Bị tù vì… làm ong trúng độc
Một người làm vườn 41 tuổi (giấu tên) ở Klagenfurt (Áo) bị tuyên phạt một năm tù và bồi thường 20.000 euro vì đã phun thuốc trừ sâu bất hợp pháp, khiến cho hơn 50 tổ ong bị ngộ độc. Tòa án ở Klagenfurt cho rằng, người đàn ông nọ đã cố tình hủy hoại môi trường, mặc dù đã biết rõ tác hại của thuốc trừ sâu. Tòa án cũng hi vọng bản án đủ sức răn đe, đồng thời khuyến cáo “việc sử dụng thuốc trừ sâu đòi hỏi tìm được sự cân bằng giữa môi trường và kinh tế”.
Phát triển thành công hệ thống năng lượng không phát thải
Các nhà nghiên cứu ở Trường Đại học Công nghệ Chalmer (Thụy Điển) vừa tạo thành công phân tử đặc biệt: Khi có ánh sáng chiếu vào phân tử, hệ thống điện tử trong đó thay đổi và hình thành nên đồng phân mới.
Trong thực tế, quá trình nghiên cứu diễn ra như sau: Chất lỏng có nhiệt độ 20 độ C chảy qua chất xúc tác; trong khi diễn ra phản ứng hóa học, chất lỏng có thể nóng lên đến 83 độ C. Chất đồng phân sau đó có thể được phục hồi, quay trở lại dạng trước đó và được tái sử dụng. Điều đó có nghĩa là, các nhà nghiên cứu Thụy Điển đã phát triển thành công hệ thống năng lượng không phát thải, có thể hoạt động quanh năm.
Phát hiện vệ tinh ngoài Hệ Mặt trời?
Các nhà thiên văn học đã quan sát kỹ lưỡng ngoại hành tinh (hành tinh ngoài Hệ Mặt trời) Kepler 1625b để tìm kiếm vệ tinh của nó và dường như họ đã tìm thấy. Vệ tinh ngoài Hệ Mặt trời nói trên không hề giống với bất kỳ vệ tinh tự nhiên nào mà chúng ta đã biết. Nó có kích thước của sao Hải vương và quay xung quanh hành tinh khổng lồ, to như sao Mộc và nặng hơn sao Mộc 10 lần. Đối tượng được phát hiện nhờ Kính viễn vọng vũ trụ Kepler, sau đó là Kính không gian Hubble. Đây là lần đầu tiên, các nhà khoa học phát hiện đối tượng có thể là vệ tinh tự nhiên ngoài Hệ Mặt trời.