“Công nghệ cướp biển”
Hầu hết, cướp biển Somalia xuất thân từ ngư dân. Sau khi chính quyền Somalia sụp đổ năm 1991, các tàu cá từ những nước láng giềng tự do ra vào vùng biển để đánh bắt. Ngư dân Somalia vốn chỉ sử dụng thuyền và lưới nhỏ, ngày càng thất thế trước đội ngũ hùng hậu tàu cá đánh bắt trái phép này, thậm chí còn bị tấn công và xua đuổi ngay trên ngư trường của mình. Nhiều con tàu còn lợi dụng tình trạng vô chính phủ ở Somali để mang chất thải phóng xạ đến khu vực để đổ bỏ, khiến sức khỏe và môi trường bị đe dọa nghiêm trọng. Các ngư dân đã liên kết lại, thành lập các nhóm như Lực lượng bảo vệ bờ biển quốc gia Somalia và Thủy quân lục chiến Somalia (tên gọi ưa thích nhất của cướp biển Somalia) để bảo vệ vùng biển của mình.
Thoạt đầu, các ngư dân được vũ trang sẽ tịch thu những con tàu họ bắt giữ để đổi lấy tiền chuộc. Các chủ tàu sẵn sàng thỏa thuận để lấy lại tàu và thủy thủ, vì hoạt động của họ là bất hợp pháp, chưa kể việc làm ăn vẫn rất béo bở. Giá tiền chuộc cứ thế tăng lên, cho đến khi những ngư dân vũ trang nhận thấy đây là một “cơ hội kinh doanh” tốt, họ bắt đầu tấn công bất cứ con tàu nào đi ngang qua khu vực. Lực lượng tham gia tăng dần lên, với đa số là nông dân nghèo thất nghiệp.
Cướp biển đã trở thành ngành công nghiệp lớn nhất của Somalia giai đoạn này. Các ông trùm nhanh chóng xuất hiện và tổ chức lại mạng lưới để nó hoạt động quy củ hơn. Trước khi ra khơi, cướp biển lại tìm “nhà đầu tư” để tài trợ cho chuyến đi của họ tại “thị trường chứng khoán cướp biển” như đã đề cập ở số báo trước. Một toán được giao thực hiện phi vụ cướp sẽ chia làm hai đội, mỗi đội chừng 12 người (tạm gọi là đội A và đội B).
Đội A sử dụng hai chiếc xuồng cao tốc săn lùng tàu để cướp. Khi tìm thấy “con mồi”, chúng âm thầm tiếp cận (trong bóng tối hoặc thời tiết nhiều sương mù) trước khi nổ súng và cướp tàu. Khi vụ cướp thành công, con tàu sẽ được đưa đến bờ biển Somalia. Tàu cập bến, đội B tiếp quản, chịu trách nhiệm bảo vệ cho đến khi đàm phán kết thúc. Một nhà kinh doanh độc lập sẽ chịu trách nhiệm cung cấp lương thực cho thành viên thủy thủ đoàn bị giữ trên tàu, để đổi lấy một phần trong tiền chuộc đòi được.
Khi tiền chuộc được trả, “nhà đầu tư chứng khoán” trước đó sẽ nhận được phần đầu tiên (theo tỷ lệ thỏa thuận ban đầu, tùy mức đầu tư, thường khoảng 30% số tiền chuộc); tiếp đó là phần của các “nhà đầu tư” nhỏ lẻ và thường xuyên; rồi mới đến khoản tiền thù lao cho từng thành viên toán cướp trực tiếp tham gia phi vụ (khoản này cố định và cũng đã được đề cập ở số báo trước). Đáng chú ý, luôn có một tỷ lệ nhất định trong khoản tiền chuộc được cung cấp cho cộng đồng, nhằm xây dựng và duy trì hoạt động của trường học và bệnh viện.
Mặc dù cướp biển từng trở thành “công nghệ” ở Somali, nhưng trong một xã hội vô luật pháp như ở nước này, việc đùa giỡn không đúng chỗ có thể nhanh chóng dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng. Hoạt động cướp biển đã gần như thoái trào vào năm 2012, khi các cường quốc điều tàu chiến tới vùng biển để truy quét và bảo vệ các tàu hàng, còn bản thân các tàu hàng cũng sử dụng an ninh vũ trang để tự vệ.
(Còn tiếp)