Đồng hành cùng con
Không giống như học tập trên lớp, có sự hướng dẫn, tương tác, giám sát trực tiếp của giáo viên GV chủ nhiệm hoặc thầy cô bộ môn với mỗi lớp và từng HS, học trực tuyến đòi hỏi tính tự giác cao trong học tập của HS. Đặc biệt với HS ở những lớp học nhỏ càng cần sự đồng hành của bố mẹ để giúp các em khắc phục những hạn chế của các hình thức học tập mới.
Anh Nguyễn Xuân Thanh - phụ huynh của 2 con học tại Trường TH Quỳnh Mai và THCS Quỳnh Mai (quận Hai Bà Trưng - Hà Nội) chia sẻ: Hình thức học thay đổi đòi hỏi trẻ phải thay đổi thói quen học tập hàng ngày. Nếu ở nhà một mình sẽ rất khó để tự giác ngồi vào bàn học, đặc biệt với HS tiểu học. Chính vì vậy, thời gian này vợ chồng tôi phải chia nhau về thời gian để kèm cặp, nhắc nhở liên tục việc học của 2 con. Thường xuyên ngồi cạnh để học cùng con, kiểm tra kiến thức và bài tập con làm. Những chỗ cô giáo giảng mà con chưa hiểu, bố hoặc mẹ sẽ giảng lại. Cũng có những phần kiến thức bố mẹ “bó tay” thì ghi chú lại để tìm hiểu thêm hoặc nhắc con gọi điện hỏi cô.
Những ngày này, vợ chồng anh Hà Trung Dũng có 2 con học tại Trường THCS Khương Thượng (Đống Đa, Hà Nội) cũng phải sắp xếp lại công việc để cùng con học bài. Chị Nguyễn Thị Thơm, vợ anh Dũng, chia sẻ: “Trước đây, việc học tại nhà của 2 con chủ yếu là làm bài tập trong SGK hoặc cô giáo phát về, bố mẹ chỉ cần kiểm tra xem con đã làm đủ bài chưa, hoặc thi thoảng gợi ý giảng lại một số bài khó con chưa làm được. Nay việc học cùng con lại hoàn toàn khác, vào thời điểm học trực tuyến bố mẹ gần như gác mọi việc để ngồi học cùng con. Hơn thế, bố mẹ còn phải nắm chắc thời khóa biểu từng buổi học trực tuyến trên truyền hình và cô dạy để chủ động cùng con lên lịch học phù hợp tại nhà”.
Đặc biệt vợ chồng anh Dũng, chị Thơm còn cắt cử nhau cùng kiểm tra việc làm bài tập cô giao, làm bài tập trên máy có kết quả chấm điểm ngay… để có sự hỗ trợ phù hợp kịp thời. “Tôi công tác tại một trường MN ngoài công lập, được nghỉ dài ngày nên cũng có thời gian sát sao với việc học tập của 2 con hơn các phụ huynh khác. Nếu thời điểm này trẻ được ở nhà và tự cầm điện thoại, máy tính để học online, tôi nghĩ cũng khó để bảo đảm hiệu quả như được bố mẹ kèm cặp thường xuyên…”, chị Thơm bày tỏ.
Chị Nguyễn Thị Bảy (phố Phan Đình Giót – Hà Nội) lại cho rằng: Các con thường chỉ có thể tập trung vào đầu buổi học và sau đó sẽ dần chán khi nhìn vào màn hình máy tính hoặc tivi trong khoảng thời gian dài. Thậm chí, nhiều khi trên truyền hình cô vẫn giảng nhưng con đã ngủ gật trên ghế. Vì vậy, trong lúc con học trực tuyến qua truyền hình hoặc online, bố mẹ vẫn phải ngồi cạnh, hoặc kín đáo quan sát nhiều lần để nắm bắt việc học tập.
Nâng cao ý thức tự học
Cô Nguyễn Hồng Hải – GV Trường THPT Phạm Hồng Thái (Ba Đình, Hà Nội) cho rằng: Khi chuyển đổi hình thức học tập từ trực tiếp sang trực tuyến, HS có sự bỡ ngỡ, bất ngờ không nhỏ và không phải em nào cũng thích nghi ngay. Tuy nhiên, dù là trực tuyến hay trực tiếp, muốn phát huy hiệu quả đều cần ý thức tự học của HS. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc nghỉ học có thể còn kéo dài, dạy học online là một giải pháp hữu hiệu trong tình huống hiện tại, nâng cao ý thức học tập, tinh thần tự học là “chìa khóa” để HS tiếp cận được kiến thức.
Anh Nguyễn Ngọc Tùng (Văn Giang – Hưng Yên) cũng nhận định: Nhiều trường đã đầu tư mạnh tay cho việc chi trả lương GV, đầu tư máy móc để triển khai dạy học trực tuyến… Song dù có đầu tư lớn về nguồn lực thì yếu tố quan trọng tạo nên hiệu quả của việc dạy học trực tuyến vẫn nằm ở sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình. Trong đó, cần chú trọng tới rèn ý thức tự học từ đó giúp HS có khả năng chủ động và linh hoạt với các giải pháp, tình huống học tập. Thiếu ý thức tự học, sẽ khiến HS trở nên bị động và ngại học khi có sự thay đổi và chưa bắt kịp cách thức học.
Thầy Hà Trần Hồng – Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Khao Mang (Mù Cang Chải – Yên Bái) trao đổi: Học trực tiếp hay trực tuyến, giao bài qua Zalo, chat zoom để HS làm… đều đòi hỏi ý thức tự học. Việc học tại nhà, hiệu quả tới đâu vẫn phụ thuộc vào chính bản thân HS có tự học hay không. Với những HS ở lứa tuổi nhỏ cần thiết sự đồng hành của phụ huynh để khắc phục hạn chế của các hình thức học tập trực tuyến. Tuy nhiên với HS từ bậc THCS trở lên lại đòi hỏi ý thức tự học của HS nhiều hơn bên cạnh sát sao, kèm cặp từ thầy cô, gia đình để việc học tập thêm hiệu quả.
Học trực tuyến chưa phổ biến với HS Việt Nam nên khi bước vào học trực tuyến ít nhiều HS cần thời gian để tiếp cận, hợp tác trong học tập. Như vậy, để có được hiệu quả giáo dục cao nhất vẫn phụ thuộc không nhỏ vào sự chủ động trong ý thức học tập của HS. Cha mẹ, thầy cô cần kề vai sát cánh với HS trong việc thay đổi hình thức học tập và nâng cao ý thức tự học. - Cô Nguyễn Hồng Hải