Khẳng định điện tử có đối xứng cầu
Các nhà khoa học ở ĐH Northwestern, ĐH Harvard và ĐH Yale (Mỹ) đã chứng minh được rằng điện tử có đối xứng cầu. Các nghiên cứu cửa họ chính xác hơn so với các công trình khác cùng đề tài. Hình dạng cầu của điện tử có một hiệu quả quan trọng:
Nó làm tăng thêm tính chắc chắn của các chứng cớ về Mô hình chuẩn của Vật lý hạt cơ bản. “Từ góc nhìn khoa học, phát hiện của chúng tôi là rất quan trọng, bởi nó “gia cố” cho Mô hình chuẩn của Vật lý hạt cơ bản và loại trừ các mô hình thay thế khác” - ông Gerald Gabrielse ở ĐH Northwestern cho biết như vậy.
Chế tạo polymer tự phục hồi
Các nhà khoa học ở ĐH Clemson (Mỹ) đang chế tạo loại polymer tự phục hồi. Trước đây, việc sản xuất các vật liệu nhân tạo tự phục hồi đã sử dụng giải pháp đưa các phân tử lại gần nhau sau khi bị hỏng hoặc bổ sung các thành phần cụ thể.
Phương pháp mới lợi dụng lực giữa các phân tử polymer để giúp chúng tái liên kết. Điều thú vị là phương pháp mới sản xuất polymer tự phục hồi không đòi hỏi triển khai dây chuyền sản xuất mới. Các nhà khoa học hi vọng trong thời gian 1 năm tới sẽ sản xuất đại trà loại polymer này.
“Mặt trăng nhân tạo” trên Trái đất
Cơ quan Vũ trụ châu Âu ESA vừa quyết định tái tạo một phần bề mặt Mặt trăng trên Trái đất. “Mặt trăng nhân tạo” có tên là Luna với diện tích 1.000 m2, được xây dựng tại Trung tâm Phi hành gia ESA (EAC) ở Cologne (Đức).
Các nhà khoa học cho biết, những điều kiện ở Luna rất giống với những điều kiện trên Mặt trăng (chỉ khác một điều là không có trọng trường thấp). Thành phần quan trọng nhất ở đây là lớp đất bề mặt regolith (bao gồm bụi, đất, mảnh đá vụn…bao phủ Mặt trăng).
Các nhà khoa học đã tạo ra được regolith trên cơ sở bụi núi lửa để mô phỏng bề mặt Mặt trăng. Tại Trung tâm Luna, các nhà khoa học sẽ thử nghiệm các kịch bản khác nhau của sứ mệnh Mặt trăng. Họ cũng sẽ thử dùng máy in 3D và đất regolith để xây dựng nhà ở trên Mặt trăng.