Thông tin từ các website của các trường và từ Bộ GD&ĐT cho thấy, các trường ĐH công lập tốp đầu không xét tuyển nguyện vọng bổ sung, nhưng trường tốp giữa vẫn còn chỉ tiêu, đặc biệt các trường ngoài công lập và một số trường ĐH địa phương còn rất nhiều chỉ tiêu và đa dạng ở các ngành nghề tuyển sinh.
Thí sinh cân nhắc kỹ
Bộ GD&ĐT đã công bố sớm thông tin về cách thức xét tuyển, thí sinh hiểu rằng có thể nộp hồ sơ tại trường THPT, qua bưu điện, hoặc trực tiếp tại trường, cùng với thông tin về chỉ tiêu còn lại ở từng trường, từng ngành nghề rất cụ thể.
Thí sinh nên tham khảo các thông tin trên đây để quyết định ngành, trường cho mình. Thí sinh cần lưu ý với số ít trường công lập tốp giữa còn chỉ tiêu, nếu là những ngành hấp dẫn thì số chỉ tiêu sẽ rất ít.
Do vậy cần cân nhắc khi nộp hồ sơ vì điểm chuẩn có thể sẽ rất cao. Lời khuyên của PGS.TS Nguyễn Minh Phương với thí sinh lúc này là nếu thực sự có ham thích ngành học nào đó thì việc thay đổi địa chỉ học, có thể lựa chọn ĐH địa phương hay trường ngoài công lập cũng nên cân nhắc.
PGS.TS Nguyễn Minh Phương – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nội vụ Hà Nội
Tại Hà Nội, bước sang ngày thứ 2 của đợt xét tuyển bổ sung, số thí sinh đến các trường nộp hồ sơ xét tuyển bổ sung đã nhiều hơn. Tại Trường ĐH Điện lực, chỉ riêng ngày 26/8, trường này đã có gần 200 thí sinh nộp hồ sơ trong khi chỉ tiêu chỉ có 250.
Học viện Báo chí và tuyên truyền, cũng thông báo xét tuyển bổ sung 210 chỉ tiêu cho đợt 2. Đại diện trường này cho biết sau 2 ngày đầu xét tuyển nguyện vọng bổ sung, trong số hồ sơ do thí sinh trực tiếp đến nộp, có nhiều thí sinh điểm cao nhưng không trúng tuyển đợt 1.
Nhận định về đợt 2 bổ sung tuyển sinh, nhiều chuyên gia cho rằng, sẽ không nóng như đợt 1, nếu thí sinh nào có điểm cao sẽ quyết định lựa chọn ngành học, trường để nộp hồ sơ xét tuyển sớm, những thí sinh có điểm tương đối sẽ nghe ngóng thông tin và có sự tính toán kỹ để đưa ra lựa chọn phù hợp.
Còn những thí sinh có điểm thấp hơn, hoặc những thí sinh sử dụng học bạ để xét tuyển thì có rất nhiều sự lựa chọn ngành học ở những trường ĐH địa phương, trường ngoài công lập.
Ngoài công lập rộng cửa
Trong khối các trường ngoài công lập, hầu hết các trường ngoài công lập đều còn rất nhiều chỉ tiêu ở tất cả các khối xét tuyển và ngành nghề.
Trường ĐH Kinh doanh & Công nghệ Hà Nội hiện đang công bố lấy bổ sung bậc ĐH với 4.200 chỉ tiêu ĐH và 450 cao đẳng cho tất cả ngành đã ghi trong cuốn “Những điều cần biết tuyển sinh năm 2015”.
Trường ĐH Nguyễn Trãi cũng thông báo tuyển sinh 1.000 chỉ tiêu ĐH cho các ngành học. Xét tuyển dựa vào kết quả Kỳ thi THPT quốc gia ở các cụm thi do trường ĐH chủ trì (đạt ngưỡng điểm 15 đối với hệ ĐH và 12 đối với hệ cao đẳng). Hoặc xét tuyển dựa vào học bạ đối với thí sinh tốt nghiệp THPT có hạnh kiểm khá trở lên.
Trường ĐH Thăng Long tuyển bổ sung 990 chỉ tiêu ĐH cho các ngành đào tạo, mức điểm xét tuyển từ 15 - 20. Ngành Ngôn ngữ Anh và ngành Kế toán có chỉ tiêu cao nhất là 120 cho mỗi ngành và thấp nhất là ngành Hệ thống thông tin và ngành Y tế công cộng chỉ còn 20 chỉ tiêu cho mỗi ngành.
Đa dạng ngành nghề ở ĐH địa phương
Trường ĐH Thủ đô xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 1 cho các ngành Sư phạm Tin học/8 chỉ tiêu; Sư phạm âm nhạc/12 chỉ tiêu; Giáo dục thể chất/18 chỉ tiêu. Các ngành ngoài sư phạm như Việt Nam học/12 chỉ tiêu; Công nghệ thông tin/29 chỉ tiêu; Mạng truyền thông và máy tính/30 chỉ tiêu...
Trường ĐH Tân Trào xét tuyển nguyện vọng đợt 2 với 321 chỉ tiêu ĐH và cao đẳng là 753 chỉ tiêu với mức điểm xét tuyển (chưa tính ưu tiên): Từ 15,0 điểm cho đến 18 điểm cho các ngành học ở bậc ĐH, còn bậc cao đẳng là từ 13 điểm đến 15 điểm.
Theo thông tin chi tiết trường này đưa ra, các ngành đào tạo bậc đại học còn 321 chỉ tiêu, trong đó nhiều nhất là Giáo dục tiểu học hiện còn 72 chỉ tiêu.
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Nam Định tuyển bổ sung hệ ĐH công nghệ và cử nhân kinh tế 650 chỉ tiêu, bậc cao đẳng 450 chỉ tiêu. Điều kiện ĐKXT của thí sinh là tổng điểm các môn thi của tổ hợp môn thi dùng để xét tuyển và điểm ưu tiên đạt: Từ 12,0 điểm trở lên: Đối với ĐKXT vào cao đẳng. Từ 15,0 điểm trở lên: Đối với ĐKXT vào ĐH. Từ 18,0 điểm trở lên: Đối với ĐKXT vào ĐH Sư phạm Kỹ thuật.
Tại khu vực ĐBSCL, một số trường ĐH “tốp trên” như ĐH Cần Thơ, ĐH Y Dược Cần Thơ đã tuyển đủ chỉ tiêu ở nguyện vọng 1. Còn lại các trường ĐH khác vẫn còn nhiều chỉ tiêu tuyển sinh ở đợt 2.
TS Dương Thái Công - Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ - cho biết ở nguyện vọng 1, trường chỉ tuyển đủ chỉ tiêu cho 2 trong số 11 ngành đào tạo ĐH chính quy. Do đó, trường tiếp tục tuyển bổ sung.
Trường ĐH Đồng Tháp đợt xét tuyển đầu cũng thu hút khá đông thí sinh với hơn 5.000 hồ sơ, nhưng vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu. Theo ông Nguyễn Văn Nghiêm - Phó phòng Hành chính Tổng hợp - cho biết: Trường ĐH Đồng Tháp sẽ xét tuyển bổ sung với 650 chỉ tiêu cho 26 ngành đào tạo bậc ĐH và CĐ.
Nói về công tác tuyển sinh đợt 2, ThS Nguyễn Cao Đạt - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long, cho biết: Ở đợt 1 trường vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu, nhà trường đặt kỳ vọng sẽ tuyển đủ chỉ tiêu ở đợt 2. Điều này là hoàn toàn có thể vì điểm tuyển của trường chỉ bằng điểm sàn của Bộ GD&ĐT quy định.
“Chúng tôi thấy Bộ GD&ĐT tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm nay có nhiều điểm thuận lợi cho thí sinh và các trường ĐH, CĐ. Do một số thí sinh chưa làm quen với công nghệ thông tin như việc lên mạng xem điểm, cập nhật tình hình nộp hồ sơ gây nên tình trạng bị rối.
Điều này chắc chắn sẽ được khắc phục trong đợt tuyển sinh nguyện vọng bổ sung này. Chúng tôi thấy đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyển sinh là cách làm hay, hiệu quả, chúng ta cần tận dụng tối đa tiện ích này”.
ThS Nguyễn Cao Đạt - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long