Củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam

Củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam

Dự án sẽ được chính thức triển khai từ tháng 10/2020 đến hết tháng 9/2021 với sự kết nối chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ cũng như với các nghệ sĩ và những người thực hành sáng tạo trong cả nước, được thực hiện với sự hỗ trợ từ Quỹ quốc tế vì Đa dạng Văn hóa (viết tắt là IFCD), nằm trong khuôn khổ Công ước 2005 về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa của UNESCO.

Dự án sẽ triển khai một loạt các hoạt động nhằm cải thiện việc bảo vệ và nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam, thực hiện các nhiệm vụ đặt ra trong Chiến lược Phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2020, đóng góp vào sự phát triển bền vững của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo trong nước.

Ba mục tiêu cụ thể của Dự án:

Đánh giá được tổng quan thực trạng về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam để xây dựng nhận thức chung và hiểu biết thực tiễn về khuôn khổ pháp lý về sở hữu trí tuệ cho các ngành văn hóa và sáng tạo.

Nâng cao năng lực thể chế trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các lĩnh vực văn hóa sáng tạo thông qua một chuỗi các khóa đào tạo dành cho cán bộ nhà nước các cấp, các ngành liên quan.

Đẩy mạnh, nâng cao nhận thức và củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ cho các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo tại Việt Nam thông qua các khóa đào tạo cơ bản về sở hữu trí tuệ dành cho các nghệ sĩ và người hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo.

VICAS và Hội đồng Anh, với kinh nghiệm là đối tác chiến lược trong nhiều dự án hỗ trợ cho sự phát triển của ngành văn hóa nghệ thuật và sáng tạo ở Việt Nam, đặt ra những cam kết cao trong việc phối hợp làm việc với mạng lưới nghệ sĩ và người thực hành nghệ thuật sáng tạo trong dự án này. Những nghiên cứu của VICAS và Hội đồng Anh cho thấy một số lượng lớn các nghệ sĩ và người thực hành nghệ thuật sáng tạo bày tỏ quan điểm về sự yếu ớt trong công tác bảo vệ quyền Sở hữu trí tuệ, cũng như nỗi bức xúc khi sự xâm phạm bản quyền vẫn đang diễn ra tràn lan.

Nghiên cứu cũng chỉ ra những hạn chế trong hiểu biết của người dân nói chung và cộng đồng sáng tạo nói riêng về ảnh hưởng tiêu cực mà việc sao chép và vi phạm bản quyền có thể gây ra cho ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo. Tuy vẫn có một số lượng người nhận thức được về những hành vi vi phạm đó, họ cho rằng sự ràng buộc pháp luật về vấn đề này còn mong manh và chưa dễ gì để có đủ minh chứng truy tố những hành vi sai phạm này.

Dự án mong muốn sẽ đem đến những hiểu biết có ích và kỹ năng thực tiễn cho nghệ sĩ và người thực hành nghệ thuật sáng tạo để nâng cao khả năng bảo vệ quyền lợi và những sản phẩm mình tạo ra trước những xâm phậm về quyền sở hữu trí tuệ qua một loạt các hoạt động như workshop, xây dựng công cụ hướng dẫn căn bản về sở hữu trí tuệ, đối thoại và tiếp cận với các cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ. Đồng thời, đặt mục tiêu lâu dài là hỗ trợ cho sự phát triển đồng đều và bền vững của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam.

PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và là Trưởng ban quản lý dự án cho biết: "Qua việc hỗ trợ tăng cường hiệu quả thực thi và nâng cao năng lực cho các bên tham gia, Dự án sẽ giúp tạo ra các cơ hội để các ngành văn hóa, nghệ thuật và sáng tạo có thể phát triển hơn nữa, và đem lại lợi ích thiết thực về cả kinh tế, văn hóa và xã hội cho nghệ sĩ, người thực hành sáng tạo, cộng đồng khán giả và những người tiêu dùng sản phẩm và dịch vụ văn hóa sáng tạo ở Việt Nam".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất ở Ba Lan

Ba Lan mất dấu xe tăng gửi Ukraine

GD&TĐ - Một nhà phân tích quân sự Ba Lan cho biết, không rõ Ba Lan hiện đang có bao nhiêu tăng T-72, bởi không rõ Warsaw đã tặng bao nhiêu loại xe này cho Kiev.