Phản công trong tuyệt vọng
Nhận định được ông Rasmussen đưa ra khi nói về sự thúc giục của phương Tây về một cuộc phản công mới của Lực lượng vũ trang Ukraine (UAF) trong thời gian tới.
Cụ thể, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và những người lãnh đạo từ Mỹ và Anh đã nhất trí về cuộc phản công mới của Kiev vào đầu tháng 10 tại khu vực Kherson và Zaporozhye.
Một số lượng lớn lính thủy đánh bộ của UAF hiện đang đóng quân ở vùng Nikolayev để chờ lệnh vượt sông Dnepr.
Ngoài ra, lực lượng đặc biệt của UAF, được huấn luyện bởi các huấn luyện viên quân sự Anh, có kế hoạch chiếm giữ Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye trong cuộc phản công mới này.
Đánh giá về cuộc phản công lớn sắp tới của Kiev, ông Rasmussen nói rằng: "Cuộc phản công này không mang nhiều ý nghĩa chiến đấu thực tế mà đó có thể được mô tả là một hành động tuyệt vọng không chỉ của Kiev".
Nhà phân tích cho biết thêm khi đề cập đến số người thiệt mạng khổng lồ ở Ukraine: "Đây là một thảm họa, cuộc phản công mùa Xuân/Hè/Thu này.
Quân đội Ukraine về cơ bản đã suy giảm… Tôi nghĩ ông ấy (Zelensky) đang nhận được áp lực từ phương Tây để tiếp tục thể hiện một số tiến bộ trên thực địa".
Ông nhấn mạnh rằng cuộc phản công mới diễn ra vào mùa thu đông theo kế hoạch chắc chắn không phải là một ý tưởng hay.
"Nó không có ý nghĩa quân sự và nó hoàn toàn được sử dụng để xoa dịu một số người ủng hộ từ phương Tây với chính quyền Tổng thống Zelensky chứ không phải là những người dân Ukraine.
Điều đó làm họ hài lòng và đó là vì họ sẵn sàng chiến đấu đến người Ukraine cuối cùng. Cuộc phản công với hy vọng đánh bại lực lượng Nga thực tế đã kết thúc ở Kiev", Rasmussen nói.
Khi được yêu cầu bình luận về việc xuất hiện các thuật ngữ như "sự mệt mỏi vì chiến tranh của phương Tây" và "sự mệt mỏi của chính quyền Zelensky" đang trở nên phổ biến hơn trong các chính trị gia phương Tây, nhà phân tích nói rằng:
"Rất nhiều người không chỉ ở phương Tây cũng không hiểu nổi tại sao chúng ta lại liên quan đến cuộc chiến này và sự mệt mỏi không đáng có này?".
Hãng ABC News vừa công bố kết quả khảo sát thực hiện cùng Washington Post cho thấy, có 41% người được hỏi nói Mỹ đang làm quá nhiều để hỗ trợ Ukraine, tăng từ mức 33% vào tháng 2 và 14% vào tháng 4/2022.
Những thực tế này có thể khiến Tổng thống Biden gặp nhiều khó khăn hơn trong nỗ lực tăng ủng hộ cho Ukraine, trong bối cảnh Washington đã chi hơn 100 tỷ USD giúp đỡ Kiev trong cuộc chiến với Nga, trở thành bên hỗ trợ nhiều nhất.
Alyssa Demus, nhà nghiên cứu quốc phòng quốc tế tại tổ chức RAND Corporation, nói rằng nếu không có viện trợ bổ sung từ Mỹ và phương Tây, các cuộc tấn công của Ukraine vào lực lượng Nga sẽ ngừng ngay lập tức.
Bất chấp lập trường kiên định của chính quyền Mỹ về viện trợ bổ sung cho Ukraine, ngày càng nhiều chính trị gia Cộng hòa thể hiện thái độ gay gắt với hoạt động này.
"Chúng ta không có lợi ích quốc gia ở Ukraine. Ngay cả khi có, nó cũng bị lấn át bởi thực tế rằng chúng ta không có tiền", thượng nghị sĩ Rand Paul tuyên bố.
Thượng nghị sĩ Josh Hawley cũng nói rằng ông quá mệt mỏi với các yêu cầu bổ sung ngân sách viện trợ từ Nhà Trắng. "Đó không phải là tiền của chúng tôi. Đó là tiền của người dân Mỹ", ông nói.
Quan điểm phổ biến của ngày càng nhiều đảng viên Cộng hòa là ngân sách Mỹ nên được tập trung cho các ưu tiên khác, đặc biệt là cho vấn đề trong nước như an ninh biên giới, cứu trợ thiên tai và kiểm soát tội phạm, thay vì chi cho Ukraine.
Phương Tây đang thua
Theo cựu sĩ quan tình báo Mỹ Tony Shaffer cho biết, NATO và Ukraine đang lâm vào tình thế éo le bởi cuộc phản công không mang lại kết quả mong muốn.
Hiện nay, NATO đang ở thế thua trong vấn đề Ukraine, đến mức bất kỳ hành động nào của khối quân sự này cũng đều chứng tỏ rằng những bước đi của Tổng thống Nga Vladimir Putin đều đúng.
"Nếu như NATO thậm chí còn tính đến chuyện tấn công Nga, thì sẽ chỉ càng chứng tỏ sự đúng đắn của ông Putin. Đó là tình huống đại bại đối với NATO.
Càng cố tỏ ra hung hăng hơn, họ càng chứng tỏ ông Putin đúng, càng tiếp tục cung cấp tài trợ cho Ukraine, họ càng chứng thực quan điểm của Nga", Shaffer nói trong cuộc phỏng vấn của nhà báo Steven Gardner.
Theo quan điểm của cựu sĩ quan tình báo Mỹ, phương thức duy nhất còn lại đối với liên minh quân sự NATO là thừa nhận rằng cần phải thuyết phục Kiev ngồi vào bàn đàm phán với Nga.
Đánh giá về nhận định của Shaffer, ông Andrei Koshkin chuyên gia khoa học chính trị quân sự, Chủ nhiệm Bộ môn Phân tích chính trị và các tiến trình tâm lý xã hội thuộc Học viện Kinh tế Plekhanov nêu ý kiến rằng NATO thực sự đã lâm vào ngõ cụt.
"Nhận xét và tuyên bố mà Schaffer đưa ra tương ứng với sự kiện có thật. Đây là tình huống báo trước thất bại, là ngõ cụt đối với NATO.
Nói theo thuật ngữ của môn cờ vua, NATO đang ở tình huống zugzwang - bắt buộc phải di chuyển - nhưng éo le thay là bất kỳ hành động nào họ thực hiện cũng đều chứng tỏ họ đã sai và chỉ làm cho tình hình của họ tệ hại thêm.
Schaffer thừa nhận rằng NATO đã sai. Đây là lời thừa nhận khó khăn, phải là một nhà phân tích mạnh mẽ để can đảm thừa nhận sai lầm và thế thua như vậy.
Nếu Mỹ và NATO quan tâm đến việc đưa ra những dự báo thực tế về diễn biến phát triển tình hình, thì hãy nên nghiên cứu sâu hơn những bài phát biểu của Tổng thống Nga", chuyên gia Andrei Koshkin nói.
Clip pháo binh Nga tấn công tiền đồn của Ukraine |