Cựu tổng cục trưởng Phan Văn Vĩnh bị phạt 9 năm tù và 100 triệu đồng

Hơn bảy tiếng đọc bản án, TAND tỉnh Phú Thọ tuyên phạt bị cáo Phan Văn Vĩnh 9 năm tù, cựu cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa nhận án 10 năm.

Cựu tổng cục trưởng Phan Văn Vĩnh bị phạt 9 năm tù và 100 triệu đồng
Chủ tọa đọc hình phạt với bị cáo Phan Văn Vĩnh.

Chiều 30/11, TAND tỉnh Phú Thọ xác định cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh đã phạm tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, phạt 9 năm tù. Cùng tội danh, cựu cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa bị phạt 10 năm tù.

Hai cựu tướng công an bị phạt bổ sung mỗi người 100 triệu đồng. Hình phạt với hai bị cáo cao hơn mức đề nghị của VKS (Phan Văn Vĩnh từ 7 năm đến 7 năm 6 tháng tù, Nguyễn Thanh Hóa từ 8 năm đến 8 năm 6 tháng tù).

HĐXX tuyên án, Lưu Thị Hồng được trả tự do

HĐXX tuyên án với cựu chủ tịch CNC Lưu Thị Hồng và các bị cáo.

Trái với hai cựu tướng công an, hai chủ mưu của đường dây đánh bạc được nhận mức án thấp hơn khung hình phạt truy tố. Cựu chủ tịch CNC Nguyễn Văn Dương bị phạt 5 năm tù về tội Tổ chức đánh bạc, 5 năm tù do Rửa tiền. Tổng hợp hình phạt là 10 năm, mức án VKS đề nghị từ 11 đến 13 năm.

Cựu chủ tịch VTC Online Phan Sào Nam bị phạt 2 năm tù về tội Tổ chức đánh bạc, 3 năm tù về tội Rửa tiền. Tổng hình phạt là 5 năm, mức án đề nghị của VKS từ 6 đến 7 năm.

Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa.Ảnh: Giang Huy.

Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa.Ảnh: Giang Huy.

Nguyễn Văn Dương phải nộp lại toàn bộ 1.700 tỷ đồng, với Phan Sào Nam là 1.500 tỷ đồng.

88 bị cáo còn lại nhận hình phạt từ 40 triệu đồng đến ba năm tù về các tội: Tổ chức đánh bạc, Đánh bạc, Rửa tiền, Mua bán trái phép hóa đơn, Sử dụng mạng internet chiếm đoạt tài sản. Trong đó, 17 bị cáo thuộc nhóm tội Mua bán trái phép hóa đơn hoặc Đánh bạc bị phạt tiền, không hình phạt tù. 22 người bị tuyên hình phạt tù treo hoặc cải tạo không giam giữ.

Bị cáo Phan Sào Nam.Ảnh: Giang Huy

Bị cáo Phan Sào Nam.Ảnh: Giang Huy

Bản án xác định, trong khoảng 10.000 tỷ đồng đường dây thu lời, các nhà mạng được hưởng 1.200 tỷ đồng. Trong đó, Viettel là 913 tỷ đồng, còn bị truy thu hơn 200 tỷ đồng. Vinaphone hưởng 147 tỷ đồng, phải nộp lại 13 tỷ đồng. MobiFone được hưởng 171 tỷ đồng, phải nộp lại 15 tỷ đồng. Đây là số tiền thu lời không chính đáng đã được chứng minh do đánh bạc mà có. Vì thế việc hưởng lợi của các nhà mạng không có căn cứ pháp lý (vi phạm khoản 1 điều 10 Nghị định số 25/2011/NĐ-CP), cần truy nộp Ngân sách Nhà nước.

HĐXX cho rằng các nhà mạng không thể kiểm soát hết được thẻ cào đã phát hành bởi pháp luật còn nhiều quy định phức tạp. Do vậy, các nhà mạng không phải chịu trách nhiệm khi người mua sử dụng thẻ cào viễn thông vào việc nạp tiền đánh bạc trực tuyến.

Cuối cùng, HĐXX kiến nghị làm rõ trách nhiệm các cán bộ ở Bộ Thông tin Truyền thông và các cơ quan viễn thông khi không phát hiện kịp thời việc đánh bạc trực tuyến không phép trong thời gian dài; điều tra lời khai về việc bị cáo Dương, Nam khai đưa tiền cho các cán bộ ở Tổng cục cảnh sát, nếu đủ căn cứ thì xử lý theo tội Nhận hối lộ.

Bị cáo Nguyễn Văn Dương. Ảnh: Giang Huy

Bị cáo Nguyễn Văn Dương.Ảnh: Giang Huy

Giai đoạn hai của vụ án cần xác minh việc một số doanh nghiệp liên quan hành vi rửa tiền của Phan Sào Nam; điều tra việc thuê đặt máy chủ phục vụ vận hành game bài; làm rõ tỷ lệ phân chia lợi nhuận 20% với C50 theo bản ghi nhớ với CNC.

Tòa kiến nghị Chính phủ cần có cơ chế cho việc sử dụng thẻ cào ngoài dịch vụ ngoài viễn thông; hoàn thiện quy định pháp luật về phát hành thẻ cũng như thanh toán gạch thẻ.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Su-34 và Su-57 mới đi vào trực chiến

Su-34 và Su-57 mới đi vào trực chiến

GD&TĐ - Bộ Quốc phòng Nga đã nhận được bàn giao máy bay ném bom chiến đấu Su-34 và máy bay chiến đấu Su-57, theo Tập đoàn nhà nước Rostec.