Phát hiện va chạm của hai quần tụ thiên hà
Abell 1033 là quần tụ thiên hà ở cách Trái đất 1,6 năm ánh sáng. Nó chứa ít nhất là 350 thiên hà, trong đó có 1 thiên hà chứa siêu lỗ đen. Quan sát qua Kính viễn vọng Chandra, các nhà khoa học thấy rằng, Abell 1033 thực chất là hai quần tụ thiên hà va chạm vào nhau. Sự kiện này tạo ra sóng xung kích, tương tự như khi máy bay bay với vận tốc siêu thanh.
Hơn 80% cá Amazon nuốt phải rác chất dẻo
Nhóm các nhà khoa học được dẫn dắt bởi Marcelo Andrade ở ĐH Para (Brasil) đã phát hiện những mảnh vụn chất dẻo trong dạ dày nhiều loài cá sống trong sông Xingu - chi lưu Đông Nam của sông Amazon. Phân tích dạ dày của 172 con cá, các nhà khoa học tìm thấy những mẩu nhựa có kích thước 1 - 15 mm trong dạ dày của khoảng 1/4 số cá. Kết quả nghiên cứu cho thấy, hơn 80% số cá sông Amazon nuốt phải vi nhựa (microplastic). Điều này cho thấy, đại dương không phải là nơi duy nhất mà chúng ta nghĩ đến trong khuôn khổ cuộc chiến chống ô nhiễm rác chất dẻo.
Dự đoán khí hậu ngoại hành tinh
Sao lùn đỏ TRAPPIST-1 ở cách chúng ta khoảng 40 năm ánh sáng, có 7 hành tinh quay xung quanh. Ba hành tinh trong số đó nằm trong khu vực sống được của ngôi sao, tức là trên các hành tinh đó có thể có nước ở dạng lỏng. Hiện nay, các nhà thiên văn học đang tập trung mô hình hóa các kịch bản khí hậu các ngoại hành tinh này.
“Mô hình hóa khí hậu của hành tinh lạ, chúng tôi không chỉ đặt giả thiết là những gì mà chúng ta thấy trong Hệ Mặt trời sẽ giống y chang xung quanh ngôi sao khác. Chúng tôi đã thực hiện các nghiên cứu để chứng tỏ có những dạng khí hậu khác nhau trên các ngoại hành tinh” - ông Andrew Lincovski ở ĐH Washington (Mỹ), cho biết. Các nhà khoa học hi vọng Kính Viễn vọng James Webb được khởi động vào năm 2021 sẽ quan sát trực tiếp khí hậu những ngoại hành tinh nói trên.