Đại án Việt Á, thiệt hại của người dân được giải quyết thế nào?

GD&TĐ - Đại án xảy ra tại Công ty Việt Á đang đặt ra vấn đề được dư luận quan tâm là thiệt hại của người dân sẽ được giải quyết như thế nào?

Phan Quốc Việt - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á.
Phan Quốc Việt - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á.

Đại án xảy ra tại Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) đang đặt ra vấn đề được dư luận quan tâm là: Thiệt hại của người dân sẽ được giải quyết như thế nào?

Điển hình về tham nhũng tiêu cực có hệ thống, tổ chức

Đại án xảy ra tại Công ty Việt Á khởi phát từ ngày 17/12/2021 khi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế buôn lậu (CO3), Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) cùng 4 thuộc cấp và Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến.

Trước đó, tại cuộc họp thông báo tình hình, kết quả công tác năm 2022 do Bộ Công an tổ chức, Đại tá Vũ Như Hà (Phó cục trưởng CO3) cho biết, cơ quan điều tra đã khởi tố 29 vụ án với tổng số 102 bị can về các tội danh Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Tham ô tài sản có liên quan đến đại án Việt Á.

Trong đó, công an các địa phương đã khởi tố 27 vụ, cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng cũng khởi tố điều tra 5 bị can. Trong số này, có 8 quan chức thuộc Bộ Y tế, Bộ KH&CN cùng hàng chục lãnh đạo, cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC), Sở Y tế các tỉnh, thành phố.

Liên quan đến đại án Việt Á, tính đến nay đã có 3 nguyên Ủy viên Trung ương Đảng bị bắt là cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng KH&CN Chu Ngọc Anh và cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng.

Mới đây nhất, ngày 4/1, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Thị Thanh Thủy (SN 1967), trú tại TP Hà Nội và Nguyễn Bạch Thùy Linh (SN 1978), Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên SNB Holdings, cùng về tội Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi.

Theo thông tin từ Bộ Công an, Công ty Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm cho CDC và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố cả nước với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng. Điều đáng nói, Phan Quốc Việt đã lợi dụng tình hình dịch bệnh để “bắt tay” với giám đốc CDC nhiều địa phương nâng khống giá bộ xét nghiệm Covid-19 từ đó hưởng lợi bất chính số tiền lớn.

Cựu Bộ trưởng KH&CN Chu Ngọc Anh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng và cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long bị bắt do có liên quan đến đại án Việt Á.

Cựu Bộ trưởng KH&CN Chu Ngọc Anh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng và cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long bị bắt do có liên quan đến đại án Việt Á.

Người dân bị thiệt hại đòi quyền lợi ở đâu?

Đại án Việt Á chưa qua đi, tổ chức, cá nhân vi phạm đã và đang được xử lý, tuy nhiên quyền lợi của người dân thì chưa nghe nhắc đến.

Liên quan đến nội dung này, mới đây, trong báo cáo về kết quả giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri gửi trước Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Thanh tra Chính phủ cho biết đã hướng dẫn toàn ngành Thanh tra tập trung thực hiện cuộc thanh tra chuyên đề việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vắc-xin, thuốc phòng, chống dịch Covid-19.

Thanh tra Chính phủ cho biết, liên quan đến vụ việc, sơ bộ đã có 9/20 bộ, ngành và 61/63 tỉnh, thành phố thành lập đoàn thanh tra. Qua đó đã tiến hành thanh tra 21.383 gói thầu (đạt 59,23%) với tổng giá trị 15.475 tỷ đồng (đạt 59,36 %).

Kết quả chỉ ra, có 54/61 tỉnh, thành phố với 4.992/15.909 gói thầu vi phạm. Một số địa phương có tỷ lệ gói thầu vi phạm cao (qua kiểm tra xác suất một số đơn vị, cơ sở y tế) như Đà Nẵng 100%; Hải Phòng 95,8%; Quảng Trị 95,2%; Nam Định 91,3%; Bình Thuận 90,7%; Cần Thơ 89,3%; Vĩnh Long 85,5%; các tỉnh Cao Bằng, Điện Biên, Ninh Bình, Hà Giang đều trên 70%...

Về vấn đề quyền lợi của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại trong đại án Việt Á, Thanh tra Chính phủ cho biết trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan chức năng sẽ làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp tổ chức, cá nhân nào có căn cứ cho rằng mình bị thiệt hại có thể liên hệ với cơ quan chức năng có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết theo quy định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.