Một quả giá bằng cân cam thường
Còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán 2024, nhưng nhiều chủ vườn cam Xã Đoài ở xã Nghi Diên (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) bắt đầu vào mùa thu hoạch. Năm nay cam mất mùa, nhưng bù lại giá cả tăng nên người nông dân được bù đắp phần nào.
Một quả cam Xã Đoài thường có giá bằng 2kg cam thông thường, chính vì thế mùa thu hoạch ở đây không nhộn nhịp như những vựa cam khác. Thay vào đó, khách hàng đến tận vườn, tự tay lựa chọn rồi cắt quả ngay trên cây.
Đang chăm sóc vườn cam của gia đình, ông Nguyễn Văn Hạnh (SN 1973, trú tại xóm Quyết Thắng, xã Nghi Diên) cho biết, cam Xã Đoài thường được mua để làm quà biếu hoặc bày mâm ngũ quả thắp hương. Dù còn hơn một tháng nữa mới đến Tết, nhưng hiện ông đã bán được gần 1.000 quả với giá 80.000 đồng/quả.
Theo ông Hạnh, năm nay quả cam tăng giá, giao động từ 80.000 - 100.000 đồng/quả, tùy từng nhà vườn. Sở dĩ cam Xã Đoài tăng giá hơn so với những năm trước bởi sản lượng quả giảm sút.
“Vườn cam 50 gốc của tôi dự kiến cho 5.000 quả, nhưng đã bị rụng hơn một nửa. Năm nay thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều, cùng với nhiều sâu bệnh khiến cam rụng nhiều sát thời điểm thu hoạch”, ông Hạnh cho biết.
Thu gom những quả cam rụng xuống đất, bà Nguyễn Thị Thủy (SN 1968, trú tại xóm Quyết Thắng, xã Nghi Diên) cho biết, chưa năm nào vườn cam của gia đình rụng nhiều như năm nay. Những quả cam to bằng nắm tay người lớn, xuất hiện những vết thâm, dần chuyển màu vàng chín ép rồi rụng dần đầy dưới gốc.
Vườn cam của bà Thủy năm nay dự kiến cho hơn 4.000 quả, nhưng nay đã bị hư mất một nửa. Nhiều gốc cam chỉ còn lác đác vài chục quả trên ngọn cây. Bà Thủy nhận định từ nay đến Tết chắc chắn quả sẽ tiếp tục rụng.
Số cam bị rụng đều được vợ chồng bà thu gom lại ủ thành phân để bón cho cây. “Nhiều quả cam còn rất đẹp, bóc ra vẫn thơm và ngọt nhưng chúng tôi bỏ hết chứ không bán hay ngâm rượu vì sợ ảnh hưởng đến chất lượng”, bà Thủy nói.
Sát cạnh vườn cam bà Thủy, ông Phạm Đình Khang (SN 1963) cũng đang thấp thỏm lo “mất Tết” vì đã phải vứt bỏ hơn nửa quả trên cây. Người đàn ông này cho biết, ngoài bất lợi về thời tiết, năm nay cây cam còn gặp nhiều sâu bệnh khiến quả rụng hàng loạt.
Vườn cam Xã Đoài ở xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc (Nghệ An). |
Kỳ công chăm sóc giống cam quý
Theo Sách “Lịch sử xã Nghi Diên”, cây cam ở Xã Đoài có nguồn gốc từ châu Phi, được người phương Tây mang đến trồng vào đầu thế kỷ 19. Cam Xã Đoài có vỏ ngoài mịn màng, căng mọng. Múi cam màu vàng óng, vị ngọt thanh.
Thời nhà Nguyễn, vì cam có hương vị thơm ngon đặc biệt, chỉ vùng Xã Đoài mới trồng được nên có giá rất đắt, chỉ các bậc vua, chúa mới có điều kiện thưởng thức. Cũng chính vì lẽ đó, loại trái cây này được người dân xứ Nghệ mệnh danh là cam “tiến vua”.
Thơm ngon nức tiếng là thế, nhưng để trồng và chăm sóc được cây cam Xã Đoài cho ra nhiều quả, hình thức đẹp thì người trồng phải chăm sóc rất cầu kỳ.
Là gia đình có vườn cam nhiều và đẹp nhất nhì xã Nghi Diên, ông Nguyễn Văn Thọ (SN 1969, trú tại xóm Quyết Thắng) chia sẻ, trước đây cây cam Xã Đoài có tuổi thọ chỉ khoảng 7 - 10 năm, nhưng nếu có kỹ thuật chăm sóc tốt sẽ kéo dài được tuổi thọ lên gấp đôi.
Để nhân giống cây, người dân thường chọn những nhánh nhỏ trên cây cam lớn để chiết bầu. Mỗi bầu cam mua tại vườn thường có giá bán khoảng 200.000 đồng. Cây cam trồng sang tuổi thứ 2 thì bắt đầu cho quả.
Với những cây yếu, sớm hỏng cành sẽ được cắt ngang thân hoặc đào cả gốc để trồng lại nhằm hạn chế bệnh, nấm lây lan sang cây khác. Người dân ở Xã Đoài không bơm thuốc bảo vệ thực vật mà tự chế tạo phễu rồi đặt chế phẩm bên trong để bắt các loài sâu bệnh, ong bướm hại cây.
Mỗi năm cây chỉ được bón phân hữu cơ một lần sau thu hoạch, lúc làm cỏ phải làm bằng tay để tránh đứt rễ cám, đất trồng cam phải tơi xốp, thoát nước. Sau khi cây đậu quả, người trồng phải dùng túi nilon bọc từng quả để tránh côn trùng hay chuột cắn phá. Hằng ngày, phải lật từng cọng lá để bắt sâu mà không được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hay chất kích thích.
Theo ông Thọ, vào dịp Tết Nguyên đán, các chủ vườn cam sẽ cho khách lựa chọn những cây cam cho quả đẹp để đặt hàng. Đối với những quả kém chất lượng, mẫu mã xấu do ong, bướm đốt sẽ được các chủ vườn loại ra, không bán. Cam có 2 vụ nhưng chỉ ưu tiên 1 vụ để cây sinh trưởng tốt, khỏe và cho quả ngon nhất.
Ông Phan Công Dương - Chủ tịch UBND xã Nghi Diên cho biết, hiện cam Xã Đoài trong các nhà vườn còn lại khoảng 30ha, trong đó chỉ có 10ha cho quả thường xuyên. Cam được xem là cây trồng chủ lực của người dân địa phương, mỗi năm cho doanh thu khoảng 20 tỉ đồng. Tuy nhiên, năm nay cam mất mùa nặng, doanh thu ước giảm chỉ còn dưới 15 tỉ đồng.
Theo ông Dương, năm nào cam cũng bị rụng, nhưng chưa năm nào cam Xã Đoài rụng nhiều như năm nay. Hơn một tháng trước, vùng Xã Đoài có nhiều trận mưa lớn kéo dài. Sau đợt mưa đó, những vườn cam trĩu quả bắt đầu rụng hàng loạt.
Ông Trần Nguyên Hòa - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Nghi Lộc cho biết, cam Xã Đoài là nông sản quý của địa phương, tuy nhiên do diện tích trồng đang ngày càng thu hẹp nên sản lượng cam không đủ để cung ứng cho thị trường.
Theo ông Hòa, từng có nhiều đơn vị lấy giống cam Xã Đoài về trồng ở địa phương khác như ở huyện Yên Thành, Quỳ Hợp, Anh Sơn (Nghệ An), Cao Phong (Hòa Bình).
Tuy nhiên, hương vị không thơm ngon bằng cam được trồng ở xóm Quyết Thắng, đặc biệt là khu vực gần nhà thờ Giáo xứ Xã Đoài. Chính vì thế, người dân nơi đây muốn mở rộng diện tích trồng cũng rất khó.
Để phát triển giống cây này, hằng năm UBND huyện Nghi Lộc có kế hoạch hỗ trợ người nông dân chi phí giống, vật tư. Ngoài ra, huyện và tỉnh cũng tổ chức nhiều chương trình hội chợ, hội thảo để xúc tiến tiêu thụ và quảng bá sản phẩm.