Căn nhà vườn của vợ chồng ông Phạm Văn Phương nằm giữa thôn Tân Hiệp, xã Cam Tuyền, Cam Lộ, Quảng Trị. Nơi đây, những năm 90 là điểm thu mua phế liệu sầm uất của cả làng. Nhưng hiện nay, dăm bữa nửa tháng bà Trần Thị Xuyến mới mua được quả bom đã tháo thuốc nổ, vài cân phế liệu.
Bà Xuyến kể, sau chiến tranh, Tân Hiệp bom đạn, phế liệu từ chiến tranh nhiều nên người dân nơi đây đi nhặt về bán kiếm thu nhập. Ông Phương cũng làm nghề này được khoảng hơn 5 năm thì ‘nghỉ hưu’, vì ông thấy được những nguy hiểm từ việc cưa bom, tháo thuốc nổ.
Năm 1993, ông Phương và bà Xuyến nên duyên vợ chồng. Một năm sau bà Xuyến sinh con. Bà phải ở nhà chăm con nên kinh tế phụ thuộc vào việc đi rừng, làm thuê của ông Phương.
‘Năm 1994, vợ chồng tôi để dành được 5 triệu đồng. Cả làng tôi lúc đó ai cũng đi nhặt phế liệu về bán. Tôi lúc đó bận con nhỏ nên không đi được. Tôi nghĩ, sao mình không mua của họ bán lại kiếm lời. Công việc này có thể làm tại nhà, chủ động được thời gian chăm con’, bà Xuyến nói về lý do mở cửa hàng kinh doanh phế liệu từ chiến tranh 25 năm trước.
Những quả bom để ngoài trời, gặp nắng mưa lâu ngày bị rỉ sét.
Để công việc thuận tiện, hai vợ chồng họ phân chia, bà Xuyến ở nhà vừa trông con nhỏ vừa mua hàng và quản lý tài chính, còn ông Phương thì phân loại hàng, tìm các mối để xuất hàng đi…
Thời gian đầu, tháng nào bà cũng mua được khoảng 5-6 tấn. ‘Nhà tôi khi đó lúc nào cũng đầy vỏ vật liệu nổ. Kinh doanh các phế liệu chiến tranh, vợ chồng tôi luôn đặt an toàn lên hàng đầu.
Với những quả bom, mìn… khi kiểm tra chưa tháo hết thuốc nổ nhất định tôi không mua’, bà Xuyến nói về nguyên tắc khi làm việc và lý do suốt gần 30 kinh doanh vật liệu nổ không có những chuyện buồn xảy ra.
Một tháng bà xuất hàng đi các nơi 3-4 lần, mỗi lần 3-4 xe tải đến bốc hàng. Làm không hết việc, bà phải nhờ anh em, mướn thêm người làm.
Sắt vụn mua chưa xuất đi được, bà Xuyến để tạm từng đống sau hè.
Ông Trần Văn Đậm, 60 tuổi là hàng xóm của bà Xuyến. Ông cho biết, vợ chồng bà Xuyến trước đây là một trong những hộ giàu nhất thôn Tân Hiệp từ việc kinh doanh phế liệu.
‘Căn nhà bà ấy trước đây buôn bán phế liệu rất tấp nập. Tôi nhặt được cũng mang đến đó bán’, ông Đậm kể.
Giọng bà Xuyến rầu rĩ: ‘Trước đây, tôi mua được nhiều hàng, xuất đi cũng được. Mấy năm nay, người dân ở làng tôi bỏ nghề nhặt phế liệu rồi. Vài tháng tôi mới mua được một quả bom, mấy cân phế liệu của mấy người đi rừng. Hàng mua khó, xuất đi cũng khó, nhiều khi tôi còn bị lỗ vốn’.
Sau căn nhà vườn của vợ chồng bà, 10 vỏ bom loại lớn và loại nhỏ nằm chỏng chơ dưới đất, bên cạnh là đống sắt vụn đang trong giai đoạn rỉ sét, hao mòn dần. Bà Xuyến cho biết, số hàng này bà mua khoảng hơn 6 tháng qua, giá mua vào 10.000 đồng/kg sắt.
‘Từng đó hàng độ khoảng hơn hai tấn hàng, nhưng giá mua vào cao bán ra chưa được giá nên tôi cứ để đó’, giọng bà Xuyến rầu rĩ.
Mua bán ế ẩm, ông Phương giao cửa hàng cho vợ con quản lý để làm chuồng, nuôi bò. Hàng ngày, ông dẫn bò ra đồng cho ăn cỏ rồi chuyện vãn với mấy người trong làng. Còn bà Xuyến mở thêm tiệm tạp hóa bán nước uống, đồ ăn vặt, rau, thịt cá kiếm thêm thu nhập.
Việc mua bán bom, mìn ế ẩm, bả Xuyến phải mở thêm tiệm tạp hóa tại nhà kiếm thêm thu nhập.
Lý giải về lý do việc kinh doanh của nhà mình ế ấm, bà Xuyến nói: ‘Bây giờ, tôi bán tạp hóa là chính, mua phế liệu chỉ là phụ thôi. Nghề nhặt bom mìn mang về tháo thuốc nổ đi bán nguy hiểm lắm, bỏ mạng, mất chân tay lúc nào không hay. Nói thật, tôi đi rừng thấy bom nổi lên mặt đất chỉ gọi cho đội chuyên rà phá đến chứ không tự làm đâu’.
Ông Hoàng Liên Sơn, Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền cho biết, trước đây, Tân Hiệp có 5 hộ gia đình thu mua phế liệu từ chiến tranh, trong đó có vợ chồng bà Xuyến. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn hộ bà Xuyên còn hoạt động.
Lý giải về lý do các chủ vựa thu mua phế liệu bỏ nghề, ông Sơn cho biết, do người dân ở Tân Hiệp nhận thấy những nguy hiểm khi nhặt bom, mìn về cưa ra, tháo bỏ thuốc nổ nên họ bỏ nghề.
‘Việc rà, phá bom mìn đã có lực lượng có chuyên môn, có đủ máy móc làm việc. Việc người dân tay không đi làm việc sẽ gặp nguy hiểm nên chúng tôi vận động, thậm chí cấm nên họ đã tuân theo. Hiện người dân Tân Hiệp chủ yếu làm rừng, buôn bán, chăn nuôi, đi làm xa...’, ông Sơn nói.