Cục Khảo thí trả lời khúc mắc về việc xét chọn đội tuyển Olympic quốc tế

Cục Khảo thí trả lời khúc mắc về việc xét chọn đội tuyển Olympic quốc tế

(GD&TĐ) - Ngày 11/6, Báo Người đưa tin đăng bài của tác giả Tuấn Nghĩa liên quan đến việc chọn đội dự tuyển Olympic Toán học và Vật lí quốc tế năm 2013. Ngày 13/6, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) đã có công văn 636/KTKĐCLGD-KT gửi Tổng Biên tập Báo Người đưa tin trao đổi làm rõ thêm các nội dung của bài báo.

Công văn do Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng  Trần Văn Kiên ký ngày 13/6 - ghi rõ:

Khoản 1 Điều 34 Quy chế thi chọn học sinh giỏi quốc gia hiện hành quy định: “Sau khi hoàn tất việc chấm điểm bài thi các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, xếp thứ tự số phách theo điểm thi từ cao xuống thấp để xét chọn thí sinh tham gia tập huấn chuẩn bị dự thi Olympic khu vực và quốc tế, đảm bảo số thí sinh được tuyển chọn không vượt quá 1,5 lần số học sinh của đội tuyển mỗi môn thi”.

Trong kỳ thi chọn các đội tuyển Olympic năm 2013 các môn Toán học, Hóa học, Sinh học và Tin học đã chọn được số học sinh tham dự tập huấn gấp 1,5 lần số học sinh của mỗi đội tuyển dự thi quốc tế. Riêng môn Vật lí do nước chủ nhà Đan Mạch ấn định thời gian đăng ký danh sách đội tuyển cuối cùng là ngày 20/5/2013.

Do đó, cần có quyết định đội tuyển chính thức trước khi tập huấn trong nước, nên không thể thực hiện việc chọn 1,5 lần số học sinh để tập huấn, kiểm tra như các môn khác.

Ngày 13/5/2013 Bộ GD&ĐT ra Quyết định chọn 05 học sinh theo thứ tự điểm thi từ cao xuống thấp trong kỳ thi chọn các đội tuyển Olympic năm 2013 để thành lập đội tuyển Olympic Vật lí năm 2013. Việc này không trái với quy định của Quy chế thi hiện hành; nội dung bài báo đưa ra là không có căn cứ.

Việc gia đình học sinh Nguyễn Huy Tùng có thắc mắc về quá trình tập huấn:

Trường ĐHSP Hà Nội chỉ là đơn vị được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ chủ trì tập huấn, không thực hiện việc triệu tập học sinh.

Theo Kế hoạch ban đầu, Trường ĐHSP Hà Nội ấn định kiểm tra vào các ngày 18/5, 23/5 và 30/5. Tuy nhiên, nếu tổ chức vào ngày 30/5 thì việc chấm thi, xét chọn và báo cáo kết quả về Bộ trong những ngày đầu tháng 6 sẽ quá gấp. Hơn nữa, do lịch thi đột xuất, tối 25/5, Phó ban ra đề kiểm tra phải đi công tác nước ngoài.

Vì những lý do trên, Trường ĐHSP Hà Nội đã quyết định thay đổi lịch kiểm tra: kiểm tra bài cuối cùng vào ngày 25/5 thay vì ngày 30/5. Việc thay đổi lịch này đã được thông báo cho tất cả các học sinh tập huấn. Không có chuyện đột ngột thay đổi lịch kiểm tra nên tại buổi kiểm tra ngày 25/5 đủ 100% học sinh tham dự.

Quá trình tập huấn diễn ra nghiêm túc, đảm bảo công bằng đối với tất cả học sinh, không có học sinh nào được luyện tập riêng rẽ. Sau khi xem lại các đề kiểm tra thấy rằng đề kiểm tra lần thứ nhất có câu hỏi trùng lặp về ý tưởng với đề thi Olympic Bungari 1997 là không vi phạm quy chế thi chọn học sinh giỏi quốc gia hiện hành.

Nhằm đảm bảo cho kết quả kiểm tra khách quan, công bằng, chọn đúng học sinh có năng lực thực sự vào đội tuyển đi thi Olympic quốc tế, Trường ĐHSP Hà Nội đã mời các Giáo sư, chuyên gia giỏi ở các đơn vị: ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP.HCM, Viện Toán học phối hợp cùng các giảng viên Khoa Toán của Trường tham gia các khâu ra đề kiểm tra, coi kiểm tra, chấm kiểm tra.

Riêng Trường THPT Chuyên ĐHSP Hà Nội, vì có học sinh trong đội dự tuyển nên cán bộ của trường không tham gia các khâu này. Kết quả chấm bài kiểm tra của các học sinh có điểm phân hóa rất khác nhau, cao nhất là 55,5 điểm và thấp nhất là 19,5 điểm.

Do đó, ý kiến cho rằng đề thi kém chất lượng là không có cơ sở.
 

Lập Phương

 
 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.