Robot bắt chước khủng long thời tiền sử
Các nhà khoa học ở Trường ĐH Bách khoa Liên bang Lausanna (Thụy Sĩ) và Trường ĐH Humboldt (Đức) vừa ra mắt robot có khả năng giúp họ hiểu cách di chuyển của động vật khoảng 300 triệu năm trước. Mục tiêu chính nhắm tới là khủng long ăn cỏ có tên khoa học là Orobates pabsti.
Theo các nhà khoa học, Orobates pabsti là thành phần cơ bản của cây tiến hóa, liên kết bò sát và động vật có vú. Đầu tiên, các nhà khoa học tạo mô phỏng số hóa về cách di chuyển của Orobates, dựa trên các hóa thạch và cách di chuyển của những loài bò sát thời hiện đại như cá sấu, cự đà, kỳ nhông… Sau đó, họ chế tạo robot dựa trên mô phỏng số hóa đó.
Nvidia sắp khai trương Trung tâm robot học hiện đại
Tập đoàn đa quốc gia chuyên về phát triển bộ xử lý đồ họa và công nghệ chipset Nvidia (trụ sở chính tại Mỹ) chuẩn bị khai trương Trung tâm robot học hiện đại nhất thế giới, tại đó các chuyên gia có thể phát triển các robot thế hệ mới.
Nvidia hi vọng trung tâm mới này sẽ góp phần làm thay đổi các lĩnh vực như công nghiệp, logistics, chăm sóc sức khỏe…
Trung tâm được đặt gần ĐH Washington, do GS Dieter Fox điều hành. “Trong quá khứ, nghiên cứu về robot chủ yếu tập trung vào các dự án nhỏ, độc lập. Lần này, chúng tôi có nhóm chuyên gia về tương tác người - robot, học sâu (deep learning), nhận diện hình ảnh…” - GS Dieter Fox cho biết.
Ảnh ghép chi tiết nhất về Thiên hà Tam giác
Sử dụng Kính viễn vọng không gian Hubble, các nhà khoa học của Cơ quan hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) vừa thực hiện bức ảnh ghép chi tiết nhất về Thiên hà Tam giác - “hàng xóm” của Dải Ngân hà chúng ta.
Bức ảnh ghép có độ phân giải lên tới 665 triệu pixel. Bức ảnh bao gồm khoảng 54 bức ảnh khác nhau do Kính viễn vọng Hubble thực hiện.