Cuộc chiến chống ma tuý trên đỉnh Pù Hu và sự quyết tâm 'xanh' lại bản Tà Cóm

GD&TĐ - Những đứa trẻ ngày ngày nỗ lực đến trường, người nghiện sau khi cai đã biết đi tuyên truyền dân bản chống ma tuý.

Đoàn liên ngành gồm công an, bộ đội biên phòng, chính quyền địa phương đến từng gia đình tuyên truyền về tác hại của ma tuý.
Đoàn liên ngành gồm công an, bộ đội biên phòng, chính quyền địa phương đến từng gia đình tuyên truyền về tác hại của ma tuý.

Đặc biệt là dòng họ chống ma tuý cũng được thành lập. Tà Cóm đang dần trở thành “vùng xanh”.

Nỗ lực “hạ nhiệt” tệ nạn ma tuý

Tà Cóm từng được mệnh danh là “vùng lõm” ma túy khi cả bản có hơn 100 hộ thì khoảng 50% số hộ có người nghiện ma túy. Tuyên truyền là một trong những giải pháp quan trọng, nòng cốt để người dân Tà Cóm hiểu và tuân thủ pháp luật.

Không quản đường sá đi lại khó khăn, nắng mưa, đêm ngày… hàng loạt các hình thức tuyên truyền về phòng chống tệ nạn ma tuý được các lực lượng liên ngành tại Tà Cóm triển khai liên tục, linh hoạt, sáng tạo… Nhiều mô hình, cách làm hay về phòng chống ma tuý cũng được hình thành tại đây.

Đặc biệt, năm 2018, mô hình dòng họ chống ma tuý được ra đời; năm 2023 mô hình “Bản tự quản phòng chống ma tuý” cũng được thành lập. Từ đó, số người nghiện giảm đáng kể. Từ năm 2018 đến nay có gần 20 trường hợp tự nguyện đi cai nghiện.

7 năm trước, ông Lù A Mua (47 tuổi, bản Tà Cóm) dính vào “nàng tiên nâu”. Với A Mua, cơm có thể bữa đói, bữa no nhưng thuốc phiện thì không thể thiếu. Không đi làm, A Mua chỉ quanh quẩn bên ống điếu hút thuốc phiện.

A Mua có 6 mặt con thì 5 đứa phải nghỉ học do bố nghiện ma tuý. Người cha từ ngày dính vào thuốc phiện không đi làm gì được chỉ liêu xiêu trong cơn đói thuốc.

Được cán bộ đến tận nhà vận động, năm 2022, Lù A Mua quyết tâm đi cai nghiện. Một năm sau Lù A Mua trở về khi đã thoát khỏi được thuốc phiện. Từ ngày trở về, Lù A Mua bắt đầu đến từng nhà người nghiện vận động họ đi cai.

Không những vậy, trong các buổi tuyên truyền của đoàn liên ngành, Lù A Mua cũng nói cho bà con hiểu về tác hại của ma tuý, nỗi đau của ma tuý. Giờ đây, đứa con út cũng được A Mua động viên theo đuổi con chữ.

Trưởng bản Tà Cóm Thào A Sự phấn khởi cho biết, từ ngày có dòng họ, bản tự quản phòng chống ma tuý, việc tuyên truyền có hiệu quả. “Trước đây chưa ra đời mô hình dòng họ, bản tự quản phòng chống ma tuý, đường sá xa xôi, lực lượng biên phòng, công an, cán bộ mỏng nên chưa đi vào từng gia đình con nghiện tuyên truyền vận động được, dẫn đến con nghiện khá đông, nhận thức bà con hạn chế… Từ năm 2018 đến nay, hai mô hình này đã phát huy được hiệu quả rõ rệt.

Cuối năm, chúng tôi có đánh giá, tổng kết, bản, tổ nào, dòng họ nào làm được, dòng họ nào làm tốt thì chúng tôi khuyến khích, nêu gương; bản nào, dòng họ nào chưa tốt sẽ bị nhắc nhở”, Trưởng bản Tà Cóm chia sẻ.

Trưởng bản Thào A Sự cũng cho biết, dòng họ Hờ ở Tà Cóm là điển hình cho công cuộc đấu tranh chống ma tuý. Trước đây, dòng họ Hờ có số người nghiện đông nhất thì bây giờ chỉ còn 1 - 2 trường hợp.

Ban chỉ đạo của mô hình “Bản tự quản phòng, chống ma tuý” bao gồm Trưởng bản Tà Cóm và những người có uy tín trong bản. Mô hình sẽ chịu sự quản lý điều hành của Ban chỉ đạo và trực tiếp là Công an xã, Công an huyện.

Đoàn liên ngành tuyên truyền cho bà con trong bản về tác hại của ma tuý tại nhà văn hóa thôn.

Đoàn liên ngành tuyên truyền cho bà con trong bản về tác hại của ma tuý tại nhà văn hóa thôn.

Từng bước chuyển mình…

Song song với các mô hình đẩy lùi tệ nạn ma tuý, lực lượng Công an phối hợp với lực lượng Biên phòng kiên quyết đấu tranh, bắt giữ, xoá bỏ các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy.

Từ năm 2023 đến nay, Đồn Biên phòng Trung Lý đã chủ trì, phối hợp với lực lượng chức năng bắt giữ, khởi tố 6 vụ với 8 đối tượng phạm tội về ma tuý, thu giữ khoảng 200 viên ma tuý tổng hợp, 30 gram heroin và nhiều tang vật khác. Cũng từ năm 2023 đến nay, bản Tà Cóm đã vận động được 18 đối tượng cai nghiện tự nguyện…

Thiếu tá Nguyễn Đăng Nam, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Trung Lý, huyện Mường Lát cho biết: “Thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các lượng lượng chức năng tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương chính sách của Nhà nước về công tác phòng chống ma tuý, qua đó nâng cao nhận thức của người dân. Đồng thời phát động phong trào quần chúng nhân dân tham gia tố giác tội phạm, cam kết không bao che cho tội phạm ma tuý, không trồng và tái trồng cây thuốc phiện”.

Ông Lù A Mua sau khi đi cai nghiện về đã đến từng nhà tuyên truyền cho bà con.

Ông Lù A Mua sau khi đi cai nghiện về đã đến từng nhà tuyên truyền cho bà con.

Tà Cóm hiện có khoảng 10 đối tượng nghiện, 16 đối tượng thuộc diện quản lý sau cai nghiện, 23 đối tượng đang thi hành án phạt tù… Lực lượng chức năng vẫn tiếp tục tuyên truyền, vận động để các đối tượng tự nguyện đi cai nghiện. Người dân đã bắt đầu tập trung phát triển kinh tế hộ gia đình.

Ông Trương Văn Sự, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Lý, huyện Mường Lát, hồ hởi nói, vài năm trở lại đây, Tà Cóm tích cực chuyển mình, bà con nhân dân tích cực phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp tiểu học ra THCS đạt 100%.

Có lẽ với sự quyết tâm của lực lượng chức năng và sự nỗ lực của người dân, chặng đường đưa mảnh đất Tà Cóm trở thành “vùng xanh” về ma tuý có lẽ không còn xa, điều đó đồng nghĩa với việc đồng bào thoát khỏi cái nghèo sẽ không còn vời vợi…

Theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa bàn 11 huyện miền núi, biên giới tỉnh Thanh Hóa có 571 người nghiện ma tuý đang ngoài cộng đồng; 173 người sử dụng trái phép chất ma tuý; 427 người đang cai nghiện ma tuý.

Nguồn ma túy thẩm lậu vào địa bàn Thanh Hóa chủ yếu là từ khu vực “tam giác vàng” qua tuyến biên giới, hoặc từ các tỉnh Sơn La, Hòa Bình đi theo các tuyến Quốc lộ 217, 15C, 15A và một số tuyến đường mòn, đường sông, suối qua các huyện Quan Hóa, Lang Chánh, Ngọc Lặc đi xuống đường Hồ Chí Minh để vào nội tỉnh hoặc ra các tỉnh phía Bắc tiêu thụ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Đỗ Thị Hồi trong giờ lên lớp.

'Quả ngọt' của cô giáo vùng khó

GD&TĐ - Cô Đỗ Thị Hồi, Trường TH Lạc Hòa 1 (TX Vĩnh Châu, Sóc Trăng) là nữ giáo viên đầu tiên của tỉnh được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.