Cuộc chiến trên không qua hồi ức những người lính trận

Cuộc chiến trên không qua hồi ức những người lính trận

(GD&TĐ) - Trước dịp kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” (12/1972-12/2012), các cựu chiến binh thuộc 10 tiểu đoàn tên lửa từng trực tiếp “hạ gục” B-52 trên bầu trời Thủ đô đã có dịp gặp lại nhau tại Sở chỉ huy Sư đoàn 361. Sau bốn mươi năm, họ đã cùng nhau làm rõ thời gian, địa điểm, danh sách kíp chiến đấu cùng diễn biến của những trận điều khiển “rồng lửa” hạ gục B-52. Qua ký ức của những người lính già đầu bạc, từng trận đánh, từng gương mặt đồng đội và những mẩu chuyện xúc động đã hiện lên, như những thước phim quay chậm về một thời lửa đạn …

Đại tá Nghiêm Đình Tích
Đại tá Nghiêm Đình Tích

Đại tá Nghiêm Đình Tích, nguyên Đài trưởng Đài ra-đa Đại đội 45, Trung đoàn ra-đa 291:

Tôi và những đồng đội là chiến sĩ ra-đa thuộc Đại đội 45, Trung đoàn 291 có mặt tại trận địa ra-đa ở Đồi Si (Đô Lương, Nghệ An) và đã trực tiếp phát hiện ra “đường bay lạ” của địch. Lúc ấy là 19 giờ ngày 18-12-1972, Đại đội 45 được lệnh mở máy, mấy phút sau tôi và hai trắc thủ Phạm Hoàng Cầu, Nguyễn Văn Xích đã thấy những dải nhiễu B-52 ở đúng tọa độ mà trắc thủ máy đo cao Tô Trọng Huy đã thông báo. Mọi người trong kíp vẫn bình tĩnh vì chúng tôi đã quá quen với những tốp B-52 cất cánh từ căn cứ U-ta-pao (Thái Lan) vào đánh phá các mục tiêu ở Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng trên đất Lào. Chúng tôi phát hiện ra sự “bất thường” của không quân địch bởi B-52 đã đến phương vị 300 độ mà chưa đổi hướng. Thường thì cứ đến các phương vị 270, 280 và 290 độ là chúng rẽ trái, tiến vào đất Lào, nhưng lần này nó bay qua phương vị 300. Người tôi nóng ran, vậy là chỉ còn mỗi đường là nó bay vào miền Bắc.

Trong khoảng thời gian tính bằng giây quan sát trên màn hiện sóng, tôi cùng các trắc thủ của Đại đội 45 đã coi “Phương vị 300” như một ngã ba đường và nhận ra lối rẽ của lũ giặc trời. Khi báo cáo lên trên, cả Đại đội và Trung đoàn đều hỏi lại: “Có đúng B-52 không?”, thậm chí khi Trung đoàn báo về Sở chỉ huy trung tâm, chính Tham mưu phó Binh chủng Hứa Mạnh Tài còn lặp lại câu hỏi ấy tới hai lần. Có sự thận trọng trước khi báo cáo cấp trên là do trước đây đã từng xảy ra chuyện hoang báo tin B-52, sự thận trọng ấy đã làm cho tôi và hai trắc thủ: Xích, Cầu - những người con Hà Nội - thêm sốt ruột khi nghĩ tới người thân ở hậu phương. Lúc ấy, tôi chỉ muốn hét thật to cho cả nước cùng nghe: B-52 đang bay vào Hà Nội. Ngay lập tức, thông tin “B-52 đang hướng vào Hà Nội” được báo cáo lên trên. Ít phút sau, từ Sở chỉ huy Quân chủng Phòng không-không quân, mệnh lệnh báo động B-52 toàn miền Bắc được phát ra. Do lập công đầu trong Chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” nên tập thể Đại đội 45 chúng tôi đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Đại tá Hoàng Bảo, nguyên  Trưởng ban Tác huấn Sư đoàn 361:

Đại tá Hoàng Bảo
Đại tá Hoàng Bảo

Thời điểm diễn ra Chiến dịch 12 ngày đêm năm 1972, Sư đoàn 361 có hai Trung đoàn tên lửa là 261 và 257 làm nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô và chưa có kinh nghiệm “chạm trán” B-52. Bởi vậy mà khi chúng tôi tới phổ biến kinh nghiệm đánh B-52 cho Trung đoàn 274 vừa từ Khu 4 ra tăng cường bảo vệ Hà Nội, cán bộ tác huấn Sư đoàn còn bị anh em đơn vị “mát mẻ” rằng: “Các anh ở Hà Nội làm sao có nhiều kinh nghiệm bằng chúng tôi, B-52 chúng tôi đánh chán, đánh mãi rồi”.

Quả thực, hai Trung đoàn tên lửa 261 và 257 là những “tân binh” trong việc đánh B-52, và những “tân binh” ấy đã biết “vái tứ phương” để tiếp thu kinh nghiệm của những đơn vị đàn anh, nhất là những đồng đội từng có mặt ở tuyến lửa Khu 4. Nhờ vậy, sau rất nhiều cuộc tập huấn, thục luyện, sư đoàn đã có những kíp chiến đấu giỏi với những cái tên trắc thủ giỏi như: Luyến-Ấp-Đức-Hiền; Thuận-Tứ-Linh-Độ; Kiên-Thi-Lịch-Đài…

Đêm 18-12-1972, quả tên lửa đầu tiên bắn vào đội hình B-52 do Tiểu đoàn 78 phóng. Máy bay không rơi, nhưng đó là một sự mở đầu nhiều ý nghĩa. Đêm ấy, các trắc thủ đã phát sóng để bắt mục tiêu. Phát sóng, nghĩa là họ sẵn sàng đối mặt với tên lửa không đối đất từ máy bay địch lao vào trận địa, và các anh đã phát hiện ra dải nhiễu “na ná” hình dải nhiễu mà các đồng đội ở chiến trường Khu 4 gửi ra. Vậy là điểm yếu của “siêu pháo đài bay” đã bộc lộ. Thông thường, máy bay càng bay vào gần thì cường độ máy gây nhiễu phát ra sẽ tăng với tỷ lệ bình phương, còn tín hiệu phản xạ của bản thân máy bay đó sẽ tăng với tỷ lệ lớn hơn nhiều, do đó khi B-52 vào gần khoảng 20-24 km sẽ thấy tín hiệu mục tiêu nổi trên nền nhiễu.

Khi chiến đấu trong chiến trường Khu 4, B52 thường hoạt động từng tốp nhỏ lẻ, trong khi ta cũng chỉ có từ 1-2 tiểu đoàn tên lửa nên thời gian B-52 bay trong vòng phóng của tên lửa ta rất ít, chỉ tính bằng 5-10 giây. Còn khi địch tập kích lớn vào Hà Nội với nhiều tốp B-52 thì với mặt phản xạ lớn, lại phơi mình trong vùng phóng trong thời gian hàng phút thì việc “hứng” tên lửa của ta là điều khó tránh khỏi. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới chiến công liên tiếp bắn rơi B-52 của Sư đoàn 361, nhưng có một nguyên nhân quan trọng là pháo thủ, trắc thủ của chúng ta rất điêu luyện. Bằng sự chuẩn bị công phu về đội ngũ, với nhiều trắc thủ có kinh nghiệm từ trước đó mà chúng ta đã chiến thắng mọi thủ đoạn về kỹ, chiến thuật, kể cả thủ đoạn gây nhiễu hiểm hóc của địch.

Đại tá, Anh hùng Nguyễn Đình Kiên, nguyên Sĩ quan điều khiển Tiểu đoàn 57 (Trung đoàn 261-Sư đoàn 361):

Đại tá, Anh hùng Nguyễn Đình Kiên
Đại tá, Anh hùng Nguyễn Đình Kiên

Lần đầu tiên tôi nhìn thấy đồng đội mình đổ máu là buổi trưa ngày 4-9-1972, khi trận địa Tiểu đoàn bị dính tên lửa không đối đất của địch làm gần chục người có mặt trên xe điều khiển bị thương, riêng Nguyễn Văn Nhận bị thương nặng và hy sinh.

Sau vài ngày làm lễ an táng liệt sĩ Nhận tại Nghĩa trang liệt sĩ Đông Anh thì Nhàn – vợ Nhận – đang công tác ở Lạng Sơn đã ghé qua trận địa của đơn vị để thăm chồng trước khi về quê ở Hải Dương sinh con. Anh em đơn vị không còn cách nào khác là phải nói dối “Nhận đang đi công tác”. Trong bữa cơm mời vợ đồng đội, mọi người ngồi cùng mâm mà lòng nhói đau, cầu mong chị đừng vội biết chuyện chẳng lành. Ngay chiều hôm đó, đơn vị cử Quán Đức Sắn là đồng hương Hải Dương đưa chị về quê…

Sau sự cố thương vong ấy, đơn vị đã bổ sung Ngô Ngọc Lịch từ kíp 2 lên kíp 1 và Lịch đã tiếp thu kinh nghiệm của lớp đàn anh một cách nhanh chóng. Ở vị trí sĩ quan điều khiển, tôi nhận thấy bất kể lúc nào 3 trắc thủ với mình luôn phải là một. Có một thuận lợi là 3 trắc thủ của kíp chiến đấu Tiểu đoàn chúng tôi đều rất trẻ. Trong số đó, Hạ sĩ, Trắc thủ góc tà Ngô Ngọc Lịch khi ấy mới tròn 20 tuổi.

Trắc thủ cự ly Mè Văn Thi lại là một người ít nói nhưng cẩn thận, tỉ mỉ. Đức tính khiêm nhường của anh làm mọi người trong kíp quý mến. Trong số 3 trắc thủ thì Nguyễn Xuân Đài – Trắc thủ phương vị - là người có kinh nghiệm chiến đấu dày dạn. Từng nhập ngũ cùng năm và chiến đấu nhiều trận với tôi nên Đài rất am hiểu tính tình và cách đánh của người Sĩ quan điều khiển.

Trong 12 ngày đêm chiến đấu với B-52 cuối tháng 12-1972, các thành viên kíp chiến đấu chúng tôi đều coi trận đánh diễn ra vào rạng sáng ngày 21-12 tại trận địa Đại Đồng (Thuận Thành, Bắc Ninh) là một trận đánh khó quên, tạo nên một kỷ lục mới của bộ đội tên-lửa: trong 10 phút, Tiểu đoàn đã diệt 2 B-52 và trở thành Tiểu đoàn tên lửa duy nhất có hai cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng, đó là Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phiệt và tôi - Sĩ quan điều khiển của đơn vị.

Đại tá Đinh Thế Văn (thứ hai, từ trái sang) gặp lại các đồng đội cũ thuộc Sư đoàn 361
Đại tá Đinh Thế Văn (thứ hai, từ trái sang) gặp lại các đồng đội cũ thuộc Sư đoàn 361

Đại tá Đinh Thế Văn, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77 (Trung đoàn 257, Sư đoàn 361):

Tôi sinh ra và lớn lên ở Đông Anh, Hà Nội. Học xong cấp 3 thì tôi thi đỗ vào Đại học Bách khoa. Một hôm tôi nhận cùng lúc cả giấy báo trúng tuyển Đại học và giấy trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, tôi đã quyết định tòng quân, trở thành chiến sĩ tên lửa và trải qua các vị trí trắc thủ, sĩ quan điều khiển rồi Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77.

Trong 12 ngày đêm của Chiến dịch, tôi nhớ nhất trận đánh rạng sáng ngày 19-12, đó là trận kíp chiến đấu Tiểu đoàn chúng tôi đã mạnh dạn phát sóng để phát hiện mục tiêu mà không sợ dính tên lửa không đối đất của địch. Tôi còn nhớ như in lời đồng chí Văn Giang - Chính ủy Sư đoàn 361 - nói bằng tiếng “lóng” qua máy phát 81 lúc bấy giờ: “Thằng Văn nó “mở mắt” nhìn thấy rồi, các anh em cứ “mở mắt” ra mà đánh”. Ý của Chính ủy Văn Giang là Tiểu đoàn 77 đã áp dụng phương pháp phát sóng để đánh chứ không đánh theo phương pháp 3 điểm. Trong quá trình huấn luyện và luyện tập phương án đánh B-52, các kíp chiến đấu của Tiểu đoàn đã luyện tập rất bài bản, nên tất cả các trận chiến thắng của chúng tôi đều đúng như phương án đã được tập trước.

Trong 12 ngày đêm của Chiến dịch, Tiểu đoàn 77 đã tham gia 17 trận đánh, trong đó có 15 trận thực hiện bằng phương pháp “phát sóng và đánh”, hạ gục 4 B-52, trong đó có 3 chiếc rơi tại chỗ. Tháng 7-1973, Tiểu đoàn 77 đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, riêng tôi và Sĩ quan điều khiển Nguyễn Văn Đức được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất.

Bùi Vũ  Minh (thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ