Giả thuyết này có thể giải thích vì sao các máy bay và tàu biển lại bất ngờ mất tích ở khu vực được gọi là Tam giác quỷ Bermuda.
Trước đó 3 miệng hố khổng lồ được phát hiện tại các bán đảo Yamal và Taymyr đã khiến người ta tưởng rằng chúng chỉ là trò chơi khăm của kẻ nào đó, hoặc do thiên thạch và thậm chí là tên lửa bay lạc tạo ra.
Nhưng sau khi xem xét miệng hố lớn nhất, các nhà khoa học thấy rằng nhiều khả năng chúng được tạo ra từ các vụ nổ khí ngầm.
"Nhiệt từ trên mặt đất do các điều kiện thời tiết ấm bất thường và từ dưới lòng đất, do các đường đứt gãy địa lý, đã dẫn tới việc giải phóng một lượng lớn băng cháy" - tờ Siberian Times dẫn lời các nhà khoa học tại Viện nghiên cứu Địa chất và Địa chất dầu khí Trofimuk ở Novosibirsk, cho biết.
Băng cháy về cơ bản là nước đóng băng có chứa nhiều phân tử khí đốt bên trong, chủ yếu là khí methane. Chúng tồn tại trong các khu vực đóng băng vĩnh cửu như phía Bắc Siberia và dưới đáy một số đại dương trên thế giới.
Miệng hố khổng lồ qua ảnh chụp từ trên cao (Nguồn: Siberia Times). |
"Yếu tố chính ở đây là hiện tượng giải phóng băng cháy" - nhà khoa học Vladimir Potapov nói - "Đã xuất hiện băng cháy ở các lớp đất nằm sâu hàng trăm mét dưới bán đảo và các lớp đất nằm gần với bề mặt hơn. Cũng có thể đã xuất hiện 1 hoặc nhiều yếu tố tác động đã khiến khí đốt thoát khỏi băng cháy, phát nổ và dẫn tới việc tạo ra miệng hố".
Ông nói rằng các miệng hố nằm gần giao điểm của 2 mảng đứt gãy lớn. Bán đảo Yamal lâu nay là khu vực không xuất hiện nhiều hoạt động địa chất. Tuy nhiên khu vực xuất hiện các miệng hố lại có hoạt động địa chất diễn ra mạnh và có nhiệt độ cao hơn bình thường. Ngoài ra, mùa hè ấm hơn thường lệ diễn ra tại Yamal đã giải phóng khí đốt bị kẹt trong băng cháy nằm gần bề mặt.
Theo các chuyên gia, lời giải thích về việc hình thành các miệng hố kể trên cũng có thể giúp hóa giải bí ẩn máy bay và tàu thuyền biến mất khi đi qua tam giác quỷ Bermuda. Tam giác này nối từ vùng lãnh thổ hải ngoại của Anh nằm ở Bắc Đại Tây Dương tới bờ biển Florida và Puerto Rico.
Nhà khoa học Igor Yeltsov, Phó giám đốc Viện Trofimuk, cho biết: "Có một hướng giải thích cho rằng tam giác quỷ Bermuda hình thành từ các phản ứng của băng cháy. Phản ứng này nhanh chóng tiêu hủy băng cháy, giải phóng khí đốt.
Phản ứng diễn ra với tốc độ nhanh như một vụ lở tuyết, như trong một phản ứng hạt nhân vậy và sản sinh ra một lượng khí đốt khổng lồ. Nó khiến đại dương tăng nhiệt và các con tàu sẽ bị chìm xuống do nước biển đã bị trộn lẫn với một lượng khí khổng lồ".
Ông Yeltsov cũng nói rằng phản ứng của băng cháy giải phóng lượng khí methane khổng lồ và gây nhiễu loạn không khí, dẫn tới việc các máy bay đi qua vùng nhiễu loạn sẽ bị rơi.
Ông Potapov cho biết giả thuyết nêu trên sẽ được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn. "Chúng tôi đưa ra nhiều giả thuyết và kiểm tra chúng" - ông nói - "Từ quan điểm khoa học, bản thân miệng hố vừa được nghiên cứu đã là chủ đề hết sức thú vị".
Ông nói rằng cần phải xác định thêm các khu vực khác trên thế giới, nơi những vụ nổ khí như thế có thể xảy ra.
Ông Kushnarenko cho biết do quan ngại tới vấn đề an toàn nên đội nghiên cứu đã không đi sâu vào trong miệng hố, vốn sâu tới 70 mét. "Chúng tôi muốn đi xuống dưới miệng hố, nhưng Viện đã không cho phép, nói rằng quá mạo hiểm" - ông nói.
Miệng hố các nhà nghiên cứu kiểm tra nằm ở Khu tự trị Yamalo-Nenets, cách cánh đồng khí đốt Bovanenkovo chỉ 30 km.