Đại đức Thích Chúc Tiếp, vị sư chủ trì ngôi chùa cho biết: Hiện nhà chùa đang cưu mang 20 cháu đến từ các miền Bắc, Trung, Nam. Mỗi cháu lại có một hoàn cảnh éo le riêng: Mồ côi cả bố lẫn mẹ; bố mẹ còn sống nhưng rơi vào cảnh lao lý tù đày; bố mẹ đi làm ăn xa hoặc do bị bệnh tâm thần… Các cháu được người thân mang đến cửa chùa gửi gắm.
Về chốn bình yên
Ngồi ở nhà trà (nhà tiếp khách) nhìn ra khuôn viên chùa, tôi lắng nghe tiếng mõ đều đặn rơi vào hư không, cảm nhận một ngày Đông tịch mịch nhưng không buồn. Bởi sân chùa luôn có bóng người đi lại, nhiều nhất là đám trẻ, đứa quét lá, đứa dọn rác, đứa tranh thủ cùng các vãi nhặt rau, thổi cơm chiều.
Dù mỗi cháu một hoàn cảnh, một độ tuổi, đến ở chùa trên những con đường khác nhau, nhưng khi về cửa thiền, Đại đức Thích Chúc Tiếp luôn răn dạy các cháu tu tâm, tĩnh trí, phấn đấu hướng lòng mình về nẻo thiện. Đại đức hướng dẫn cho các cháu biết sống thương yêu, biết chăm sóc cho nhau như anh em ruột thịt. Bản thân các cháu cũng ngộ được: Chỉ có nơi này mới cho mình sự bình yên.
Làn gió đầu Đông ào qua khiến đám lá vàng mới rụng tung lên thành vòng xoáy, rồi lả tả rơi. Tôi nhủ thầm: Vậy là xong một kiếp lá để luân hồi sang một kiếp mới. Nhưng còn đây bao phận đời thơ trẻ, bởi căn duyên nên vào chốn thiền môn, lớn lên cùng tiếng mõ thanh tịch. Dù đang tuổi hồn nhiên, song tôi vẫn nhận thấy trên khuôn mặt các cháu vương vấn, bi luỵ nỗi khổ cực từng nếm trải.
Dù chẳng muốn kể ra, nhưng vẫn phải nói - nói cho nhẹ lòng. Như trường hợp của cháu Chu Ngọc Hải, 12 tuổi, quê ở TP Sông Công (Thái Nguyên). Do cuộc sống túng quẫn, bố nát rượu, ngày nào cũng lôi em ra đánh đập dã man. Bà con chòm xóm thương lắm, bảo nhau lên chùa nhờ Đại đức Thích Chúc Tiếp độ lòng cưu mang. Đại đức nhớ lại: Đầu năm 2015, người thân đưa Hải lên gửi cửa chùa, khắp người cháu đầy những vết bầm dập, đen tím vì đòn roi bố đánh.
Không bị đòn roi như Hải, nhưng Nguyễn Minh Trí, 10 tuổi, quê ở TP Thái Nguyên, có hoàn cảnh éo le. Mẹ đi làm ăn xa, Trí ở với bà ngoại. Bà ngoại mất. Mẹ về, dắt Trí lên chùa nhờ cậy từ cuối năm 2014. Khó khăn là Trí bị hội chứng tăng động, giảm chú ý.
Ngoài lúc ngủ, Trí đi lại suốt ngày, nói suốt ngày nên phải bỏ dở việc học hành. Đại đức cho Trí về ở hẳn trong chùa, hướng dẫn cho cháu học văn hoá, học kinh nhà Phật. Đại đức cho biết: Trí có trí nhớ rất tốt và bắt đầu sống có nền nếp. Trí chăm chỉ học kinh kệ, thuộc nhiều giáo lý và biết làm một số công việc lặt vặt trong chùa giúp các vãi.
Hằng ngày, ngoài công việc nhà chùa, vãi Hương, vãi Châm, vãi Nghĩa còn chăm lo cho các cháu bữa ăn, giấc ngủ. Khi đau yếu, vãi đưa các cháu đi khám, chữa bệnh. Lòng từ bi của các vãi tạo dựng được trong tâm hồn các cháu một đức tin thánh thiện. Các cháu đều coi các vãi như người thân của mình.
Một góc sân chùa, dưới tán cây rậm rạp, Nguyễn Duy Khang, 14 tuổi, quê ở Đại Từ đang ngồi đọc sách. Trò chuyện với Khang, tôi biết: Vì mẹ bị thiểu năng trí tuệ, Khang phải ở với bà ngoại. Năm 2011, bà ngoại cháu dắt về chùa, nước mắt đầy mặt vì thương cháu có mẹ mà như trẻ mồ côi. Bà cụ bảo: Tôi sống nay, chết mai, xin nhà chùa mở lòng từ bi, mở chữ hỷ xả cho cháu được nương nhờ cửa Phật.
Hai chị em Nguyễn Ngọc Yến Vi, 13 tuổi và Nguyễn Hoàng Gia Bảo, 10 tuổi, quê ở huyện Phú Lương cũng phải chịu nhiều cay tủi. Khi bố mẹ ra toà làm thủ tục ly hôn, cả 2 người đã dành nhau được nuôi con. Nhưng một ngày, người mẹ ôm 2 con vào lòng, dặn dò trong nước mắt trước khi gửi con lên chùa rồi đi đâu biệt tích. Từ ngày đó đến giờ, chỉ có bố các cháu thỉnh thoảng có đảo qua thăm hỏi rồi về…
Cũng có nhiều cháu được bố mẹ gửi lên chùa với tâm nguyện cho cháu được học giáo lý nhà Phật. Đó là những phụ huynh mộ đạo, hiểu đạo, hiểu đời, như trường hợp của phụ huynh cháu Nguyễn Văn Hùng, quê ở Thanh Hoá. Hiện Hùng đang theo học Trường Trung cấp Phật giáo ở Bắc Ninh. Hằng tháng, vào ngày mùng một, ngày rằm, Hùng đều về chùa giúp Đại đức và các vãi chăm nom các em nhỏ.
Hôm tôi lên chùa, Hùng cũng mới từ Bắc Ninh về thăm nhà chùa và đang cùng các bạn tập vẽ. Hùng thích nhất vẽ tranh phong cảnh, tranh về đạo Phật và thích viết chữ Nho. Trò chuyện với Hùng hồi lâu, chợt tôi để ý cậu thanh niên mặc áo nâu sòng gần đó đang chăm chú vẽ một đoá hoa sen.
Hùng cho biết đó là Dương Quang Linh, quê ở ngay huyện Đồng Hỷ. Linh đang là sinh viên khoa Giáo dục Chính trị, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên). Trước đây, Linh là một cậu bé hư hỏng, không chịu học hành và từng tham gia nhóm bạn xấu đi đòi nợ thuê. Năm học lớp 9, Linh bỏ học và dấn thân sâu hơn vào con đường xấu. Ông nội lo lắm, mang Linh đến gửi cửa chùa. Đại đức Thích Chúc Tiếp băn khoăn, nhưng vẫn nhận với tâm niệm sẽ cải hoá một người xấu nên tốt bằng giáo lý nhà Phật. Và Đại đức đã làm được việc ấy bằng chính tình yêu thương hỉ xả của một người tu hành.
Câu chuyện nhanh chóng cởi mở từ sự giới thiệu của Hùng. Cười gượng khi nhớ đến chuyện xưa, nhưng hoạt bát hẳn lên khi kể chuyện nay. Linh cho biết lên ở chùa, các em được đi học chữ, được học những điều hay, lẽ phải và được Đại đức giảng kinh kệ, giáo lý nhà Phật. Đại đức luôn khuyên nhủ biết nhẫn nhịn, biết vươn lên, sau này có duyên thì làm người tu hành; còn không có duyên thì về đời làm một người có ích cho xã hội.
Không chỉ chăm lo việc đạo, Đại đức Thích Chúc Tiếp luôn hết lòng chăm lo việc đời. Hằng năm, Đại đức tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội, như vận động nhân dân, phật tử tham gia quyên góp, ủng hộ Quỹ vì người nghèo của tỉnh; tham gia các hoạt động áo ấm cho người nghèo; mua sách vở tặng cho trẻ em nghèo. Vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm, Đại đức và nhà chùa đều có quà biếu tặng người nghèo vui đón xuân mới. Nhưng khi được hỏi về việc nuôi dạy trẻ và giúp đỡ người nghèo, Đại đức Thích Chúc Tiếp nhẹ nhàng, bảo: Đó là việc nên làm của nhà chùa, và của mọi người.