Đa dạng hóa hoạt động bảo tàng

GD&TĐ - Bảo tàng không chỉ là nơi bảo tồn, lưu giữ, trưng bày, khai thác, phát huy giá trị những di sản, là một trong những điểm đến đầu tiên của du khách khi muốn tìm hiểu về con người, văn hóa... một vùng đất.

Bảo tàng Dân tộc học - Điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách
Bảo tàng Dân tộc học - Điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách

Đây cũng sẽ là nơi đào tạo, giáo dục mỹ thuật cho thế hệ trẻ trên hành trình đến với bảo tàng, đặc biệt sự gắn kết bảo tàng với cộng đồng. Tuy nhiên, bảo tàng cần có sự đổi mới, năng động để tiếp cận công chúng, phát huy được tiềm năng vốn có.

Điểm hẹn văn hóa hấp dẫn

Theo thống kê Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL), nước ta hiện có 147 bảo tàng, nhưng đa phần các bảo tàng vẫn chỉ là kho lưu trữ hiện vật, chưa thực sự hấp dẫn khách tham quan.

Ngành Văn hóa cũng đã xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển bảo tàng giai đoạn 2005 - 2020 trong đó nhấn mạnh việc bảo tàng cần hướng đến cộng đồng, phục vụ cộng đồng. Thế nhưng, để thực hiện được mục tiêu này, trước hết, chính các bảo tàng cần có sự đổi mới, năng động để tiếp cận công chúng.

Điển hình như Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (BTDTHVN) từ lâu đã trở nên quen thuộc với nhiều người dân Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là trẻ em, thanh niên và các gia đình.

Bảo tàng đã không còn là một không gian chỉ dành riêng cho những nhà khoa học, những người nghiên cứu hay những người đến tham quan do “bắt buộc” mà công chúng ngày nay tìm đến bảo tàng để trải nghiệm, để học hỏi những kiến thức mới và để có những phút giây thoải mái. Đó là nhờ nỗ lực các hoạt động quảng bá, marketing.

Cũng nhờ chiến lược quảng bá mà Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TPHCM), từ một nhà trưng bày trở thành điểm đến thu hút du khách trong và ngoài nước nhiều nhất (219.275 lượt khách trong nước và 718.320 lượt khách quốc tế trong năm 2015).

Trên thực tế, có rất nhiều bảo tàng hết sức năng động, luôn luôn nghiên cứu, tìm tòi, đổi mới và trở thành điểm hẹn văn hóa hấp dẫn của khách tham quan trong nước như Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Hồ Chí Minh, Lịch sử quốc gia (Hà Nội), Điêu khắc Chăm (Đà Nẵng), Không gian văn hóa Mường (Hòa Bình)...

Cần chiến lược quảng bá

Thực tế hiện nay, các bảo tàng đang gặp khó khăn trong việc thu hút công chúng. Các bảo tàng mới chỉ chú ý đến trưng bày hiện vật mà chưa đa dạng hóa các hoạt động tại bảo tàng để thu hút du khách.

Theo TS Trần Thị Thu Thủy (BTDTHVN), mục đích của bảo tàng là hướng tới công chúng, hướng tới cộng đồng. Chính vì vậy mà mọi hoạt động của bảo tàng từ nghiên cứu, sưu tầm đến trưng bày, trình diễn, giáo dục và phim đều lấy cộng đồng làm nền tảng.

Vì thế, các bảo tàng cần xây dựng chiến lược quảng bá thương hiệu và hoạt động cụ thể, cả ngắn hạn và dài hạn, từng bước tạo dựng thương hiệu trong lòng công chúng tham quan.

Các hoạt động của bảo tàng cũng được tổ chức thường xuyên, đa dạng với các chuyên đề gắn với cộng đồng, với bảo tồn và phát triển các nghề thủ công, nghệ thuật dân gian…

PGS. TS Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị Di sản văn hóa chia sẻ: “Giáo dục truyền thống do đó không phải là hoạt động hàng hóa, thương mại, hoạt động này phải là miễn phí, phi lợi nhuận cho mọi đối tượng và bảo tàng chính là thiết chế văn hóa. Nhiệm vụ của bảo tàng qua các hiện vật, kể được những câu chuyện lịch sử”.

Theo PGS. TS Nguyễn Văn Huy, cần phải giao quyền quyết định cho giám đốc bảo tàng, từ trách nhiệm với các hoạt động, cộng với sức ép từ việc “làm tốt mới được tài trợ” thì các nhà quản lý bảo tàng này sẽ phải tự đào tạo, nâng cao năng lực cá nhân, luôn luôn đổi mới, sáng tạo trong cách quản lý và hoạt động. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các bảo tàng hoạt động có hiệu quả hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ