Cựu giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội thừa nhận trách nhiệm chính

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sáng 17/4, TAND Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn và 11 đồng phạm.

Bị cáo Nguyễn Quang Tuấn được dẫn giải đến phiên tòa xét xử.
Bị cáo Nguyễn Quang Tuấn được dẫn giải đến phiên tòa xét xử.

Ông Nguyễn Quang Tuấn phạm tội như thế nào?

12 bị cáo cùng bị đưa ra xét xử về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 222, khoản 3 - Bộ luật Hình sự.

Phiên tòa được xét xử trong thời gian 5 ngày dưới sự điều hành của Thẩm phán Nguyễn Xuân Văn (Chánh Tòa hình sự, TAND TP Hà Nội) làm chủ tọa phiên tòa.

Nguyên đơn dân sự là Bệnh viện Tim Hà Nội. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là Công ty cổ phần Đầu tư và định giá AIC và hai cá nhân khác ở Hà Nội. Có hơn 10 luật sư đăng ký bào chữa cho các bị cáo, trong đó, ông Nguyễn Quang Tuấn có 2 luật sư.

Trong vụ án này, ngoài ông Nguyễn Quang Tuấn còn có nhiều cựu lãnh đạo, cán bộ của Bệnh viện Tim Hà Nội như: Hoàng Thị Ngọc Hưởng (SN 1961, cựu Phó giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội); Nguyễn Thị Dung Hạnh (SN 1969, cựu Kế toán trưởng, Trưởng Phòng Tài chính kế toán, Bệnh viện Tim Hà Nội); Đoàn Trọng Bình (SN 1960, cựu Phó trưởng Phòng Vật tư y tế, Bệnh viện Tim Hà Nội)… Các bị cáo cùng bị truy tố về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 222, khoản 3, Bộ luật Hình sự.

Theo cáo trạng, từ năm 2015, ông Nguyễn Quang Tuấn đã có chủ trương cho một số doanh nghiệp (trong đó có Công ty Hoàng Nga và Công ty Kim Hòa Phát) được ký gửi vật tư tại Bệnh viện Tim Hà Nội, để bệnh viện sử dụng trước. Sau đó, ông Tuấn mới chỉ đạo cấp dưới hợp thức, hoàn thiện các thủ tục cho các doanh nghiệp trúng thầu để thanh toán.

Trong năm 2016 - 2017, Bệnh viện Tim Hà Nội tổ chức đấu thầu 16 gói thầu, trong đó là 5 gói thầu chuyên mua sắm hóa chất, vật tư tiêu hao can thiệp tim mạch có giá trị gần 600 tỷ đồng. Quá trình tổ chức đấu thầu, ông Nguyễn Quang Tuấn là Chủ tịch Hội đồng mua sắm vật tư tiêu hao, hóa chất, thiết bị, bên cạnh 7 thành viên khác.

Tài liệu từ cơ quan chức năng cho thấy, ông Tuấn có mối quan hệ quen biết từ trước với Nguyễn Đức Đảng và Phan Tuấn Đạt. Vì thế nên khi được 2 bị can trên đề nghị bán các mặt hàng vật tư y tế, tiêu hao vào bệnh viện với đơn giá có sẵn, ông Tuấn đã đồng ý.

Cuối năm 2015, ông Tuấn ký quyết định phê duyệt danh mục mua hóa chất, vật tư năm 2016 với 807 mặt hàng, theo đơn giá phê duyệt là hơn 396 tỷ đồng. Trong đó có vật tư của Công ty Hoàng Nga và Công ty Kim Hòa Phát theo đơn giá mà Nguyễn Đức Đảng đề nghị.

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử.

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử.

Cơ quan chức năng xác định ông Tuấn trước đó đã chỉ đạo cho Công ty Hoàng Nga, Công ty Kim Hòa Phát ký gửi trước vật tư y tế để Bệnh viện Tim Hà Nội sử dụng trước, sau đó hợp thức, hoàn thiện các thủ tục đấu thầu, chỉ định thầu rút gọn, để 2 công ty này trúng thầu, nhằm thanh toán tiền hàng vật tư, hóa chất đã cho ký gửi, sử dụng.

Khi tổ chức xác định giá gói thầu để lập kế hoạch đấu thầu, ông Tuấn giao cấp dưới tìm đơn vị thẩm định giá. Công ty định giá AIC là đơn vị được lựa chọn. Cuối tháng 12/2015, Công ty AIC phát hành Chứng thư thẩm định giá 5 gói thầu, 807 mặt hàng, theo mức giá ấn định của Bệnh viện Tim Hà Nội là hơn 396 tỷ đồng.

Trong số 5 gói thầu năm 2016, cơ quan chức năng cho biết gói thầu số 5 đã bị các bị can thỏa thuận, thống nhất để Công ty Hoàng Nga và Công ty Kim Hòa Phát trúng thầu. Cụ thể, sau khi ông Tuấn phê duyệt kế hoạch đấu thầu, Tổ chuyên gia đấu thầu lập hồ sơ mời thầu, tổ thẩm định tiến hành thẩm định hồ sơ.

Tuy nhiên, bị can Nghiêm Tuấn Linh không tổ chức thực hiện các công việc liên quan đến quá trình đấu thầu mà chỉ ký vào tờ trình thống nhất hồ sơ mời thầu. Từ đó, ông Tuấn ban hành quyết định phê duyệt và ban hành hồ sơ mời thầu đối với 5 gói thầu năm 2016, trong đó có gói thầu số 5.

Cuối tháng 3/2016, ông Tuấn ký quyết định phê duyệt Công ty Hoàng Nga trúng thầu với 14 mặt hàng, tổng trị giá hơn 41 tỷ đồng. Trước khi trúng thầu, Công ty Hoàng Nga đã ký gửi 109 stent Provona nên sau khi trúng thầu, ký hợp đồng, công ty này xuất hóa đơn GTGT để trừ dần vào một phần tổng số lượng theo quyết định trúng thầu.

Đối với Công ty Kim Hòa Phát, ông Tuấn cũng ký quyết định phê duyệt cho doanh nghiệp này trúng thầu 10 mặt hàng, tổng trị giá hơn 11,5 tỷ đồng. Trước đó, Công ty Kim Hòa Phát cũng ký gửi 11 stent.

Kết quả tiến hành định giá tài sản đối với các mặt hàng 2 doanh nghiệp trúng thầu cho thấy, có 5 mặt hàng của Công ty Hoàng Nga bị “thổi giá”, gây thiệt hại hơn 19,7 tỷ đồng; 1 mặt hàng của Công ty Kim Hòa Phát bị nâng khống giá, gây thiệt hại hơn 3 tỷ đồng.

Với 4 gói thầu năm 2017, hành vi của ông Tuấn và các bị can đã giúp Công ty Hoàng Nga hưởng lợi hơn 27 tỷ đồng, Công ty Kim Hòa Phát hơn 3,4 tỷ đồng. Từ đó, gây thiệt hại cho Bệnh viện Tim Hà Nội và quỹ Bảo hiểm xã hội hơn 30,7 tỷ đồng.

Cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội còn bị cáo buộc có hành vi chỉ đạo cấp dưới đàm phán với các nhà thầu “hỗ trợ” bệnh viện 2 - 5% giá trị gói thầu. Như vậy, mỗi năm, ông Tuấn nhận 300 triệu đồng tiền “hỗ trợ” từ Công ty Hoàng Nga, 60 triệu đồng từ Công ty Kim Hòa Phát. Theo cơ quan chức năng, khoản tiền này không được hạch toán trong sổ sách của bệnh viện.

Lời khai của ông Tuấn và Chủ tịch Công ty Hoàng Nga trong cáo trạng còn thể hiện vào Tết các năm 2016, 2017, công ty “biếu” cựu Giám đốc Viện Tim Hà Nội tổng cộng 10.000 USD, mục đích là để “cảm ơn ông Tuấn đã tạo điều kiện cho Công ty Hoàng Nga trúng thầu”.

Theo cơ quan chức năng, trong vụ án này, ông Nguyễn Quang Tuấn được đánh giá có vai trò chính, là người quyết định, chỉ đạo các bị can từng là cấp dưới can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu trong 5 gói thầu, gây thiệt hại gần 54 tỉ đồng. 11 bị can còn lại có vai trò đồng phạm, giúp sức cho cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội.

Cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội thừa nhận bản thân có trách nhiệm chính

Tại phiên xử chiều ngày 17/4, trả lời trước HĐXX, bị cáo Nguyễn Quang Tuấn trình bày, chủ trương “gửi vật tư” đã có trước khi ông về làm giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội (2012 – 2020). Ông Tuấn cũng chỉ đạo cấp dưới cho doanh nghiệp gửi để bệnh viện có hàng hóa, thiết bị vào điều trị.

Cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội thừa nhận không có báo giá các mặt hàng, thiết bị và mua sắm chỉ dựa trên việc đối chiếu với năm trước và các bệnh viện khác thấp hơn thì mua.

Ông Tuấn cho rằng chỉ định thầu là sai nhưng không còn cách nào khác. Cựu giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội đồng thời thừa nhận bản thân có trách nhiệm chính trong vụ án này. Theo bị cáo nếu lúc đó có so sánh với bảng giá thị trường sẽ không phát sinh sai phạm.

Bị cáo Nguyễn Quang Tuấn khai được các công ty Hoàng Nga, Kim Hòa Phát tặng số quà Tết gồm 10.000 USD, một chai rượu, hộp xì gà trong các năm 2016 – 2017. Đến nay, ông đã nộp lại số tiền này và còn được vợ nộp thay 6 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.

Liên quan đến vụ án còn có nhiều cựu lãnh đạo, nhân viên Bệnh viện Tim Hà Nội.

Liên quan đến vụ án còn có nhiều cựu lãnh đạo, nhân viên Bệnh viện Tim Hà Nội.

Ngoài ra, các doanh nghiệp trên còn tài trợ cho các hoạt động chung của Bệnh viện Tim Hà Nội nhưng số tiền bao nhiêu thì bị cáo không nhớ.

Trước tòa, bị cáo Hoàng Thị Ngọc Hưởng khai quá trình đấu thầu được bị cáo thực hiện theo chỉ đạo của giám đốc bệnh viện. Tại các cuộc họp, ông Tuấn đưa ra chỉ đạo các phòng chức năng làm hồ sơ hợp thức quá trình mua sắm đối với các nhà cung cấp đã ứng trước vật tư, thiết bị y tế. Tuy nhiên, Hưởng nói ông Tuấn không có chỉ đạo cụ thể nào.

Bị cáo Hưởng cho hay việc chọn Công ty thẩm định giá AIC là đơn vị thẩm định các gói thầu là do công ty này được đánh giá là có năng lực tốt hơn các đơn vị khác. Ngoài ra, việc thẩm định giá được Hưởng khai giao cho 2 cấp dưới là Đoàn Trọng Bình và Nghiêm Tuấn Linh liên hệ với Công ty AIC để làm việc.

Cũng tại phiên xử, bị cáo Đoàn Trọng Bình trình bày bản thân biết việc bệnh viện có chủ trương cho ký gửi vật tư y tế và chủ trương này do ông Nguyễn Quang Tuấn đưa ra. Theo bị cáo, chủ trương này xuất phát từ chính nhu cầu của các bác sĩ tại bệnh viện, khi nhu cầu sử dụng các vật tư y tế lớn. Sau khi được giám đốc Bệnh viện cho phép, Phòng Vật tư y tế là nơi nhận ký gửi, rồi hợp thức hóa bằng việc chỉ định thầu.

Về quy trình đấu thầu, bị cáo cho biết Phòng Vật tư y tế sẽ đề xuất danh mục để báo cáo giám đốc. Quá trình tổ chức đấu thầu đều thực hiện theo sự chỉ đạo của ông Tuấn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

TikTok 'lâm nạn' ở Mỹ

GD&TĐ - Lần thứ hai trong không đầy 4 năm, ứng dụng TikTok bị đưa vào vòng ngắm của chính quyền Mỹ.