Đà Nẵng 'khai tử' dự án Ga đường sắt trên giấy, dân vẫn chưa hết lo

GD&TĐ - Dự án Ga đường sắt Đà Nẵng được phê duyệt quy hoạch từ năm 2004, tuy nhiên suốt 18 năm qua, dự án vẫn chỉ nằm 'trên giấy'.

Đường sá tại khu vực quy hoạch Ga đường sắt Đà Nẵng đã xuống cấp. Sau khi hủy bỏ quy hoạch dự án Ga đường sắt, nhiều người dân đã rất phấn khởi.
Đường sá tại khu vực quy hoạch Ga đường sắt Đà Nẵng đã xuống cấp. Sau khi hủy bỏ quy hoạch dự án Ga đường sắt, nhiều người dân đã rất phấn khởi.

Việc dự án bị hủy, hàng ngàn hộ dân nằm trong vùng quy hoạch vui mừng. Nhưng họ vẫn chưa hết những nỗi lo đang chực chờ.

Vui buồn lẫn lộn

Dự án Ga đường sắt Đà Nẵng mới và hệ thống giao thông phục vụ ga được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch từ năm 2004 nhằm di dời ga Đà Nẵng ra khỏi trung tâm thành phố.

Theo đó, dự án được quy hoạch trên diện tích hơn 70ha, ảnh hưởng đến 19 tổ dân phố với hơn 2.000 hộ dân của phường Hòa Minh, Hòa Khánh Nam, Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu).

Nhưng vì nhiều lý do nên dự án đã bị “treo” suốt 18 năm qua. Vì dự án vẫn chưa thể triển khai nên người dân “đi không được, ở cũng chẳng xong”. Đất không được cấp, tách sổ, không được xây sửa, đường sá xuống cấp…

Những ngày qua, vợ chồng bà Đoàn Thị Hương Lan (trú tổ 32 phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) tranh thủ dọn dẹp cỏ cây trên mảnh đất chừng 100m2. Hơn 15 năm qua, 6 người trong gia đình ông bà phải sống trong căn nhà tạm xập xệ chưa đầy 30m2.

Bà Lan cho biết, 21 giờ tối 14/10, Đà Nẵng có trận mưa lịch sử, vùng này trũng thấp, nước dâng lên cao quá đầu người. “Nước lên nhanh, già trẻ lớn bé phải đỡ nhau trèo lên tận nóc nhà ngồi đợi cứu hộ đến”, bà Lan nhớ lại.

Nắng thì bụi bặm, mưa thì ngập tận mấy mét, đôi lúc vợ chồng bà Lan định sửa nhà, thế nhưng sửa không được, vì nhà nằm trong khu vực quy hoạch ga đường sắt.

Nghe thông tin TP Đà Nẵng hủy bỏ quy hoạch ga đường sắt sau 18 năm “treo”, gia đình bà Lan cùng nhiều gia đình xung quanh đây vui mừng. Bởi từ nay họ có thể sửa chữa nhà sau những năm tháng đằng đẵng ở tạm trong căn nhà xuống cấp, tồi tàn. “Bỏ quy hoạch rồi thì tôi chỉ mong được xây nhà trên chính mảnh đất của gia đình mình đang ở”, bà Lan bộc bạch.

Nhiều hộ dân tại vùng quy hoạch đều cho rằng, sau khi hủy quy hoạch dự án, chính quyền địa phương cần tạo điều kiện, hướng dẫn cụ thể cho người dân có nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà cửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất…

Chung tâm trạng với gia đình bà Lan, ông Nguyễn Văn Đại (trú tổ 42 phường Hoà Khánh Nam, quận Liên Chiểu) chia sẻ, dù vui mừng trước việc thành phố hủy bỏ quy hoạch ga đường sắt nhưng người dân nơi đây vẫn chưa hết lo lắng, bởi mọi thứ vẫn còn rất ngổn ngang.

Ông Đại cho rằng, việc dự án kéo dài khiến người dân sống khổ, dù đã có công bố bãi bỏ quy hoạch, nhưng người dân vẫn chưa nhận được thông báo cụ thể rằng có được xây nhà, chuyển đổi mục đích sử dụng đất hay không?

“Tại tổ 42, người dân làm nhà chủ yếu trên đất bỏ hoang, giấy tờ mua bán viết tay (giấy tờ nộp thuế sử dụng đất và giấy tờ xác minh nguồn gốc đất do UBND phường chứng thực – PV), chính quyền cần xem xét và rà soát lại, để dân sớm được ổn định nhà cửa”, ông Đại bày tỏ.

Ông Lê Tấn Bường, Tổ trưởng tổ 42 phường (Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu), cho hay, quyết định hủy bỏ dự án Ga đường sắt được người dân luôn mong ngóng từ nhiều năm nay. Và sau khi công bố hủy bỏ quy hoạch, nhiều người dân đã lên phường xin được xây dựng, sửa chữa nhà cửa nhưng không được vì giấy tờ có cơ sở pháp lý yếu.

“Ngoài ra, không chỉ tổ 42, mà còn nhiều tổ khác thuộc phường Hòa Khánh Nam nằm trong diện quy hoạch đô thị xanh từ năm 2030 đến năm 2050 của thành phố nên người dân chỉ được sửa tạm, không được làm nhà kiên cố.

Rất khó cho người dân. Mong thành phố sớm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống thoát nước để chúng tôi yên tâm sửa chữa nhà ở, sớm ổn định cuộc sống”, ông Bường nói.

Gia đình bà Lan sống trong căn nhà xập xệ nhiều năm nay. Do vướng dự án Ga đường sắt nên việc sửa chữa nhà không thể thực hiện được.

Gia đình bà Lan sống trong căn nhà xập xệ nhiều năm nay. Do vướng dự án Ga đường sắt nên việc sửa chữa nhà không thể thực hiện được.

Sớm “gỡ khó” cho người dân

Dự án được dời đi đâu?

“Theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 vừa được Thủ tướng phê duyệt, ga đường sắt mới đã được di dời ra vị trí mới tại huyện Hòa Vang. Đường sắt qua TP Đà Nẵng sẽ được quy hoạch hành lang tuyến cho đường sắt tốc độ cao và đường sắt quốc gia chạy bên cạnh đường bộ cao tốc về phía Đông. Ga đường sắt mới sẽ được đặt tại khu vực phía Bắc nút giao thông Bà Nà - Suối Mơ với đường bộ cao tốc. Cùng với đó, xây dựng nhà ga hàng hóa tại khu vực Kim Liên để kết nối với cảng Liên Chiểu”.

Ông Thân Đức Minh - Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam - cho biết, sau khi có quyết định hủy bỏ quy hoạch ga đường sắt Đà Nẵng, nhiều người đến trụ sở phường hỏi thủ tục xin sửa chữa nhà cửa và các nhu cầu khác. Các kiến nghị của người dân sẽ được phường sớm đề xuất lên quận xem xét, giải quyết.

Lãnh đạo phường Hòa Khánh Nam đề nghị chính quyền thành phố Đà Nẵng sau khi hủy quy hoạch cũ cần sớm có quy hoạch chỉnh trang đô thị để người dân có điều kiện sửa sang, làm nhà ở và thực hiện các quyền theo Luật Đất đai, đồng thời làm cho khu vực khang trang, bảo đảm mỹ quan đô thị.

Còn ông Nguyễn Đăng Huy - Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu - cho hay, quận đã công bố các quyết định của thành phố về việc bãi bỏ các quyết định về sơ đồ ranh giới, quy hoạch nhà ga đường sắt tại phường Hòa Minh, phường Hòa Khánh Nam, phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu).

Theo đó, bãi bỏ các quyết định về việc phê duyệt tổng mặt bằng quy hoạch nhà ga đường sắt mới, tỉ lệ 1:1.000; phê duyệt điều chỉnh sơ đồ ranh giới quy hoạch sử dụng đất dự án Ga đường sắt mới; phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất tỉ lệ 1/2.000 ga đường sắt mới và hệ thống giao thông phục vụ ga. Sau khi bỏ quy hoạch dự án, quận này sẽ rà soát xem các khu vực nào cần đầu tư, chỉnh trang đô thị, khu vực nào không vướng quy hoạch sẽ tính toán các bước phù hợp.

“Sau khi công bố các nội dung này, quyền lợi của người dân về đất đai, nhà cửa khu vực dự án sẽ thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Người dân có giấy tờ hợp lệ cứ trình theo đúng quy định của Luật Xây dựng và Luật Đất đai”, ông Huy cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ