Từ ngày 9 đến ngày 10/10, trên địa bàn TP Đà Nẵng có mưa to đến rất to, khiến mực nước trên các sông ở địa bàn thành phố dâng cao. Tại huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng), nước sông Túy Loan đã dâng cao, khiến hàng trăm hộ dân sinh sống gần sông ngập trong nước lũ.
Theo ghi nhận, mực nước tăng nhanh khiến các thôn như: Thạch Nham Tây, Hòa Phú 1, Hòa Phú 2,…của xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) bị ngập lụt cục bộ, độ sâu từ 0,5m đến 1,5m, có nơi cao hơn.
Ông Trần Văn Hóa (trú thôn Thạch Nham Tây, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) cùng nhiều thanh niên trong thôn lấy ghe gỗ làm phương tiện di chuyển, chèo đi khắp thôn để đến thăm hỏi từng nhà.
“Trong thôn có nhiều nhà chỉ có người già, phụ nữ và trẻ nhỏ nên tôi chèo ghe đến hỏi thăm. Ai cần gì thì mua giúp, ai ốm đau thì anh em chở họ ra ngoài đường chính, vì các tuyến đường trong thôn đã bị cô lập do nước lũ. Đến giờ tôi chèo được hơn 5 vòng quanh thôn”, ông Hóa nói.
Chúng tôi theo ghe của ông Hóa để vào các vùng ngập sâu trong thôn Thạch Nham Tây (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) tới nhà bà Lê Thị Hường (SN 1971, trú thôn Thạch Nham Tây, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) - là một trong những hộ dân bị “bao vây” bởi nước lũ.
Bà Hường cho biết nước bắt đầu dâng cao và tràn vào nhà bà từ 2 giờ đêm 9/10. Lúc này, trong nhà chỉ có bà Hường và đứa con gái, nước lên nhanh nên hai mẹ con chỉ kịp dọn dẹp chút ít đồ đạc vật dụng cùng bàn thờ gia tiên lên trên gác lửng để tránh lũ.
“Nhà ngập từ 1m đến chỗ sâu hơn là gần lút đầu. Gạo, mỳ tôm, nước mắm nhà tôi có đủ cả nhưng mà bếp ga cùng bình ga đã bị trôi theo nước lũ, không kịp giữ lại. Chuồng gà hơn 20 con cũng trôi theo dòng nước”, bà Hường nói.
Sau nhà bà Hường, ông Hóa tiếp tục chèo đến các hộ dân xung quanh để hỏi han nếu cần ông sẵn sàng giúp đỡ. “Đây là trận lũ lớn trong vòng 5 năm trở lại đây. Nhìn nhà và đồ đạc của bà con ngập trong nước lũ mà xót xa quá. Tôi chỉ biết chèo đi xung quanh các nhà dân, ai cần gì thì tôi giúp chứ không biết làm sao”, ông Hóa cho hay.
Trao đổi với PV, ông Trần Văn Thu – Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) cho biết, toàn xã Hòa Nhơn có hơn 855 hộ bị ngập lụt, trong đó xã di dời hơn 183 hộ dân đến nơi an toàn. Ngoài ra, có 11,8 hecta hoa màu bị thiệt hại.
“Xã đã nắm thông tin về mưa lớn, lũ lụt, để triển khai di dời người dân từ vùng ngập, vùng trũng đến nơi an toàn. Cạnh đó, chúng tôi thành lập các tổ xung kích, phân công cán bộ đứng điểm từng thôn, từng hộ gia đình để hỗ trợ người dân. Nhưng ngập lụt lớn khi công tác gặp nhiều khó khăn”, ông Thu thông tin.
Chiều 10/10, UBND TP Đà Nẵng vừa có công điện về việc triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với mưa, lũ do áp thấp nhiệt đới. Theo dự báo, 24 giờ đến Đà Nẵng tiếp tục có mưa to. Từ ngày 11/10 tình hình mưa lớn còn diễn biến phức tạp, có khả năng kéo dài, mực nước trên sông Vu Gia, Cẩm Lệ tiếp tục lên. Ngoài ra, hiện nay theo thông báo của chủ các hồ chứa thủy điện ở tượng nguồn sông Vu Gia; Sông Bung 4, A Vương bắt đầu xả tràn để vận hành đưa mức nước về dưới mực nước đón lũ. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất vùng núi, ngập lụt lớn tại các vùng ven sông, trũng thấp, đặc biệt là huyện Hòa Vang, quận Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu,…
Để ứng phó, UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo các quận huyện triển khai phương án sơ tán nhân dân, sinh viên, công nhân sống trong các nhà trọ, nhà tạm, nhà không có nơi kiên cố đến nơi an toàn, hoàn thành trước 15 giờ ngày 10/10.
Nghiêm cấm nhân dân phương tiện và ghe thuyền không có nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão đi lại trong vùng trũng thấp và ngập lũ, qua ngầm, cầu tràn; tổ chức lực lượng canh gác, chốt chặn tại các khu vực ngập sâu, ngầm, cầu tràn qua suối, nhất là khi có nước chảy siết... Các lực lượng chức năng bố trí nhân lực, phương tiện cứu nạn trên nước để giúp UBND huyện Hòa Vang di dân, cứu nạn, cứu hộ cho các vùng bị ngập lũ trên địa bàn.