Cựu Bí thư và cựu Chủ tịch tỉnh Thanh Hoá chuẩn bị hầu toà

GD&TĐ - VKSND tỉnh Thanh Hoá đã hoàn tất cáo trạng truy tố cựu Bí thư và cựu Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa cùng các bị can khác trong vụ án Hạc Thành Tower.

Ông Trịnh Văn Chiến thời điểm còn đương chức. Ảnh: TG
Ông Trịnh Văn Chiến thời điểm còn đương chức. Ảnh: TG

Ngày 3/11, thông tin từ VKSND tỉnh Thanh Hoá cho biết, đơn vị này vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 11 bị can về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo Khoản 3, Điều 219, Bộ luật Hình sự liên quan tới sai phạm tại dự án Hạc Thành Tower.

11 bị can bị truy tố gồm: cựu Bí thư tỉnh uỷ Thanh Hoá Trịnh Văn Chiến; Nguyễn Đình Xứng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa; Nguyễn Mạnh Sơn và Đinh Xuân Hướng, cựu Chủ tịch và Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Sông Mã; Đinh Cẩm Vân, Nguyễn Bá Hùng, cựu Giám đốc và phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa; Văn Xuân Hùng, cựu Trưởng phòng Giá (Sở Tài chính); Cù Đình Hiền, cựu phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa; Bùi Văn Nam, cựu phó Phòng Kế hoạch - Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa; Ngô Đình Chén, cựu phó Giám đốc Sở Tài chính; Trần Công Tỏ, cựu Trưởng phòng Tài chính doanh nghiệp (Sở Tài chính Thanh Hóa).

Theo cáo trạng, Công ty TNHH MTV Sông Mã tiền thân là Công ty kinh doanh nhà Thanh Hóa (100% vốn Nhà nước) được giao quản lý diện tích 1.733,8m2 (khu tập thể cũ) số 3 Phan Chu Trinh, phường Điện Biên, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Nguyễn Mạnh Sơn làm Tổ trưởng Ban chỉ đạo cổ phần hóa.

Thực hiện cổ phần hóa, ngày 23/2/2012, Sở Tài chính có tờ trình đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tổng giá trị tài sản công ty đến ngày 30/9/2011 là hơn 474 tỉ đồng; nợ thực tế phải trả hơn 439 tỉ đồng; giá trị phần vốn nhà nước là hơn 34 tỉ đồng.

Đến ngày 5/4/2012, UBND tỉnh Thanh Hóa ký quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp; quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa, chuyển Công ty Sông Mã thành công ty cổ phần, số lượng cổ phần phát hành lần đầu là 3,5 triệu cổ phần.

Dù đang trong quá trình cổ phần hóa, chưa có quyết định giao đất, cấp thẩm quyền chưa phê duyệt đầu tư dự án, nhưng ông Nguyễn Mạnh Sơn vẫn thống nhất để ông Đinh Xuân Hướng ký văn bản gửi UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị giao làm chủ đầu tư xây dựng tòa nhà cao tầng dịch vụ tổng hợp, hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất.

Dự án sau đó được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, giao Công ty Sông Mã làm chủ đầu tư dự án Hạc Thành Tower (diện tích thực tế là 2.961,8m2, trong đó, diện tích đất xây dựng là 1.960m2, đất giao thông 656,2m2).

Cáo trạng cũng nêu rõ, trước ngày chính thức giao đất, ông Nguyễn Mạnh Sơn thống nhất, ông Đinh Xuân Hướng ký văn bản đề xuất của các đơn vị liên quan tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý cho Công ty Sông Mã được huy động vốn bằng việc chuyển quyền sử dụng đất cho Công ty TNHH Huy Hoàng.

Tháng 8/2012, ông Trịnh Văn Chiến, khi đó là Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản đồng ý cho phép Công ty TNHH MTV Sông Mã được chuyển nhượng 1.227,4m2 tại số 3 Phan Chu Trinh cho Công ty TNHH Huy Hoàng với giá 21 triệu đồng/m2, phần diện tích còn lại tiếp tục được chuyển cho 3 cá nhân khác.

Quá trình chuyển nhượng đất trái pháp luật, ông Đinh Xuân Hướng hưởng lợi hơn 6,4 tỉ đồng và ông Nguyễn Mạnh Sơn hưởng lợi 3,5 tỉ đồng.

Việc ông Trịnh Văn Chiến đồng ý cho Công ty Sông Mã chuyển nhượng đất, áp dụng giá giao đất tại thời điểm tháng 1.2013 theo đơn giá đất năm 2009 là trái pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước.

Ông Nguyễn Đình Xứng, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ký quyết định phê duyệt tiền sử dụng đất nộp ngân sách nhà nước của Công ty Sông Mã là 21 triệu đồng/m2 trái pháp luật, ký quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp tại thời điểm công ty chính thức chuyển thành công ty cổ phần, xác định giá trị thực tế doanh nghiệp không bao gồm giá trị khu đất, gây hậu quả thiệt hại cho Nhà nước.

Hành vi của các bị can là rất nghiêm trọng, xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế về đất đai, cổ phần hóa doanh nghiệp, quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây hậu quả thiệt hại cho Nhà nước hơn 55 tỉ đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Dựa cậy và níu kéo

GD&TĐ - Mười sáu năm sau khi ký kết thoả thuận liên quan, Mỹ đã khánh thành căn cứ phòng thủ tên lửa đầu tiên trên lãnh thổ Ba Lan.