Đại biểu Quốc hội: Ngân sách đầu tư cho giáo dục và đào tạo còn thấp

GD&TĐ - Ngân sách Nhà nước đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo còn thấp; việc phân bổ còn dàn trải, cào bằng và thực hiện cơ chế đặt hàng còn hạn chế.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trả lời chất vấn chiều 6/11.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trả lời chất vấn chiều 6/11.

Đặt câu hỏi chất vấn liên quan đến lĩnh vực giáo dục, đào tạo (ngày 6/11); đại biểu Phan Viết Lượng (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước) đề cập, nhiều năm qua, ngân sách nhà nước cho lĩnh vực này còn thấp, việc phân bổ còn dàn trải, cào bằng thực hiện cơ chế đặt hàng còn hạn chế.

Đại biểu đề nghị làm rõ nguyên nhân của những hạn chế nêu trên và chỉ tiêu nhiệm vụ cơ cấu lại, đổi mới việc phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước cho giáo dục đào tạo, văn hóa nói chung, cho giáo dục đại học, cho thiết chế văn hóa nói riêng như thế nào.

Đại biểu Phan Viết Lượng (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước) đặt câu hỏi chất vấn.

Đại biểu Phan Viết Lượng (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước) đặt câu hỏi chất vấn.

Cho ý kiến giải trình về vấn đề phân bổ ngân sách nhà nước cho lĩnh vực giáo dục, văn hóa và xã hội, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trao đổi, về phân bổ ngân sách nhà nước cho các lĩnh vực giáo dục, văn hoá xã hội, Chính phủ rất quan tâm để bố trí nguồn lực cho các lĩnh vực này.

Theo quy định hiện nay, phải dành 20% tổng chi ngân sách cho lĩnh vực giáo dục đào tạo. Thực tế bình quân hằng năm, chúng ta đã bố trí bình quân khoảng 14,7% tổng chi ngân sách cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Kế hoạch đầu tư công cũng dành khoảng 3,7% chi cho đầu tư phát triển lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Bên cạnh đó, theo Phó Thủ tướng, lĩnh vực văn hoá gần đây cũng được quan tâm, vừa rồi Chính phủ đã bố trí gần 2.000 tỷ đồng để tu bổ các di tích lịch sử văn hoá cần thiết.

Tuy nhiên, nguồn lực hiện chưa đáp ứng được nhu cầu và còn tình trạng dàn trải trong thực hiện, còn trình trạng phân bổ trong nhiều năm và sử dụng không hết dự toán.

Phó Thủ tướng cho biết, thời gian tới, căn cứ chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo, đặc biệt là kiên trì coi đầu tư cho giáo dục đào tạo, văn hoá xã hội là đầu tư cho con người, đầu tư cho sự phát triển bền vững đất nước.

Quan tâm bố trí nguồn lực cho hai lĩnh vực giáo dục, đào tạo và văn hoá, trong điều kiện nguồn lực còn khó khăn thì đẩy mạnh hoạt động xã hội hoá, huy động tối đa nguồn lực của xã hội, sửa đổi bổ sung quy định của pháp luật, cơ chế chính sách đặc thù về đầu tư tài chính hợp tác công tư để huy động các nguồn lực.

Đặc biệt gần đây, Chính phủ đã chỉ đạo khẩn trương xây dựng hoàn thiện Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hoá, xây dựng con người Việt Nam. Chương trình ưu tiên nguồn lực cho các mục tiêu trọng tâm và tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư trong lĩnh vực này.

“Bên cạnh đó, Chính phủ khẩn trương sửa đổi Nghị định số 32 để đặt hàng, đầu thầu, nâng cao tính minh bạch để sử dụng ngân sách hiệu quả” - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ