Đà Nẵng: Giáo viên tố cáo tiêu cực xin ra khỏi tổ chức Công đoàn

GD&TĐ - Cô Châu Thị Thanh Thủy - giáo viên Trường Mầm non Hồng Đào (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) đã viết đơn xin ra khỏi tổ chức Công đoàn vì cho rằng tổ chức này không bảo vệ được quyền lợi của các thành viên, thiếu quan tâm đến nguyện vọng của đoàn viên.

Cô Châu Thị Thanh Thủy cho biết, quyết định luân chuyển công tác đối với cô là không thuyết phục, bị trù dập, ngụy tạo
Cô Châu Thị Thanh Thủy cho biết, quyết định luân chuyển công tác đối với cô là không thuyết phục, bị trù dập, ngụy tạo

Lên tiếng vì quyền lợi của GV và học sinh

Cô Châu Thị Thanh Thủy cho biết, từ tháng 10/2016 cho đến thời điểm trước khi bị luân chuyển công tác (tháng 10/2018), cô được bầu làm Chủ tịch Công đoàn của Trường Mầm non Tuổi Hoa.

“Cuối tháng 10/2016, khi cô Hoàng Thị Minh Tân còn làm Hiệu trưởng, đoàn kiểm tra của quận về làm việc với Ban Giám hiệu và Ban Liên tịch của trường về quyền lợi của tập thể, tài chính không rõ ràng, minh bạch.

Đa số giáo viên trong Ban Liên tịch bao che cho Hiệu trưởng, khi được mời có ý kiến, tôi đã thẳng thắn chỉ ra một số vấn đề. Như ngày lễ trong năm, giáo viên có ký nhận nhưng không được nhận tiền (ngày lễ 20/11), lương bán trú, thứ 7 của tập thể cũng không rõ ràng, ít hơn so với số lượng học sinh. Hiệu trưởng chia rẽ, gây mất đoàn kết nội bộ…”, cô Thủy nói.

Ngày 14/12/2017, Phòng GD&ĐT Thanh Khê chủ trì cuộc họp với phụ huynh về việc nhà trường thu tiền đồ dùng bán trú nhưng từ tháng 9 đến tháng 12 vẫn không mua đủ để học trò ngủ lạnh, phụ huynh thấy và quay clip lên mạng. “Tôi đã yêu cầu Ban Thanh tra nhân dân cho chúng tôi được giám sát và giải trình một số vấn đề tài chính mà lâu nay chúng tôi nghi ngờ có cơ sở. Nhưng Phòng GD&ĐT Thanh Khê can thiệp và Trưởng phòng GD&ĐT đã nhờ tôi về họp lại với thanh tra của nhà trường để cô Hoàng Thị Minh Tân về hưu an toàn, có danh dự” - cô Thủy cho biết.

Đầu tháng 8/2018, cô Nguyễn Phạm Nhật Vy được điều động về làm Hiệu trưởng Trường Mầm non Tuổi Hoa. “Giữa tháng 8/2018, cô Vy điều động 3 GV ra ngoài cạo bờ tường của trường và sơn mới lại với lý do không có lớp.

Hàng tháng, nhà trường đều trích 5% từ nguồn phục vụ bán trú và 10% học phí thứ 7 để sửa chữa, tại sao lại bắt GV làm những việc này?

Bữa ăn của HS cũng không bảo đảm định lượng, tôi cũng góp ý nhưng không thay đổi nên đầu tháng 9/2018 tôi đã chụp ảnh lại. Việc bầu bán Tổ trưởng Tổ Văn phòng không đúng quy định, vi phạm quy chế dân chủ trong trường học, tôi đã đứng ra khiếu nại, phản đối”, cô Thủy cho biết.

Đơn xin ra khỏi tổ chức Công đoàn của cô Châu Thị Thanh Thủy
  • Đơn xin ra khỏi tổ chức Công đoàn của cô Châu Thị Thanh Thủy

Điều chuyển giáo viên không thuyết phục

Tháng 10/2018, cùng với 2 GV khác của trường, cô Thủy nhận quyết định thuyên chuyển công tác khi đang là GV chủ nhiệm kiêm Chủ tịch Công đoàn. Lý do thuyên chuyển được Phòng Nội vụ Thanh Khê giải thích là do Trường Mầm non Tuổi Hoa đang thừa GV. “Nhưng tôi thấy vô lý vì tôi khi đó đang là GV chủ nhiệm lớp, không nằm trong diện dư thừa”.

Cô Châu Thị Thanh Thủy kể: “Ngày 7/9/2018, Ban Chấp hành Công đoàn nhà trường họp với Ban Thanh tra nhân dân bàn về các vấn đề thuộc quy chế Công đoàn và bầu Tổ trưởng Tổ Văn phòng, có mời Hiệu trưởng tham dự. Lúc đó, cô Vy có tham gia ý kiến về việc điều chuyển, rằng cô rất khó khăn khi nhận quyết định về Trường Mầm non Tuổi Hoa nhưng cấp trên hứa với cô là sẽ để cô dễ làm việc. Cả Phòng Nội vụ, Phòng GD&ĐT đều đồng tình với việc điều chuyển tôi vì cho rằng tôi là thành phần đơn thư, khiếu nại”.

Trong quyết định giải quyết khiếu nại của cô Thủy do ông Nguyễn Văn Tỉnh - Chủ tịch UBND quận Thanh Khê ký ngày 18/2/2019 thì năm học 2018 - 2019, Trường Mầm non Tuổi Hoa dự kiến sẽ dư thừa 3 GV so với quy định. Trong khi đó, một số trường mầm non khác trên địa bàn quận lại tăng số lớp học nhưng số lượng GV không tăng. Do đó, Phòng Nội vụ đã làm việc với Ban Giám hiệu nhà trường, thống nhất điều chuyển 3 GV, trong đó có cô Thủy.

Trước đó, Phòng Nội vụ cũng đã mời và trực tiếp làm việc với 10 GV của trường để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng nhưng tất cả đều muốn ở lại trường công tác. Quyết định giải quyết khiếu nại cũng khẳng định: “Việc tham mưu Chủ tịch UBND quận ban hành quyết định điều chuyển công tác được thực hiện một cách công khai, có trao đổi và được sự thống nhất của Ban Giám hiệu nhà trường. Do đó bà Thủy cho rằng, việc chuyển công tác đối với bà là không công bằng, không dân chủ, mang tính trù dập là không có cơ sở”.

Tuy nhiên, cô Châu Thị Thanh Thủy cho biết, sau khi chuyển 3 GV đi với lý do thừa GV thì cuối tháng 10/2018, cô Nhật Vy lại đăng thông báo tuyển 3 GV trình độ trung cấp và cho đến tháng 4/2019, trường vẫn thiếu GV và cô Bùi Thị Việt Hoa về hưu 1 tháng vẫn hợp đồng lại để dạy.

Cho rằng việc điều chuyển công tác không thuyết phục, bị trù dập, ngụy tạo, cô Châu Thị Thanh Thủy đã có đơn gửi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng để xin ra khỏi tổ chức Công đoàn với lý do mất lòng tin vào Liên đoàn Lao động quận Thanh Khê. Cô Thủy cho rằng, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm - Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận đã không sâu sát, nắm tâm tư, nguyện vọng và đặc biệt là không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ đặc thù của tổ chức công đoàn là “bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp” của đoàn viên, cán bộ công đoàn.

Cũng trong quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND quận Thanh Khê, lãnh đạo Phòng Nội vụ đã làm việc với bà Nguyễn Thị Thanh Tâm - Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận về việc xem xét điều chuyển công tác đối với cô Thủy. Theo đó, bà Tâm với tư cách là Chủ tịch Công đoàn quận đã thống nhất với việc tham mưu chuyển công tác đối với cô Thủy.

“Quyết định điều chuyển công tác đối với viên chức kiêm nhiệm chức danh Chủ tịch Công đoàn là đúng quy định tại Khoản 2, Điều 2 Luật Công đoàn năm 2012” - quyết định giải quyết khiếu nại nêu rõ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ nhập viện do uống vitamin quá liều. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương

'Con dao hai lưỡi' mang tên vitamin

GD&TĐ - Theo chuyên gia y tế, chỉ nên sử dụng một lượng vitamin cân đối vừa đủ cũng như phù hợp với tình trạng sức khỏe và nhu cầu của cơ thể.