Cuộc cách mạng dang dở?

GD&TĐ - Chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn, không chỉ thay đổi sơ đồ chiến thuật và lối chơi, huấn luyện viên Gong Oh-kyun còn nâng tầm về ý thức cho các tuyển thủ U23 Việt Nam. Tuy nhiên, tham vọng mang đến cuộc cách mạng cho bóng đá Việt Nam của ông Gong có thể sớm lụi tàn.

Trận U23 Việt Nam (áo đỏ) hòa 1-1 trước U23 Hàn Quốc.
Trận U23 Việt Nam (áo đỏ) hòa 1-1 trước U23 Hàn Quốc.

Thay đổi về ý thức

Hành trình của U23 Việt Nam tại Vòng chung kết U23 châu Á đã dừng lại sau thất bại 0-2 trước U23 Ả-rập Xê-út ở vòng tứ kết. Thất bại này có để lại sự nuối tiếc, song chúng ta phải chấp nhận thực tế, U23 Việt Nam ở cửa dưới so với đội bạn. Ngoài ra, U23 Ả-rập Xê-út là đương kim Á quân của U23 châu Á và mang tới Uzbekistan một đội hình rất mạnh với không ít cầu thủ đã thành danh thuộc biên chế đội tuyển quốc gia.

Mặc dù không thể tiếp tục tạo nên kỳ tích nhưng thầy trò huấn luyện viên Gong Oh-kyun đã có một giải đấu thành công, tạo được nhiều dấu ấn tích cực và có được nhiều bài học kinh nghiệm quý giá cho tương lai. Trong đó, ông Gong mạnh dạn phá bỏ sơ đồ chiến thuật 3 trung vệ mà huấn luyện viên Park Hang Seo đã dày công xây dựng.

Đừng quên rằng, sau gần 5 năm làm việc với bóng đá Việt Nam, ông Park vẫn phải áp dụng công thức 5 hậu vệ với 3 trung vệ án ngữ trước cầu môn đội nhà mới có thể bảo vệ thành công tấm Huy chương Vàng bóng đá nam tại SEA Games 31.

Trong khi đó, “chân ướt, chân ráo” đến Việt Nam, ông Gong đã mạnh dạn áp dụng sơ đồ chiến thuật 4 hậu vệ giăng ngang với 2 biến thể là 4-3-3 và 4-1-4-1. Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Và cũng không hay, không nên đặt ông Gong và ông Park lên bàn cân để “luận anh hùng”. Thành công hay không, mỗi người có một cảm nhận riêng. Nhưng về mặt kết quả, U23 Việt Nam dưới tay ông Gong và cuộc cách mạng về chiến thuật đã gây sốc khi cầm hòa U23 Hàn Quốc, đội bóng được đánh giá rất cao với vị thế nhà đương kim vô địch trước khi dễ dàng hạ gục U23 Malaysia để giành quyền vào bán kết. Hay ở trận mở màn, chỉ chút nữa U23 Việt Nam đã giành trọn 3 điểm trước U23 Thái Lan, đội bóng đã tăng cường lực lượng đáng kể so với thời điểm dự SEA Games 31.

Không chỉ thay đổi theo sơ đồ chiến thuật khô cứng, sau 4 trận đấu tại vòng chung kết U23 châu Á, các cầu thủ U23 Việt Nam đã bắt nhịp rất tốt yêu cầu chuyển liên tục với đấu pháp pressing tầm cao. Điều đó giúp U23 Việt Nam có được sự chủ động, đĩnh đạc về mặt chiến thuật trước những đối thủ khó như Hàn Quốc hay Ả-rập Xê-út. Lối chơi phối hợp nhóm chưa thực sự nhuần nhuyễn nhưng đủ cho thấy dụng ý rất rõ ràng của ông Gong và rõ ràng, chiến lược gia người Hàn cần thêm nhiều thời gian, nhiều giải đấu thử nghiệm để hoàn thiện cuộc cách mạng của mình với U23 Việt Nam.

Bỏ lại đằng sau lối chơi 5 hậu vệ, luôn có số đông cầu thủ bên phần sân nhà để tạo ra hành lang an toàn từ giữa sân, U23 Việt Nam tại sân chơi châu lục lần này đã chơi đôi công khi cần thiết với sự hỗ trợ lớn về nhân lực. Nên nhớ rằng, ở SEA Games 31, U23 Việt Nam chơi tấn công khá bế tắc dù có sự phục vụ của 3 cầu thủ quá tuổi là Hùng Dũng, Hoàng Đức và Tiến Linh. Nhưng ở VCK U23 châu Á 2022, qua 3 trận vòng bảng, U23 Việt Nam đã ghi 5 bàn và tạo ra nhiều cơ hội ngon ăn trước 2 đối thủ sở hữu hàng phòng ngự rất chắc chắn là U23 Thái Lan và U23 Hàn Quốc.

Ngay cả trước đối thủ mạnh hơn hẳn như U23 Ả-rập Xê-út ở tứ kết, U23 Việt Nam đã có hiệp 1 vô cùng ấn tượng. Với lối đá pressing quyết liệt ngay từ trên sân đối phương cùng khả năng phát động tấn công ấn tượng của Văn Chuẩn, Việt Anh hay Tuấn Tài, U23 Việt Nam tạo nên một thế trận chắc chắn trước đội đương kim Á quân.

Thậm chí ở phút 36, Minh Bình suýt nữa làm nên chuyện khi tung cú sút mu lai má ngoài đưa bóng đập xà ngang khung thành U23 Ả-rập Xê-út. Tuy nhiên ở phút 41, các cầu thủ trẻ áo đỏ đã có một thoáng mất tập trung và nhận bàn thua khá đáng tiếc. Cũng từ bàn thua này, U23 Việt Nam đánh mất thế trận và nhận thất bại chung cuộc 0-2.

Sau trận tứ kết, chuyên gia Đoàn Minh Xương nhận định: “Do chủ quan, nghĩ rằng đội bạn sẽ phá bóng ra biên khi số 9 Feras nằm dài trên sân nên U23 Việt Nam đã không đeo bám quyết liệt. Lợi dụng sơ hở này mà Moteb đã đột phá qua 3 hậu vệ và sút hiểm hạ gục Văn Chuẩn. Đây là sơ sót có thể hiểu được với các cầu thủ trẻ mới lần đầu dự giải quốc tế. Các cầu thủ U23 Việt Nam chơi bóng quá hồn nhiên với sự non nớt pha chút cao thượng và phải trả giá đắt. Đây là bài học quý giá để các bạn trẻ trưởng thành và bản lĩnh hơn trong tương lai”.

Và cũng cần nhấn mạnh rằng, sự thay đổi của U23 Việt Nam dưới thời huấn luyện viên Gong Oh-kyun là cuộc cách mạng từ ý thức! Điều này thể hiện rõ qua phát biểu của ông Gong sau trận hòa U23 Hàn Quốc. Ông khẳng định đã lên mục tiêu đánh bại U23 Hàn Quốc.

Đoạn video trong phòng thay đồ U23 Việt Nam trước trận gặp Hàn Quốc đã ghi lại thông điệp rất rõ ràng, với tuyên bố rất mạnh mẽ và tự tin, như thể U23 Việt Nam là đội “cửa trên”, chứ không phải cách nói theo kiểu “sẽ cố gắng đạt kết quả tốt nhất”... Liệu pháp tinh thần này đôi khi còn quan trọng hơn cả yếu tố chuyên môn.

Ông Gong đã tạo nên sự thay đổi lớn cho U23 Việt Nam. Ông Gong đã tạo nên sự thay đổi lớn cho U23 Việt Nam.

Hiệu ứng mạnh mẽ

Niềm tin và sự công nhận từ người hâm mộ, cũng như rất nhiều chuyên gia chính là thành công lớn nhất của thầy trò huấn luyện viên Gong Oh-kyun. Trước giải đấu tại Uzbekistan, U23 Việt Nam không nhận được nhiều sự kỳ vọng. So với thế hệ vàng của Quang Hải, Văn Hậu, Công Phượng của năm 2018, những Văn Khang, Văn Chuẩn, Tiến Long, Tuấn Tài, Nhâm Mạnh Dũng, Văn Tùng, Thanh Bình, Việt Anh, Duy Cương ít nổi bật hơn và cũng chưa có nhiều kinh nghiệm thi đấu quốc tế.

Tuy nhiên, rất nhiều cầu thủ “vô danh” đã bước ra ánh sáng. Tuấn Tài đã ghi 1 bàn cùng 2 kiến tạo khi đụng độ U23 Thái Lan và U23 Hàn Quốc. Nhâm Mạnh Dũng tiếp tục tỏa sáng trong vai trò trung phong cắm với khả năng chơi rộng và đa năng. Văn Khang mới 18 tuổi, Duy Cương nổi bật với năng lượng ở tuyến giữa. Cặp đôi trung vệ Việt Anh và Thanh Bình vô cùng chắc chắn và phối hợp ăn ý cùng nhau. Văn Tùng và Tiến Long cũng có cho mình mỗi người 1 bàn thắng vô cùng đẹp mắt vào lưới U23 Thái Lan và U23 Hàn Quốc. Ông Gong đã sử dụng 22/23 cầu thủ có trong danh sách đăng ký.

Ngoài những gương mặt nổi trội trên, U23 Việt Nam là một tập thể chơi bóng gắn kết, kỷ luật và hiệu quả. Đặc biệt họ đã trình diễn lối chơi hiện đại và đậm chất cống hiến. Điều này giúp người hâm mộ chuyển từ trạng thái nghi ngờ sang thích thú và tin tưởng vào lứa cầu thủ trẻ trong tay huấn luyện viên Gong Oh-kyun. Chuyên gia Đoàn Minh Xương bình luận, hơn nửa đội hình của huấn luyện viên Gong Oh-kyun dự vòng chung kết U23 châu Á có thể khoác áo tuyển Việt Nam cuối năm dự AFF Cup và đầu năm sau là vòng chung kết Asian Cup.

“Nhìn vào bản lý lịch của ông Gong gần như chỉ đào tạo trẻ hoặc làm trợ lý cho các đội từ U17 đến U23 của Hàn Quốc, hay ở đội U20 Indonesia, phải thừa nhận ông có kinh nghiệm với bóng đá trẻ. Điều này lý giải cho việc ông làm tâm lý cho đội U23 Việt Nam rất tốt. Ông Gong vẫn giữ kiểu phòng ngự chặt chẽ cho U23 Việt Nam như dưới thời ông Park, như khi đá với Hàn Quốc đứng thật vững nhưng đã nâng cấp họ không chỉ phòng ngự số đông ở sân nhà, mà rất táo bạo dâng cao pressing tìm bàn thắng. Và các cầu thủ trẻ Việt Nam dưới tay ông Gong có tinh thần khát khao thể hiện mình” – ông Xương chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia Đoàn Minh Xương, cặp trung vệ Thanh Bình, Việt Anh có thể sử dụng ngay cho đội tuyển quốc gia. Tuấn Tài hay Văn Đô, Tiến Long đủ sức thay thế các đàn anh nơi hàng phòng ngự. Duy Cương thời ông Park đá trung vệ lệch trái, giờ đá tiền vệ rất hay, có thể hợp sức với Hùng Dũng, Hoàng Đức, Quang Hải tại AFF Cup 2022. Hàng tiền đạo tuyển quốc gia cũng không còn quá mỏng với Tiến Linh hay Tuấn Hải nữa, vì hiện có Nhâm Mạnh Dũng, Văn Tùng sẵn sàng cạnh tranh tốt.

Trận U23 Việt Nam (giữa) thua U23 Ả-rập Xê-út ở tứ kết. Trận U23 Việt Nam (giữa) thua U23 Ả-rập Xê-út ở tứ kết.

Giữa đường đứt gánh?

Phát biểu sau khi U23 Việt Nam thua U23 Ả-rập Xê-út, huấn luyện viên Gong Oh-kyun chia sẻ, vòng chung kết U23 châu Á là giải đầu tiên cũng như cuối cùng của ông.

“Đây là giải đầu tiên của tôi và cũng là cuối cùng. Tôi thấy cảm kích học trò và biết ơn họ rất nhiều. Đáng tiếc chúng tôi đã dừng chân trước một đội bóng mạnh ngay ở tứ kết, mặc dù, các cầu thủ đã thi đấu rất tốt để chứng tỏ mình. Tôi tin họ sẽ trưởng thành hơn trong 1 - 2 năm nữa. Tôi xin lỗi vì đội tuyển không có màn trình diễn tốt hơn. Hy vọng cầu thủ quên đi giải đấu này và trở về câu lạc bộ nỗ lực thể hiện tốt hơn, để mang về một tương lai sáng hơn” – ông Gong chia sẻ.

Theo tìm hiểu, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam chỉ ký hợp đồng một năm với ông Gong, bắt đầu từ tháng 3/2022 khi giao cho ông làm trợ lý của HLV Lee Yong-jil dự giải mời Dubai Cup. Tiếp đó, ông Gong trực tiếp huấn luyện U23 Việt Nam từ sau SEA Games 31 tham dự hai giải đấu U23 châu Á và ASIAD. Tuy nhiên, ASIAD dự kiến diễn ra vào tháng 9/2022 bị hủy do Trung Quốc còn bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên từ chối đăng cai... Vậy Liên đoàn Bóng đá Việt Nam có tính đến việc gia hạn hợp đồng với ông Gong Oh-kyun?

Được biết, nếu ASIAD được tổ chức, hiện chưa biết rõ thời điểm và thời gian, nhưng chắc chắn sau SEA Games 32 vào tháng 5/2023, hợp đồng của ông Gong không còn hiệu lực. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã có kế hoạch chuẩn bị cho các mục tiêu của năm 2023, trong đó có SEA Games 32. Ngay sau khi đội U23 Việt Nam từ Uzbekistan về nước, các bộ phận chuyên môn của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam sẽ đánh giá lại các mặt của đội tại giải U23 châu Á, những điểm được và chưa được, về năng lực của HLV Gong Oh-kyun.

Theo quy trình, bộ phận chuyên môn sẽ báo cáo thường trực Liên đoàn Bóng đá Việt Nam để có quyết định cuối cùng về tương lai của ông Gong Oh-kyun, xem xét việc có gia hạn hay không. Theo điều khoản của hợp đồng, 90 ngày trước khi hợp đồng kết thúc, các bên sẽ ngồi với nhau để thương thảo việc dừng hay sẽ gia hạn. Nhưng có thể, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và huấn luyện viên Gong Oh-kyun sẽ làm việc với nhau sớm hơn.

Lý thuyết là thế, nhưng chưa có gì bảo đảm Liên đoàn Bóng đá Việt Nam sẽ gia hạn với ông Gong. Nghịch lý ở chỗ, bóng đá Việt Nam vẫn sẽ trả lương 7 tháng tiếp theo cho ông Gong và để cho ông ấy “ngồi chơi xơi nước”. Điều này có lẽ chỉ người trong cuộc mới biết các điều khoản cụ thể trong hợp đồng. Nhưng trả 7 tháng lương và để ông Gong không làm gì có phải rất lãng phí? Đặc biệt, bản thân ông Gong cũng không vui và thoải mải khi nhận những đồng lương trong khi mình không làm gì?

Vậy tại sao Liên đoàn Bóng đá Việt Nam không xây dựng kế hoạch cho U23 Việt Nam cùng ông Gong có nhiều đợt tập trung ngắn ngày? Những đợt tập huấn đó sẽ là cơ hội tốt để ông Gong chỉnh sửa và hoàn thiện cuộc cách mạng về chiến thuật, ý thức cho các cầu thủ trẻ Việt Nam, đồng thời ông cần thời gian đi tuyển quân cho những mục tiêu dài hạn. Không chỉ là SEA Games 32, diễn ra vào tháng 5, U23 Việt Nam cần tính đến sân chơi lớn như vòng loại U23 châu Á 2024, vòng loại Olympic Paris 2024...

Hay phải chăng, quan điểm về chiến thuật của ông Gong với U23 Việt Nam và ông Park ở đội tuyển quốc gia có độ vênh quá lớn nên Liên đoàn Bóng đá Việt Nam phải cân nhắc, “hỏi ý kiến” mới có thể xác định tương lai của ông Gong? Cũng đã có ý kiến cho rằng, đáng ra ông Gong phải chơi phòng ngự số đông trước U23 Ả-rập Xê-út. Bởi vậy, tương lai của ông Gong với bóng đá Việt Nam chưa thật rõ ràng!

Sau 2 trận đấu đầu tiên của vòng bảng, huấn luyện viên Gong Oh-kyun thậm chí còn nói lời xin lỗi vì chưa thể mang về chiến thắng cho U23 Việt Nam. Đây là phát biểu đi ngược với tâm lý thông thường bởi trên thực tế, 2 điểm giành được trước 2 đối thủ mạnh nhất bảng đã là thành công với U23 Việt Nam. Phát biểu của ông Gong nghe đơn giản nhưng lại thể hiện rất rõ phong cách huấn luyện của ông. Trước khi tác động vào chuyên môn, ông thực sự muốn các cầu thủ thay đổi ý thức, quan điểm về thắng/bại, mạnh/yếu khi ra sân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.