Các cường quốc đang cảnh giác với sức mạnh của hạm đội tàu sân bay Trung Quốc, tiêu biểu là hàng không mẫu hạm mới nhất mang tên Phúc Kiến, thể hiện kế hoạch sâu rộng của Bắc Kinh theo hướng trở thành cường quốc biển.
Tàu sân bay Phúc Kiến dự kiến sẽ có máy phóng điện từ, giúp máy bay chiến đấu cất cánh nhanh hơn với tải trọng tối đa, mang lại tầm hoạt động cùng khả năng sử dụng vũ khí rất tốt.
Cùng với các tàu sân bay khác của Trung Quốc là Liêu Ninh và Sơn Đông, chiếc Phúc Kiến sẽ giúp Bắc Kinh thể hiện vai trò như một cường quốc hàng hải mới trong khu vực.
Trung Quốc đặt mục tiêu có 6 tàu sân bay vào năm 2035, Điều này nếu được thực hiện sẽ khiến họ trở thành cường quốc hải quân mạnh thứ hai trên thế giới.
Tuy nhiên Mỹ vẫn vững vàng dẫn đầu với hạm đội gồm 11 tàu sân bay. Ngoài ra các nước láng giềng của Trung Quốc lo lắng hơn nhiều và đang thực hiện các biện pháp thích hợp.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh tuyên bố vào tháng trước rằng nước ông sẽ bắt đầu chế tạo tàu sân bay thứ ba. Các nhà phân tích tin rằng điều quan trọng là Hải quân Ấn Độ phải sánh ngang với khả năng của Trung Quốc.
Các quốc gia châu Á đang nỗ lực bắt kịp hạm đội tàu sân bay Trung Quốc. |
Nhật Bản cũng tiết lộ kế hoạch hiện đại hóa hàng không mẫu hạm đầu tiên của mình - chiếc Kaga. Ban đầu nó được thiết kế như một tàu sân bay trực thăng, nhưng sau đó được điều chỉnh để mang theo máy bay chiến đấu F-35B.
Con tàu thứ hai cùng lớp mang tên Izumo cũng sẽ trải qua những biến đổi tương tự. Sau khi hiện đại hóa, cả hai tàu sân bay sẽ có thể chở 12 chiến đấu cơ và 16 trực thăng.
Hàn Quốc cũng công bố kế hoạch đóng tàu sân bay đầu tiên. Mặc dù vậy Seoul chưa có mốc thời gian cụ thể.
Cuộc tranh luận vẫn tiếp tục diễn ra ở các nước châu Á khác về quy mô và mức đầu tư cho các chương trình tàu sân bay của riêng họ. Nhưng không phải khả năng tài chính và công nghệ của mọi quốc gia đều có thể hỗ trợ một dự án tham vọng như vậy.
Tiêm kích hạm Tejas và MiG-29K cất hạ cánh trên tàu sân bay INS Vikrant của Hải quân Ấn Độ. |