Quản lý du lịch bằng “tay chân”
Đà Nẵng đã có một số sản phẩm ứng dụng công nghệ vào phát triển du lịch. Các app “Chatbot”, Danang Fantasticity đã mang lại nhiều tiện tích cho du khách. Khách du lịch có thể tự tìm hiểu, lên lịch trình, chọn các địa điểm lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí cho chuyến đi của mình thông qua các câu hỏi gợi ý. Tuy nhiên, thanh toán trực tuyến, đặt mua tour, mua vé trực tuyến hay, đặt phòng, tham khảo các thông tin của điểm đến… mới chỉ là dạng thấp của ứng dụng công nghệ.
TS Trần Hoàng Vũ - Trưởng khoa Điện - Điện tử, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng) nhận xét: “Hầu hết, nội dung các website gần như mới chỉ tập trung vào việc giới thiệu các khu danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử dưới dạng văn bản và kèm theo một vài ảnh minh họa dạng 2D. Điều này gây ra những hạn chế và thiếu sinh động, hấp dẫn đối với người xem”.
Theo TS Vũ, về cơ bản, chúng ta đang quản lý du lịch bằng “tay chân”. Tức ghi chép vẫn là chủ yếu, thông qua hệ thống vé bán ra chứ chưa quản lý bằng công nghệ. “Như Bảo tàng Chăm Đà Nẵng, cứ trước 4 giờ chiều hàng ngày là nhân viên phải sang Kho bạc để nộp số tiền thu được từ bán vé trong ngày. Cuối tháng lại lên Kho bạc nhận lại số tiền được trích lại cho bảo tàng để chi trả lương cho nhân viên” – TS Vũ ví dụ.
Theo ông Lý Đình Quân – Tổng Giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn, một số ứng dụng như Internet vạn vật sẽ tạo ra những kết nối trong quá trình triển khai du lịch thông minh. Nó giúp liên kết các bên cung ứng dịch vụ sản phẩm, nhà quản lý, du khách…
Thẻ du lịch thông minh
Bảo tàng Điêu khắc Chăm (Đà Nẵng) đang thí điểm ứng dụng công nghệ 3D Scanning để quảng bá đến du khách trước khi trải nghiệm thực tế. Không gian, màu sắc, hình ảnh của điểm tham quan đều được tái hiện chính xác khi đưa lên với 3 chế độ xem. Góc nhìn 3D đa chiều xoay 360 tại 4 phòng trưng bày Trà Kiệu, Mỹ Sơn, Đồng Dương và Tháp Mẫm. Du khách có thể chiêm ngưỡng các hiện vật đang trưng bày tại bảo tàng cho dù đang ở bất cứ vị trí nào.
Các bước di chuyển ngắn, liên tục và chi tiết cho phép người dùng có thể chủ động tương tác trực tiếp với không gian không giới hạn. Du khách có thể di chuyển đến bất cứ điểm nào đều cho cảm nhận như đang thực sự đứng ở đó. Trước khi đến tham quan trực tiếp Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, chỉ với một app và kính 3D, du khách có thể tìm thấy được những thông tin liên quan đến một tranh cụ thể với các góc độ trưng bày khác nhau. Thậm chí, có cả link để liên hệ với tác giả thay vì một ảnh tĩnh trên website.
Đây là một trong những ứng dụng của đề tài nghiên cứu, phát triển một số dịch vụ hỗ trợ và quản lý du khách nhằm phát triển du lịch bền vững theo định hướng thành phố thông minh và Chính phủ điện tử do Nhóm giảng viên của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng triển khai.
TS Trần Hoàng Vũ, chủ nhiệm đề tài cho biết: “Nền tảng STSC (Smart Tourist Service Center) sẽ cho phép xây dựng, phát triển và tích hợp dịch vụ một cách thuận lợi thông qua việc ứng dụng công nghệ vi dịch vụ. Các dịch vụ được xây dựng phục vụ được cả 3 đối tượng: Du khách, tổ chức cung cấp dịch vụ du lịch và cơ quan quản lý Nhà nước”.
Bảo tàng Đà Nẵng là một trong các điểm du lịch triển khai thử nghiệm ứng dụng các sản phẩm phần cứng của đề tài. Bao gồm thẻ du lịch thông minh Danang City pass, hệ thống KIOSK quảng bá du lịch đa phương tiện, đa ngôn ngữ, hệ thống kiểm soát ra, vào, thiết bị POS chuyên dụng phục vụ thu phí tại điểm du lịch. Những sản phẩm phần cứng này tương tác cùng ứng dụng di động và hệ thống STSC sẽ tạo thành một hệ dịch vụ chuyên biệt phục vụ phát triển du lịch một cách bền vững.
Ông Hà Thanh Vân – Giám đốc Bảo tàng cho biết: “Hệ thống kể kiểm soát vào/ra, kết hợp kết nối đến STCS để thực hiện thu phí tiện tích và hiển thị thông tin du khách bảo đảm thu phí cả online lẫn offline khi có sự cố trong thời gian ngắn hơn 60 phút”. Với thẻ du lịch thông minh, chỉ cần khách du lịch quẹt thẻ tại các điểm du lịch thì vừa quản lý được du khách vừa minh bạch tài chính.
KIOSK du lịch kết nối được thiết bị đến STSC thông qua các service cài đặt trên KIOSK. Du khách có thể tra cứu được các điểm du lịch, các điểm quan tâm dựa trên nền bản đồ số Google Map. Ứng dụng còn cung cấp thông tin các điểm đến theo loại hình du lịch như thiên nhiên, vui chơi, lịch sử hay văn hóa hoặc theo lựa chọn của du khách. Đưa ra gợi ý những điểm du lịch tương đồng theo sở thích lựa chọn điểm du lịch hay quảng bá tất cả các điểm du lịch có trong hệ thống STSC.
Theo TS Trần Hoàng Vũ, để du khách dễ dàng tìm kiếm thông tin, có những trải nghiệm trước khi quyết định đặt tour, cần nhiều dữ liệu được cung cấp từ các bên liên quan, nhất là phía doanh nghiệp như cập nhật các thông tin về sự kiện văn hóa, du lịch, những thông tin hình ảnh quảng bá cũng như các chính sách giảm giá của đơn vị…