Rồi tôi cũng đã ngập ngừng tập viết lách ở tờ báo ấy với nhiều cương vị khác nhau trong ngành Giáo dục để đôi lần bài được đăng mà sướng âm ỉ... Duyên nợ là vậy song ngã rẽ quyết liệt đến với tôi khi tuần báo Người Giáo viên nhân dân ra số chuyên đề Thế Giới Mới tại TP Hồ Chí Minh.
Vừa làm vừa học nghề
Lúc đó văn phòng đại diện ở đây chỉ có anh Nguyễn Vũ Tiềm. Tôi được Tổng Biên tập Trường Giang chọn làm người thứ hai. Anh Trường Giang vào TP Hồ Chí Minh gặp Giám đốc Sở Giáo dục Trương Thị Hồng thương lượng để tôi chuyển công tác sang báo ngành.
Chị Hồng tròn mắt ngạc nhiên: “… Anh Hân chỉ học để làm toán, sao lại…? Hơn nữa sức khỏe anh ấy không được tốt…” … Cuối cùng chị Hồng cũng đã đồng ý bởi sự thuyết phục có tình có lý của anh Trường Giang.
Chúng tôi cùng anh Đỗ Quốc Anh - Cán bộ Công đoàn Giáo dục Việt Nam, cộng tác viên ruột dưới sự lãnh đạo của anh Lê Khắc Hoan khi Nam khi Bắc do công việc khai sinh tờ Thế Giới Mới và phụ trách địa bàn từ Quảng Trị trở vào.
Thoạt tiên tòa soạn của chúng tôi chỉ có nửa phòng. Ngay ngày đầu, tôi bắt tay vào công việc biên tập chọn lọc, sửa chữa, cắt gọt trong loạt bài viết về biên soạn SGK cải cách giáo dục cho số chuyên đề TGM đầu tiên.
Rồi cứ thế cái nhóm người ít ỏi chúng tôi mà ai cũng làm mọi công việc từ A đến Z của nghề báo đặc biệt là phải tác nghiệp trên địa bàn cả nước…
Hoàn cảnh khởi nghiệp là thế, anh em chúng tôi phải vừa làm vừa học nghề báo. Cộng tác viên đầu tiên tôi phát hiện là GS TSKH Châu Diệu Ái vốn là Đại tá Viện trưởng Viện Khoa học Hình sự Bộ Nội vụ nhưng trước hết là một nhà khoa học có tâm và có tầm.
Thoạt đầu là lân la làm quen. Cứ có số báo mới nào tôi liền đem đến nhà biếu ông rồi gợi ra một đề tài mà ông thích để đàm đạo. Riết rồi thành thân, tôi mời ông tham gia viết nhiều bài báo thật nóng, có chất lượng; có trục trặc trong biên tập khoa học ông giúp giải quyết; chủ trì một vài bàn tròn khoa học liên quan đến bộ môn của ông.
Tôi mời cả vợ ông - Thượng tá Tiến sĩ Lê Thị An cũng công tác ở Bộ Nội vụ - viết những bài về chăm sóc dạy dỗ chó nghiệp vụ bởi bà là Tiến sĩ thú y ở Đức đã từng công tác tại trường Huấn luyện Chó nghiệp vụ.
Cùng với ông Ái (Chuyên môn về Hóa học) tôi đã xây dựng cho tạp chí TGM những cây bút khoa học uy tín và tâm huyết, là thành viên Hội đồng cố vấn như các GS TSKH Nguyễn Cang (Toán), Nguyễn Chung Tú (Lý), Lê Ngọc Trà (Văn) .
Biết là tờ báo của ngành mình, nhiều nhà giáo chủ động đến xin tham gia, chúng tôi đều ân cần tiếp nhận. Trong số đó nhiều người đã trưởng thành là cây bút chủ lực của báo bạn hoặc báo nhà.
Tiếc nhất là cô sinh viên ĐHSP Thụy Thắm, sự động viên chăm sóc bồi dưỡng đã giúp cô có mặt thường xuyên trên báo Ngành khi còn đi học để rồi lúc tốt nghiệp ra trường chúng tôi đã chậm chân hơn tỉnh Đoàn TNCS HCM Long An và cô cũng “biệt tích giang hồ” luôn với nghề báo.
Cả một thời kỳ dài xây dựng lực lượng chúng tôi đã kéo về báo hoặc cộng tác với báo một loạt các nhà văn nhà báo: Trần Quốc Toàn, Phanxipăng, Nguyễn Khoa Đăng, Hoàng Đình Quang, Nguyễn Thị Minh Thái, Trịnh Quân, Đoàn Vị Thượng, Lê Thiếu Nhơn, Hương Giang, Nguyễn Thị Ấm, Nguyễn Xuân Đức, Nguyễn Vũ Bằng,… và một số người vốn là ngoại đạo nhưng có năng khiếu làm báo: Đào Quốc Toàn, Tuấn Phong, Phạm Bá Thủy, Đinh Lê Yên, Dương Kiều Linh, Lê Du, Bùi Tân,…
Ấn tượng những chuyến công tác xa
Cũng thật vui với những lần rời đại bản doanh đi công tác xa. Dạo ấy Quảng Trị là cái rốn của mọi khó khăn đặc biệt là giáo dục. Tôi đã sống với mảnh đất này năm 1973 rồi 1976… nên khi về làm báo tôi nghĩ ngay đến nó, nơi ngày đêm những bạn bè tôi vẫn kiên cường bám trụ…
Đi tàu đến Huế tôi ôm eo một anh bạn chạy Honda về ngay Đông Hà, bỏ ra 5 ngày quần thảo khắp địa bàn Quảng Trị để viết bài ký. Vẫn những con người năm ấy khái quát được toàn bộ tình hình giáo dục Quảng Trị hôm nay, gióng một hồi chuông lương tâm và trách nhiệm đến tất cả những người tâm huyết với sứ mạng trồng người trên cả nước.
Bài ký gây xúc động với bạn đọc trong và ngoài ngành. Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị Trương Sỹ Tiến đã gửi cho tôi một bức thư viết tay cám ơn với lời lẽ hết sức cảm động và xin được sử dụng lại trên các phương tiện truyền thông của tỉnh nhà.
Với tôi có phần thưởng nào lớn hơn thế nữa. Lúc đó tuy đã ngoài năm mươi nhưng đi và viết là sở thích của tôi. Được tin ở Cần Thơ Thủ tướng Võ Văn Kiệt triệu tập hội nghị chính phủ về đồng bằng sông Cửu Long, báo nhà không được mời tôi vẫn chuẩn bị đầy đủ dụng cụ tác nghiệp bám càng Bộ trưởng Trần Hồng Quân đến Tây đô.
Cậy cục xin vào hội trường không được tôi đã lấy tin bằng cách đưa máy ghi âm nhờ anh Nguyễn Tấn Phát, lúc ấy đang là Hiệu trưởng ĐHSP TPHCM, ghi giùm những nội dung nóng phát biểu tại hội nghị và nhờ anh Trần Phước Đường, Hiệu trưởng ĐH Cần Thơ, làm ảnh còn văn bản hội nghị thì lấy từ Bộ nhà. Vậy là có đủ tư liệu cho loạt bài nhiều kỳ Để đồng bằng sông Cửu Long cất cánh từ điểm tựa giáo dục.
Lại có những chuyến đi đáng nhớ bởi tính chất công việc và sứ mạng của nó, đó là lần đi Cà Mau. Dạo ấy do giáo dục ở đây đang có những lình xình trong xây dựng cơ bản, chống ngập lụt,…
Thanh tra tỉnh đã vào cuộc, một số báo trưng ra những bài viết gay gắt qui kết trách nhiệm cho giáo dục chỉ dựa vào bước đầu thanh tra chưa có kết luận.
Cùng Phó chánh văn phòng Bộ, tôi dẫn theo 2 phóng viên đi xác minh thực tế. Tôi lo đối ngoại, làm việc với lãnh đạo Ủy ban tỉnh, Nguyễn Xuân Đức đi địa bàn điều tra tình hình cụ thể, Nguyễn Bằng làm ảnh.
Cứ liệu “mục sở thị” đã đủ chỉ thiếu kết luận chính thức của thanh tra, Xuân Đức đã thông minh ung dung vào dự cuộc họp kín của thanh tra báo cáo kết luận với lãnh đạo Ủy ban khi ai cũng tưởng anh là người của bên kia, lúc bị phát hiện thì Đức đã có đủ tài liệu… Vậy là loạt bài về thực chất tình hình giáo dục Cà Mau ra mắt bạn đọc được sự đồng tình ủng hộ của cán bộ giáo viên trong tỉnh.
Có thường xuyên đi mới thấy hết tình cảm của cơ sở với báo ngành. Hôm ấy tôi đang làm việc tại cơ quan thì có một ông khách đem con đến gặp.
Khách là thầy giáo ở Đức Trọng (Lâm Đồng) mới từ đó lên thành phố rồi đến chỗ tôi ngay. Vừa thở hổn hển vừa trình bày sự việc. Số là con ông, học sinh giỏi cấp tỉnh, không được thi vào lớp 10 vì thiếu 1 tuổi, trực tiếp đi trình bày từ huyện lên Sở đều không được bởi qui chế…
Tôi biết cách giải quyết trường hợp cụ thể này theo Luật Giáo dục bèn điện thoại ngay cho anh Lý Quang Nhẫn - Giám đốc Sở , anh vui vẻ nhắn mời vị phụ huynh đem hồ sơ đến gặp anh sẽ giải quyết ngay…
Một ngày cuối tuần tháng 9 năm ấy tôi lại gặp tại phòng làm việc cha con thầy giáo nghèo nọ từ quê lên cám ơn với một gói tiêu hột “cây nhà lá vườn”.
Xúc động, tôi đã khéo léo nhét vào cặp ông khách một phong bì lệ phí cho 2 chuyến đi lại thành phố của cha con ông. Mỗi chuyến đi cơ sở đều ghi một kỷ niệm đẹp.
Chúng tôi đã xây dựng được mối quan hệ thân tình ruột thịt với toàn địa bàn phụ trách kể từ Quảng Trị những ngày đầu rồi Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng suốt dải đất miền Trung… kéo dài đến cuối cùng chót Cà Mau. Nhiệm vụ đan xen, vất vả nhưng chúng tôi đã đồng cam cộng khổ lao vào công việc một cách vui vẻ phấn khích.
Chuyện những ngày đầu tôi làm báo ngành khi chưa hề được qua một lớp đào tạo nào thì nhiều chỉ xin có vài nét phác họa như vậy.