Những trận đánh nhau giữa 2 loài vật ăn thịt nếu có xảy ra thì thường ở vùng cửa sông, nơi có sự pha trộn giữa nước ngọt và nước mặn. Mặc dù có những giai thoại về sự đụng độ này nhưng cho đến nay, các trường hợp ghi nhận được rất hiếm.
Nhà nghiên cứu James Nifong của Đại học Kansas (Mỹ) đã quyết định tìm hiểu vấn đề và đưa ra báo cáo toàn diện nhất.
Trong đa số các trận chiến, cá mập đều yếu thế.
“Trong bài viết của mình, chúng tôi đã ghi lại những con cá sấu ăn thịt 3 giống cá mập và một giống cá đuối” – ông Nifong giải thích – “Trước đó, chỉ có vài quan sát từ một hòn đảo ngoài khơi Georgia, nhưng những phát hiện mới ghi lại sự đụng độ từ bờ biển Đại Tây Dương quanh bán đảo Florida tới Gulf Coast và Florida Panhandle”.
Ông cho biết “những phát hiện mới đưa ra câu hỏi làm thế nào mà cá mập và cá đuối lại trở thành món ăn của cá sấu?”
Tất nhiên, điều này không có nghĩa rằng cá mập luôn thua cuộc. Ông Nifong lưu ý rằng có một số báo cáo từ những năm 80 mô tả cuộc đụng độ giữa 2 loài vật và cá mập đã rất no bụng. Điều này thực sự phụ thuộc vào địa điểm giao tranh. Cá mập lang thang vào các vùng cửa sông thường là những con cá mập giống nhỏ hoặc còn non. Nếu một con cá sấu trôi ra biển và gặp cá mập trắng trưởng thành thì đa phần cá mập sẽ chiếm ưu thế.
Người ta còn biết đến xương hóa thạch của cá sấu từ thời kỳ khủng long thể hiện bằng chứng về nạn nhân của những con cá mập cổ đại. Do đó, nếu gặp nhau, số phận của 2 loài này sẽ phụ thuộc vào thời gian, địa điểm xảy ra trận chiến và chúng sẽ còn đánh nhau cho tới khi cả 2 bên vẫn còn tồn tại.
Nghiên cứu trên đã được xuất bản trên tạp chí Southeastern Naturalist.