Về bản Dự thảo Quy chế tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia và Tuyển sinh ĐH, CĐ Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến rộng rãi…, ông có thêm ý kiến đóng góp gì không?
- Về cơ bản tôi đồng tình với bản dự thảo Bộ đưa ra. Tuy nhiên có một điểm hiện nay là các trường thành viên của đại học còn băn khoăn.
Thứ nhất là mình phát 4 phiếu điểm thì như vậy tạo thuận lợi cho thí sinh được có cơ hội lựa chọn và đăng kí vào nhiều ngành. Các em có thể đăng kí nhiều ngành ở nhiều trường khác nhau, nhưng đồng thời các em vẫn có quyền được rút đơn.
Chúng tôi cho rằng sẽ có khả năng dẫn đến số lượng thí sinh đăng kí vào một ngành nào đó sẽ ảo rất nhiều. Như vậy nếu như gọi ít thí sinh để đảm bảo được định mức theo dự kiến và không vượt quá 5% theo quy định của Bộ GD&ĐT mà ảo nhiều quá, thí sinh không vào hoặc vào ít cũng là vấn đề gay go cho các trường. Cho nên vấn đề dự báo tuyển sinh năm nay cũng đáng phải bàn.
Tôi cho rằng, khi ban hành quy chế chính thức nên giảm thấp số lượng phiếu điểm phát ra so với số trong bản dự thảo quy chế hiện nay.
Đồng thời quy định khi đăng kí dự tuyển vào ngành nào thì đăng kí dứt điểm vào ngành đó, nếu không sẽ có tình trạng thí sinh rút đi rút lại đăng kí nguyện vọng.
Cuối cùng là câu chuyện quản lý công tác tuyển sinh. Có thể một số đơn vị trường chấp nhận phiếu báo điểm photocopy. Trong quy chế chính thức phải có quy định quản lý chặt khâu này để đảm bảo tính nghiêm minh.
NGND GS.TS Đặng Kim Vui - Giám đốc Đại học Thái Nguyên |
Năm nay trong kế hoạch chuẩn bị cho các kỳ thi của trường có gì khác nhiều so với những năm trước đây thi “3 chung” không? Đồng thời công tác phối kết hợp với chính quyền các tỉnh, các lực lượng hỗ trợ, đảm bảo cho kỳ thi sẽ như thế nào, thưa ông?
- Thái Nguyên là cụm thi lớn đã có nhiều kinh nghiệm tuyển sinh “3 chung” hơn 10 năm nay. Có những năm ĐH Thái Nguyên tổ chức thi tuyển với số lượng lớn thí sinh đăng kí dự thi 2 đợt là trên 70.000 đến gần 80.000 người.
Có thể nói trong suốt quá trình nhiều năm tổ chức thi “3 chung”, ĐH Thái Nguyên đã có kinh nghiệm và thực hiện quy trình một cách rất nghiêm túc, không để lại những sai sót nào lớn tạo được niềm tin cho thí sinh, cho đồng bào, nhân dân trong khu vực miền núi phía Bắc cũng như tất cả thí sinh các nơi đến dự thi.
Năm nay, Thái Nguyên sẽ là cụm tổ chức thi cho thí sinh trong tỉnh và một số tỉnh trong vùng và hoàn toàn dựa vào số lượng thí sinh do Bộ GD&ĐT giao. Chúng tôi cho rằng đây sẽ là một cụm thi lớn khoảng 40.000 - 50.000 thí sinh.
Chúng tôi cũng đã đi kiểm tra sơ bộ về cơ sở vật chất của ĐH Thái Nguyên cộng với cơ sở vật chất của các trường CĐ, TCCN, trường THPT trên địa bàn đủ đáp ứng tổ chức thi cho 50 - 60.000 thí sinh đợt này.
Vì tập trung thi một đợt với số lượng thí sinh lớn, chắc chắn năm nay mọi công tác sẽ được ĐH Thái Nguyên tăng cường: phải huy động lực lượng mạnh hơn, phối kết hợp đồng bộ hơn các lực lượng công an, quân đội, điện lực, y tế, thanh niên tình nguyện... để đảm bảo các công tác đề thi, coi thi, chấm thi.
Trong những năm qua tổ chức thi “3 chung” ĐH Thái Nguyên nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ chính quyền địa phương cũng như Quân khu 1 về kế hoạch an ninh, phòng cháy, giao thông. Cả phương án đảm bảo thi trong điều kiện lũ lụt đều có phương án tác chiến.
Mỗi đợt thi là hàng trăm cán bộ công an tham gia hỗ trợ kỳ thi. Có những cán bộ nằm hoàn toàn một tháng ở trong khu vực in sao đề thi để đảm bảo bí mật an toàn đề thi. Những cán bộ khác phục vụ liên tục cho công tác làm phách rồi theo dõi bảo vệ bài thi.
Thanh tra thi là công tác mấu chốt góp phần đảm bảo cho kỳ thi diễn ra nghiêm túc, đúng quy chế và công bằng giữa các thí sinh. Vậy theo ông, năm nay công tác thanh tra thi sẽ được tổ chức theo hướng nào?
- Tôi cho rằng năm nay là năm đầu tiên chúng ta tổ chức một kỳ thi quốc gia nhằm hai mục đích cho nên khâu thanh tra phải đảm bảo được những mục tiêu:
Thứ nhất là: Kiểm soát các khâu trong quá trình chuẩn bị cơ sở vật chất, tiếp nhận in sao đề thi, coi thi, chấm thi, xét tuyển... có tốt không. Công tác giám sát càng cụ thể càng tốt, có phương án rõ ràng thì sẽ càng tránh được những cái sai sót.
Thứ hai là: Trong quá trình thực hiện thì có tuân thủ nghiêm túc vấn đề quy chế thi của Bộ GD&ĐT hay không. Thanh tra không chỉ là xử lý vụ việc mà còn phải là tìm hiểu xem cán bộ điểm thi, cụm thi thực hiện có đúng quy trình không và phát hiện sớm những vấn đề lỗ hổng để chấn chỉnh kịp thời.
Đồng thời cũng phải phối hợp với các cơ quan an ninh để có những phương án đảm bảo an toàn, bảo mật đề thi, chấm thi, phòng chống cháy nổ...
Năm nay tổ chức thi trên quy mô lớn nên tôi cho rằng bên cạnh đoàn Thanh tra lưu động của Bộ GD&ĐT, có thể thành lập Ban Thanh tra của cụm thi.
Trong đó Thanh tra của Đại học làm nòng cốt và có thể mời thêm những cán bộ của các Sở GD&ĐT địa phương cùng tham gia công tác thanh tra.
Trong quá trình thi như những năm vừa qua thì ngoài thanh tra của Bộ đến kiểm tra, Ban Thanh tra của cụm thi phải tự thanh tra, giám sát thường xuyên trong tất cả các khâu của kỳ thi. Và cũng đặc biệt tập trung vào những ngày tổ chức thi, sau đó là tổ chức làm phách tổ chức chấm thi.
Công tác thanh tra thi hiện nay theo tôi bây giờ không phải một nhóm 4 - 5 người nữa mà thành lập một đội thanh tra lớn hoặc là nhóm đi kiểm tra.
Trong cả quá trình thực hiện luôn phải có sự thanh tra giám sát để xem mình có làm đúng quy trình, quy chế không chứ chưa nói đến việc xử lý các vụ việc. Cũng phải có những phương án phát hiện các vấn đề về gian lận thông qua công nghệ cao.
Trong công tác này vai trò của trưởng điểm cực kỳ quan trọng. Từ trước tới nay ĐH Thái Nguyên là cụm thi lớn, phân ra thành nhiều điểm. Tại mỗi điểm thi có một trưởng điểm.
Chúng tôi tiến hành giao nhiệm vụ rất cụ thể cho các trưởng điểm thi từ chuẩn bị đầy đủ về các vấn đề cơ sở vật chất, kiểm tra, kiểm soát theo đúng tiêu chuẩn phòng thi, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thực hiện cho kỳ thi tại điểm thi, tổ chức tập huấn cho giáo viên, cán bộ coi thi, cho nhân viên. Rồi tổ chức các buổi thi theo đúng quy trình và quy chế của Bộ.
Nếu sai sót trong khâu nào đó thì đồng chí trưởng điểm thi sẽ phải chịu trách nhiệm. Các trưởng điểm thi có toàn quyền thay mặt chủ tịch hội đồng để giải quyết các công việc ở điểm thi theo đúng quy chế của Bộ.
Những việc nào mang tính chất là thủ tục đối với thí sinh giải quyết được là giải quyết ngay tại chỗ đó luôn. Nếu có những vấn đề gì lớn thì chúng tôi phải vào cuộc ngay, huy động các lực lượng khác hỗ trợ để kịp thời xử lý, báo cáo Ban Chỉ đạo thi quốc gia.
Xin cảm ơn thầy!