Đà Nẵng có 201 trường mầm non, trường chuyên biệt và các cơ sở bảo trợ tham gia đề án Sữa học đường. Trong đó, có 2 cơ sở bảo trợ xã hội (thuộc Sở LĐ, TB-XH), 196/206 trường mầm non; 3 cơ sở giáo dục chuyên biệt gồm Trường chuyên biệt Tương lai, Trung tâm câm điếc miền Trung và Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng. Ngoài ra, có 225/324 nhóm, lớp độc lập tư thục tham gia đề án. Tổng số trẻ mẫu giáo tham gia Đề án 39.594/50.531 trẻ đạt tỷ lệ 78.4%.
Theo Sở GD&ĐT Đà Nẵng, sau 3 năm triển khai, đề án nhận được sự ủng hộ tích cực của các cơ quan, đơn vị và người dân, giúp phụ huynh yên tâm hơn về nguồn gốc và chất lượng sữa tại các cơ sở giáo dục mầm non cũng như góp phần giảm bớt gánh nặng chi phí mua sữa cho những gia đình khó khăn. Qua khảo sát cho thấy, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, trẻ thấp còi tại các trường giảm đáng kể (còn 0,3%); 100% trẻ mẫu giáo tại các cơ sở giáo dục mầm non được cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ trong tương lai.
Tại hội nghị, UBND thành phố tặng bằng khen cho 8 tập thể, 7 cá nhân. Dịp này, Sở GD&ĐT cũng tặng giấy khen cho 47 tập thể và 46 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Đề án “Sữa học đường” giai đoạn 2018-2020.
Đại diện Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết, sẽ tiếp tục triển khai “Đề án Sữa học đường giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” cho năm học 2020 – 2021 theo Nghị quyết số 339/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng về kéo dài hiệu lực thi hành Nghị quyết 106 và Nghị quyết 161 về Đề án Sữa học đường giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.