinh phải học online. Để chung ta cùng học sinh, phụ huynh trong giai đoạn khó khăn, nhiều chính sách được doanh nghiệp đưa ra như miễn phí vận chuyển với các hóa đơn từ 200 nghìn đồng.

Một doanh nghiệp khác cũng chuyển hướng tích cực trong đại dịch Covid-19 là Công ty Cổ phần Phát hành sách TP.HCM (Fahasa). Trong đại dịch Covid-19, nguồn doanh thu từ các cửa hàng bán lẻ của công ty đã sụt giảm nghiêm trọng. Trước tình hình đó, công ty đã chuyển hướng phát triển thương mại điện tử. Được biết trong 5 năm qua, bán sách trực tuyến đã được đơn vị này chú trọng. Tuy nhiên đại dịch ập đến hoạt động bán hàng trên sàn thương mại điện tử của DN này mới phát triển mạnh.

Đặc biệt, từ đầu năm 2020, khi đại dịch diễn ra, Fahasa chứng kiến sự tăng trưởng vượt trội của kênh thương mại điện tử. Theo chia sẻ của đại diện của Công ty Cổ phần Phát hành sách TP.HCM (Fahasa), công ty đã không ngừng đầu tư cho thương mại điện tử, vì nhìn thấy triển vọng phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực này trong giai đoạn dịch bệnh, cũng như giai đoạn bình thường mới về sau.

Đồng thời, để thuận lợi cho quá trình phát hành trên sàn thương mại điện tử, trang web fahasa.com được cải tiến, quy trình vận hành tại kho cũng được áp dụng công nghệ mới, nhằm đưa hàng hóa đến tay người mua nhanh nhất.

Hiện, thương mại điện tử chiếm trên 50% doanh thu bán lẻ của Công ty Cổ phần Phát hành sách TP.HCM (Fahasa).

Đến tháng bảy năm nay, doanh thu thương mại điện tử của Công ty Cổ phần Phát hành sách TP.HCM (Fahasa) tăng hơn 50% so với năm 2020, tăng gấp 2,5 lần so với trước đại dịch.

Ước tính, doanh thu thương mại điện tử 2021 tăng gần gấp 3 lần so với năm 2019 - năm trước đại dịch.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ