Cuộc đua thiết bị tàng hình

GD&TĐ - Sự phát triển công nghệ tàng hình nhằm bảo vệ tài sản quân sự trên mặt đất thường xuyên là chủ đề của nhiều quân đội trên khắp thế giới.

Tấm ngụy trang Kit-300 có thể khiến cho người khoác nó "biến thành" tảng đá.
Tấm ngụy trang Kit-300 có thể khiến cho người khoác nó "biến thành" tảng đá.

Mới đây, Trung Quốc tuyên bố có thể chuyển đổi một ý tưởng khoa học độc đáo thành một giải pháp quân sự khả thi, khiến cho các khí tài khó bị phát hiện.

Áo choàng tàng hình

Các radar quân sự tiên tiến có thể phát hiện vũ khí hoặc cơ sở vật chất mà các camera tiêu chuẩn không thể nhận thấy. Chúng còn nhận ra các vật thể nhỏ như một hộp giày từ không gian, khiến cho việc che giấu các vật thể này rất khó khăn. Không giống như vệ tinh kính thiên văn chỉ có thể hoạt động vào ban ngày, vệ tinh radar còn có thể chụp những bức ảnh rõ nét cả vào ban đêm.

Để tăng khả năng bảo vệ cho các mục tiêu quân sự trên mặt đất, các nhà nghiên cứu quân sự Trung Quốc tuyên bố đã phát triển một loại “áo choàng tàng hình” có thể che giấu các đối tượng quân sự trên mặt đất trước vệ tinh radar do thám.

Thiết bị mới này do nhóm nghiên cứu tại Đại học Kỹ thuật Không quân ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây phát triển. Nó là một mảnh vải có thể co giãn để bao phủ vừa gần như hoàn hảo nhiều loại vật dụng, bao gồm xe tăng, pháo và đài radar.

Theo nhà nghiên cứu chính Xu Hexiu và nhóm của ông, tính linh hoạt vượt trội của áo choàng tàng hình có thể giúp làm cho nó gần như vô hình trước các vệ tinh radar. Khi được phủ áo choàng tàng hình, một vật thể sẽ trông giống “một mảnh đất trống, không có gì ở phía trên”.

Áo tàng hình này có rất nhiều lớp. Một tấm vải mỏng phía trên có in một số mạch có khả năng điều khiển bức xạ điện từ. Các mạch được vẽ với độ chính xác vượt trội trên mảnh vải mềm mỏng như sợi tóc nhờ vào quy trình in 3D đặc biệt.

Sau đó, các nhà nghiên cứu đã thêm các lớp khác, chẳng hạn như nhựa và kim loại mỏng, nhằm tạo ra một “siêu bề mặt” có thể sửa đổi hướng của tín hiệu dội trở lại, khiến nó như vừa chạm vào địa hình bằng phẳng chứ không phải một đối tượng nào khác.

Ông Xu cho biết một số siêu vật liệu đã được thiết kế để đánh lừa vệ tinh radar, nhưng không không loại vật liệu nào có thể di chuyển tự do hoặc rộng rãi như chiếc áo choàng mới.

"Áo choàng tàng hình" có thể che giấu các đối tượng quân sự trên mặt đất khỏi vệ tinh radar do thám.
"Áo choàng tàng hình" có thể che giấu các đối tượng quân sự trên mặt đất khỏi vệ tinh radar do thám.

Khi sóng radar chạm vào một vật thể gồ ghề, chúng sẽ dội ngược lại theo các hướng khác nhau, cho phép máy tính tính toán kích thước và hình dạng của vật thể bằng cách đo sự chênh lệch tín hiệu.

Khi các nhà nghiên cứu kiểm tra hiệu suất của thiết bị mới trong một cơ sở mô phỏng, các sóng đập vào tấm vải tàng hình sẽ dội trở lại theo kiểu đồng nhất như vừa va vào mặt đất bằng phẳng. Khoảng cách giữa radar và mục tiêu càng xa thì khả năng che giấu càng cao hơn.

Tuy nhiên, không giống như thứ gì đó trong chuyện khoa học viễn tưởng hay áo tàng hình của Harry Potter, thiết bị do nhóm ông Xu phát triển không hoạt động như một vật dụng độc lập. Áo choàng này được cho là cần có sự kết hợp của các biện pháp khác bao gồm giảm nhiệt, ngụy trang quang học… để đạt được hiệu quả như mong muốn.

Công nghệ này đang trong giai đoạn thử nghiệm. Nếu tuyên bố của các nhà khoa học Trung Quốc là xác thực và chiếc áo choàng có hiệu quả, nó có thể là nhân tố thay đổi cuộc chơi trong lĩnh vực quân sự.

Cuộc đua công nghệ

Trước đó, Trung Quốc cũng tuyên bố đã phát triển một công nghệ tàng hình giả để tích hợp vào các máy bay chiến đấu không tàng hình, giúp chúng không bị radar phát hiện bằng một “siêu vật liệu”. Song, các chuyên gia đã phủ nhận tuyên bố này.

Tuy nhiên, Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất có công nghệ tàng hình để sử dụng. Một công ty có trụ sở tại Canada tên là Hyperstealth Biotechnology trước đó đã được cấp bằng sáng chế cho vật liệu “tàng hình lượng tử” có thể ngụy trang cho binh lính cũng như xe tăng, tàu và thậm chí cả máy bay của họ bằng cách bẻ cong ánh sáng xung quanh mục tiêu.

Trong một trường hợp khác, công ty của Israel có tên Polaris Solutions đã tiết lộ một công nghệ mới có tên tấm ngụy trang “Kit-300” mà họ tuyên bố sẽ khiến binh lính “hầu như không thể bị phát hiện”.

Đây là sản phẩm được phát triển với sự hợp tác của Bộ Quốc phòng Israel. Nó được làm từ vật liệu che giấu hình ảnh nhiệt (TVC – thermal visual concealment) bao gồm kim loại, polymer và sợi nhỏ.

Kit-300 trông giống như một chiếc chăn có trọng lượng nhẹ, chưa đến 500g nên binh lính có thể dễ dàng mang nó qua những khu vực nguy hiểm.

Tấm áo choàng tàng hình này được cho là làm từ vật liệu che giấu hình ảnh nhiệt, bao gồm các vật liệu như sợi nhỏ, kim loại và cốt liệu. Nó gần như không thể bị phát hiện bằng mắt thường và máy ảnh nhiệt.

Nhiều người mặc áo tàng hình có thể "biến thành" nhiều tảng đá.
Nhiều người mặc áo tàng hình có thể "biến thành" nhiều tảng đá.

Người lính mặc nó vào sẽ chỉ như một tảng đá bình thường. Nếu một nhóm binh lính khoác chiếc áo tàng hình này, họ sẽ trông giống như một nhóm các tảng đá. Ngay cả khi bạn nhìn chằm chằm vào nó bằng kính viễn vọng, cũng khó phát hiện ra đống đá đó không phải là thật.

Ngoài việc cho phép binh lính ngụy trang thành những tảng đá để tránh bị phát hiện bằng máy ảnh nhiệt, áo choàng này còn có vài chức năng như giữ ấm, biến thành cáng hoặc thành lều. Người ta nói rằng có thể nó chịu được cả trọng lượng 250kg.

Có thể nói, áo tàng hình Kit-300 là một món đồ du lịch dã ngoại mà mọi người nên có. Nhưng tại thời điểm này, có một số nghi ngờ đã được đưa ra.

Mặc dù tấm vải tàng hình này có đầy đủ các chức năng, nhưng chiến trường không phải là địa điểm du lịch và việc bảo đảm an toàn tính mạng binh sĩ được ưu tiên hàng đầu.

Người ta tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu trong trận chiến, không hề có những viên đá nào gần đó thì việc xuất hiện những hòn đá giả kia sẽ gây sự chú ý.

Theo Eurasiantimes

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ