Cuộc hôn nhân của hai công chúa nổi tiếng nhất thời Trần

GD&TĐ - An Tư và Huyền Trân là hai công chúa nổi tiếng nhất lịch sử nhà Trần, bởi cuộc hôn nhân mang tính trọng đại chính trị. Nhan sắc tuyệt trần của hai nàng đã giúp nhà Trần chiến thắng giặc Mông và mở rộng bờ cõi.

Hình tượng công chúa An Tư. Ảnh: Viettoon.
Hình tượng công chúa An Tư. Ảnh: Viettoon.

GS Phạm Đức Dương, nguyên Chủ tịch Hội Khoa học Đông Nam Á, cho biết: Xét theo vai vế, công chúa An Tư chính là bà trẻ của công chúa Huyền Trân. An Tư là con gái út của vua Trần Thái Tông và là em gái của vua Trần Thánh Tông.

Hoa sen tịnh đế

Các nhà nghiên cứu khẳng định, An Tư và Huyền Trân công chúa tượng trưng cho cái đẹp biết dấn thân, mang một ý nghĩa lớn lao có thể lay chuyển hàng binh thế trận. Sự hi sinh thầm lặng nhưng quyết liệt ấy đáng sánh ngang với Trần Quốc Toản, Trần Bình Trọng. 

Cuộc đời của An Tư công chúa chỉ được sử Việt chép lại ngắn gọn trong một số tư liệu. Thậm chí, cho đến nay, các nhà nghiên cứu còn chưa tìm ra lời giải về năm sinh, năm mất của nàng.

Theo một số câu chuyện dân gian, công chúa An Tư có tư chất “hoa sen tịnh đế”, hay còn gọi là “tịnh đế liên” (tức một cuống nở hai bông hoa, thể hiện sự quý hiếm thuần khiết).

Giữa thời đất nước đao thương, nét đẹp ấy càng khiến nhiều người ngưỡng mộ và biểu thị ý muốn tôn thờ. Vậy nên dân gian mới ví: “An Tư đẹp nhất trời Nam”, và khẳng định nàng là cô gái đẹp nhất trong những cô gái đẹp.

Trong bối cảnh nước nhà đang phải đối mặt với nạn binh đao, nàng đã từ bỏ thân phận đài các, từ bỏ niềm tự hào là đôi bàn tay như ngọc tạc thành mà dệt thoi, may áo thêu cờ cho tướng sĩ.

Năm 1279, sau khi đánh bại nhà Tống, làm chủ toàn bộ lãnh thổ Trung Hoa, quân Mông Cổ mở cuộc chiến thôn tính với quy mô rộng rầm rộ. Khắp nơi, vó ngựa và chiến thuyền Nguyên Mông tiến lên như vũ bão.

Nhật Bản và Đại Việt, Chiêm Thành đều nằm trong tầm ngắm. Trong đó, Đại Việt được xem là cuộc chiến phục thù của kẻ chinh phục thế giới sau thất bại lần thứ nhất năm 1258.

Con trai Hốt Tất Liệt là Thoát Hoan được phong làm Trấn Nam Vương, thống lĩnh toàn bộ lực lượng viễn chinh. Quân Nguyên Mông nhanh chóng chiếm được Chiêm Thành, tạo gọng kìm bao vây Đại Việt. Trước sức mạnh của giặc, Thái thượng hoàng Trần Thái Tông đã cử người đem thư giảng hòa, nhằm mục đích kéo dài thời gian để củng cố lực lượng.

Tuy nhiên cậy thế mạnh không chấp nhận hòa hoãn, quân Nguyên đổ bộ đánh quân nhà Trần trên các mặt trận. Đầu năm 1285, quân Nguyên Mông đánh tới Gia Lâm, vây hãm Thăng Long.

Thế giặc quá mạnh, thư hòa lại không được chấp nhận, chưa bao giờ quân đội nhà Trần cần có thời gian để củng cố lực lượng như lúc này. Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông phải dùng đến kế sách cuối cùng: Đưa An Tư công chúa cho Thoát Hoan để thư nạn cho nước. 

Dấn thân vì nước

Rất ít tư liệu cũng như văn bia nói về kết cục công chúa An Tư.

Rất ít tư liệu cũng như văn bia nói về kết cục công chúa An Tư.

Trong lúc đất nước gặp cảnh nước sôi lửa bỏng, An Tư công chúa đau đáu nỗi niềm. Nhưng nàng tiếc không thể noi gương cầm gươm xông trận như các anh em của mình. Đại Việt sử ký toàn thư ghi ngắn gọn: “Vua Trần sai người đưa công chúa An Tư đến cho Thoát Hoan là có ý làm giảm bớt tai họa cho nước vậy”.

Việt sử tiêu án cũng ghi: “Ngày đã về chiều, quân giặc qua được sông vào kinh thành, vua sai đưa Thiên Tư công chúa (tức An Tư) cho chúng, để thư nạn cho nước”.

Khi công chúa An Tư được đưa sang doanh trại của Thoát Hoan, quân Nguyên Mông chấp nhận lời cầu hòa của nhà Trần. Đây là khoảng thời gian vàng ngọc để Đại Việt chuẩn bị củng cố lực lượng.

Không có tài liệu chính thống nào ghi chép thêm về cuộc đời và kết cục của An Tư sau khi nàng được tiến cống cho Thoát Hoan. Chỉ có sách “An Nam chí lược” của Lê Tắc Trắc - một thuộc hạ của Trần Ích Tắc và Trần Kiện theo chủ chạy sang nhà Nguyên, sống lưu vong chép rằng: “Trước Thái tử (Thoát Hoan) lấy người con gái nhà Trần sinh được hai con”.

Khi quân nhà Trần phản công, quân Nguyên Mông đại bại. Sau chiến thắng, triều đình nhà Trần làm lễ tế lăng miếu, khen thưởng công thần, nhưng không ai nói đến An Tư công chúa. Từ đó, không ai rõ công chúa còn hay mất, được mang về Trung Quốc hay đã chết trong đám loạn quân.

Còn trong tiểu thuyết An Tư công chúa, khi Thoát Hoan tháo chạy về Bắc, quân ta chiến thắng, triều đình mở tiệc khao quân. Tiếc thay người mà công chúa thương yêu là Chiêu Thành Vương đã anh dũng tử trận. Quá đau buồn và cảm thấy mình đã bội thề, An Tư đã quyên sinh nơi bến vắng.

GS Phạm Đức Dương cho rằng, nhà Trần trở thành triều đại vinh quang nhất trong lịch sử Đại Việt ba lần chiến thắng Nguyên Mông. Trong chiến công chung đó, người ta ghi nhận sự đóng góp hi sinh thầm lặng của những người phụ nữ, trong số ấy có công chúa An Tư.

Vẻ đẹp “hai châu”

Tranh minh họa công chúa Huyền Trân với biểu tượng Chiêm Thành là tháp Chàm.

Tranh minh họa công chúa Huyền Trân với biểu tượng Chiêm Thành là tháp Chàm.

Nhà nghiên cứu lịch sử Hồ Nam cho biết, mặc dù công chúa Huyền Trân là nhân vật lịch sử quan trọng, được lịch sử ghi chép khá tỉ mẩn. Tuy nhiên, đến nay vẫn không rõ tên thật, cũng như năm sinh, năm mất. Một số tư liệu không chính thống ghi Huyền Trân công chúa hạ sinh vào năm 1289. Mẹ của nàng có thể là Khâm Từ Bảo Thánh hoàng hậu hoặc Tuyên Từ hoàng hậu.

Huyền Trân là con gái duy nhất của vua Trần Nhân Tông, nàng lại được sinh ra vào thời điểm đất nước chiến thắng giặc Nguyên Mông lần thứ ba. Chính vì vậy chỉ có thể dùng từ “nâng sợ vỡ ngậm sợ tan” để hình dung sự yêu thương của Trần Nhân Tông đối với con gái.

Dân gian vẫn lưu truyền về sắc đẹp của công chúa Huyền Trân, rằng: Khuôn mặt tú lệ đẹp tựa thiên tiên, mày liễu mắt hạnh, mũi ngọc môi đào, hai gò má trong trắng ửng hồng, mái tóc tựa nước suối đại ngàn buông hai bờ vai thon nhỏ. Sắc đẹp “băng cơ ngọc cốt” của Huyền Trân vượt ra cả Đại Việt, mà người đương thời gọi là sắc đẹp “hai châu”.

Sự việc bắt đầu từ năm Tân Sửu (1301), Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông ngoạn lãm vương quốc Chiêm Thành gần 9 tháng, được vua Chế Mân tiếp đãi nồng hậu. Cảm tấm thịnh tình, trước khi về nước vua Trần Nhân Tông hứa gả Huyền Trân cho Chế Mân.

Nhiều nhà sử học cho rằng, việc gả công chúa Huyền Trân cho vua Chế Mân mang động cơ chính trị sâu sắc. Mục đích chính đó là chinh phục hai châu Ô và Rý nhập vào lãnh thổ Đại Việt.

Các tư liệu chép lại cho rằng, công chúa Ngọc Hân rất thông minh nên rất được lòng người thầy phụ đạo là Trần Khắc Chung. Ngày ngày đối mặt với một trang quốc sắc thiên hương, hẳn vị tướng anh võ cũng đã động lòng.

Trần Khắc Chung cũng thường xuyên được Trần Anh Tông sai bảo vệ công chúa lên am Ngọa Vân trên núi Yên Tử để thăm vua cha Trần Nhân Tông. Có thể trong những chuyến đi này, tình ý hai bên mới bắt đầu nảy nở.

Trên con đường theo Chế Mân sang nước Chiêm, công chúa Huyền Trân đã dừng lại ở cửa Tư Hiền nằm giữa xã Vinh Hiền và Lộc Bình (thuộc huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế ngày nay) để bái vọng tổ tiên.

Sử cũ ghi lại dân chúng quanh vùng xót thương phận hồng nhan vì đất nước nên đổi tên cửa Tư Hiền thành cửa Tư Dung. Nhưng cũng có thể, cái tên Tư Dung là do chính Trần Khắc Chung đặt. Bởi Tư Dung nghĩa là thương nhớ dung nhan, ngụ ý chỉ Huyền Trân công chúa.

Oan tình 700 năm

Đền thờ Huyền Trân công chúa tại Huế.

Đền thờ Huyền Trân công chúa tại Huế.

Huyền Trân được gả cho vua Chế Mân vào tháng 2/1305. Tháng 5/1307, Chế Mân qua đời. Lúc này, Huyền Trân đang mang thai thái tử mà sau này đặt tên là Chế Đa Đa. Sứ giả nước Chiêm đã cho người sang báo tin về lễ tang cũng như thông báo về việc hoàng hậu của họ (tức Huyền Trân công chúa) sẽ tuẫn táng theo chồng. Trần Anh Tông xót thương em gái nên đã bàn kế sách giải cứu.

Sử cũ chép lại: “Lúc này, võ tướng Trần Khắc Chung đứng ra giữa triều xin lĩnh trọng trách sẽ lên đường vào Nam đưa công chúa hồi quốc. Ông đã xin mang theo 5.000 quân sĩ, lương thảo cùng một số chiến thuyền lớn để vượt biển”.

Rất nhiều câu chuyện đã được thêu dệt lên sau khi Huyền Trân được giải cứu. Trong đó đáng chú ý nhất là việc công chúa đã tư thông với Trần Khắc Chung. Tuy nhiên, qua hơn 700 năm nhiều nghiên cứu lịch sử đã giải nỗi hàm oan cho công chúa.

Trần Khắc Chung tiến vào Chiêm Thành, đã mật báo trước với công chúa kế hoạch giải cứu. Theo đó giàn hỏa thiêu của vua Chế Mân dựng sát bờ biển được cho là ở Thị Nại (Quy Nhơn), và không cho người khác quấy rầy.

Lợi dụng sơ hở, Trần Khắc Chung cùng các tướng lĩnh đã liều mình chiến đấu với quân Chiêm, cướp lấy công chúa và bảo vệ nàng xuống thuyền rồi nhanh chóng ra Bắc. Tháo chạy khỏi Chiêm Thành, đoàn thuyền của Trần Khắc Chung từ Bình Định ra Thăng Hoa, vào cửa Đại Chiêm (Cửa Đại) rồi theo đường sông Cổ Cò ra Cẩm Lệ (Đà Nẵng).

Từ đó, họ đi bằng đường bộ đến Xuân Sơn Hoa Ô, tức làng chài Nam Ô thuộc phường Hòa Hiệp Nam (TP Đà Nẵng bây giờ). Tại đây, đoàn người nán lại để tìm cách vượt Ải Vân ra thành Hóa Châu của Đại Việt. Ngày nay, ở Nam Ô vẫn còn một ngôi miếu cổ thờ vọng công chúa Huyền Trân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.