Đà Nẵng: Kiểm tra trực tuyến, nộp bài trực tiếp

GD&TĐ - Do số lượng học sinh và giáo viên sinh sống ở vùng có cấp độ dịch mức 3 và mức 4 tăng nhiều, một số trường học ở Đà Nẵng sử dụng hình thức kiểm tra trực tuyến 100% cho dù đang dạy – học trực tiếp.

Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đảm bảo giãn cách khi phụ huynh đến trường nộp bài thi cho học sinh.
Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đảm bảo giãn cách khi phụ huynh đến trường nộp bài thi cho học sinh.

Mỗi lớp một giờ nộp bài

Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) triển khai hai hình thức kiểm tra cuối học kỳ I dựa theo hình thức học tập của học sinh. Cụ thể, lớp 8, 9 sẽ kiểm tra trực tiếp đối với những học sinh đang học trực tiếp.

Riêng những học sinh ở các vùng cam, đỏ và F1 sẽ kiểm tra theo hình thức trực tuyến cùng với thời gian kiểm tra trực tiếp đang diễn ra tại trường. Học sinh khối lớp 6 – 7 kiểm tra trực tuyến trên phần mềm MsTeam để giám sát quá trình làm bài.

Thầy Võ Thanh Phước – Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: “Với học sinh tham gia kiểm tra bằng hình thức trực tuyến làm bài thi vào giấy. Kết thúc giờ thi, các em chụp bài làm rồi gửi cho giáo viên.

Việc chụp lại bài làm chỉ để giáo viên biết được bài của học sinh dừng lại ở thời điểm nào. Nhà trường chia lịch nộp bài theo khung giờ để phụ huynh đưa bài viết đến cho giáo viên.

Chấm bài trên giấy sẽ đảm bảo hơn việc giáo viên chấm bài qua ảnh chụp vì có thể nhiều HS viết chữ nhỏ, mực nhạt, điện thoại chụp không sắc nét…”. Tại khu vực nộp bài, nhà trường đã chia theo từng lớp, có sự giám sát của tổ bảo vệ, phụ huynh ký xác nhận vào giấy.

Theo thầy Võ Thanh Phước, để tránh bị động trong việc tổ chức cho học sinh làm bài kiểm tra cuối học kỳ I, nhà trường hướng dẫn các giáo viên chủ nhiệm thông báo cho học sinh phải cập nhật mức độ dịch tại nơi cư trú.

“Nếu dịch ở mức 3 và 4, học sinh phải thông báo ngay để nhà trường cập nhật danh sách lên hệ thống kiểm tra trực tuyến thì các em mới có thể vào phòng thi được” – thầy Phước chia sẻ.

Các trường tiểu học ở Đà Nẵng đều sử dụng hình thức thu bài trực tiếp. Phụ huynh sẽ đến trường nộp bài thi cho học sinh theo khung giờ quy định, đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch.

Với những trường hợp học sinh đang ở ngoài thành phố, nhà trường tạo điều kiện tối đa bằng cách gửi file đề cho phụ huynh, học sinh chỉ cần chụp bài làm rồi gửi giáo viên chấm.

Đảm bảo công bằng cho học sinh

Trường THPT Trần Phú lưu ý: Nếu học sinh không nhấn được nút nộp bài do thiết bị kết nối mạng không ổn định, hệ thống sẽ tự ghi nhận kết quả, song để đảm bảo quyền lợi khi gặp sự cố đường truyền, học sinh chụp ảnh toàn bộ bài làm (trắc nghiệm và tự luận) gửi về Zalo của giáo viên bộ môn của mình.

Hầu hết các lớp học của Trường THPT Trần Phú (quận Hải Châu) đều có khoảng 1/3 học sinh phải chuyển sang học trực tuyến do sinh sống ở khu vực vùng cam hoặc đỏ. Nhà trường quyết định áp dụng hình thức kiểm tra trực tuyến cho tất cả khối lớp. Theo cô Hồ Thị Thảo Nguyên – Phó Hiệu trưởng nhà trường, thời gian học sinh học trực tuyến chiếm 2/3 học kỳ nên kiểm tra theo hình thức trực tuyến là hợp lý.

Trường THPT Trần Phú sử dụng phần mềm Ms Team để triển khai kiểm tra trực tuyến. Trong quá trình học sinh làm bài thi, giáo viên coi thi phải bấm nút ghi màn hình, quan sát học sinh và ghi biên bản buổi kiểm tra. Học sinh làm bài phần tự luận trực tiếp trong Teams hoặc làm phần tự luận trên giấy rồi chụp nộp qua Teams.

Trường hợp học sinh nào không làm bài trực tiếp được trên phần mềm (hoặc không chụp gửi qua Teams được) thì làm bài trên giấy có ghi rõ họ tên, lớp (phần bài làm tự luận). Học sinh chụp hình bài làm tự luận thật rõ nộp riêng cho giáo viên bộ môn qua Zalo. Học sinh lưu giữ cẩn thận phần bài làm tự luận và sẽ nộp khi đi học lại.

Dù đã chủ động xây dựng phương án kiểm tra học kỳ trực tiếp nhưng do tình hình dịch diễn biến phức tạp, học sinh và giáo viên cư trú ở khu vực có cấp độ dịch mức 3 và mức 4 tăng qua từng ngày, Trường THPT Phan Châu Trinh (quận Hải Châu) cũng triển khai hình thức kiểm tra trực tuyến trong toàn trường.

Dù quy trình kiểm tra trực tuyến đã áp dụng ở cuối học kỳ II năm học trước nhưng nhà trường vẫn triển khai tập huấn lại cho giáo viên và để học sinh kiểm tra thử làm quen với hệ thống.

“Mỗi lớp kiểm tra sẽ có 2 giáo viên coi thi, trong đó một giáo viên là chủ nhiệm lớp. Ban giám hiệu và ban thanh tra tham gia giám sát quá trình học sinh làm bài trực tuyến” - thầy Nguyễn Quang Hưng – Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh thông tin.

Theo thầy Nguyễn Quang Hưng, đề thi phải đảm bảo được sự phân hóa học sinh theo ma trận đề mà Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã hướng dẫn, có cả câu hỏi tự luận và trắc nghiệm. Với một đề thi, nếu học sinh không tập trung làm bài sẽ không thể giải quyết hết nội dung đề.

Trong thiết kế giấy kiểm tra phần tự luận của Trường THPT Phan Châu Trinh, mỗi trang đều có họ tên của học sinh. Khi chụp ảnh, phải có họ tên đi kèm nên cũng không thể làm giùm, làm hộ được.

Để đảm bảo học sinh được hỗ trợ trong suốt quá trình kiểm tra trực tuyến, Trường THPT Phan Châu Trinh đã thông báo lịch kiểm tra với VNPT để cử người trực, cùng tổ công nghệ thông tin của trường giải quyết kịp thời những lỗi kỹ thuật phát sinh.

Các lỗi chủ yếu là do chất lượng thiết bị đầu ra của học sinh không đảm bảo như bể phông chữ, nhận đề chậm... nên nhanh chóng được hỗ trợ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ