Cú hích từ người quản lý

Cú hích từ người quản lý

(GD&TĐ) - Năm học đầu tiên Bộ GD&ĐT phát động phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, đã có ý kiến cho rằng, phong trào không có gì mới và không khó để thực hiện vì bản chất của nhà trường là thân thiện, bản chất của dạy và học là tích cực. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian triển khai, nhiều trường đều nhận ra nét khác biệt và sức sống mà phong trào mang lại. Cho tới nay, qua 5 năm thực hiện, có thể thấy, thành công của phong trào phụ thuộc rất nhiều ở năng lực của người cán bộ quản lý.

Yếu tố sáng tạo có tính quyết định

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Lễ khai giảng Trường THPT chuyên Quốc học Huế năm học 2011 - 2012
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Lễ khai giảng Trường THPT chuyên Quốc học Huế năm học 2011 - 2012
 

Trong hướng dẫn đánh giá kết quả phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, Bộ GD&ĐT  hướng đến mục đích hàng đầu là: xác định mức độ đạt được, tính sáng tạo trong tổ chức thực hiện, sự tiến bộ của các trường trong việc thực hiện phong trào thi đua. Điều này xóa bỏ cái nhìn phiến diện của người ngoài cuộc khi cho rằng, cụm từ “thân thiện, tích cực” không có gì mới. Thực tế cho thấy, năng lực của người cán bộ quản lý (CBQL) quyết định tính sáng tạo và hiệu quả đạt được.

Trước hết, bàn về trường lớp “xanh, sạch, đẹp, an toàn”, bây giờ thật hiếm những ngôi trường không có cây xanh và không được tầng hóa (trừ những trường mới xây dựng ở vùng đất khó). Song vấn đề ở chỗ, những ngôi trường có cây xanh, hay bề thế có thực sự là một “trường học thân thiện, học sinh tích cực” hay không?

Trước khi Bộ GD&ĐT triển khai “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, trong những chuyến đi thực tế ở cơ sở, không ít lần chúng tôi bắt gặp cảnh tượng buồn tẻ, trống vắng ở những ngôi trường không phải ở vùng sâu, vùng xa, mà ở ngay thị xã, thành phố. Lại có không ít ngôi trường không thiếu diện tích nhưng vẫn gây một cảm giác chật chội, bề bộn. Khái niệm về “công trình vệ sinh, nước sạch” dường như vắng bóng.

Còn nhớ vào năm học 2005 - 2006, tôi tới Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu (Điện Bàn, Quảng Nam) và vô tình chứng kiến một khu vệ sinh tạm bợ và ô nhiễm như chưa bao giờ được quét dọn. Học sinh nữ mặc áo dài trắng phải kéo cả tà áo lên để mà che mũi trước khi bước vào trông rất phản cảm. Lúc đó, nhiều trường ở nông thôn các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế còn không có cả công trình vệ sinh riêng cho học sinh…

Vài năm trở lại đây, khi trở lại những nơi này, tôi đã thấy tất cả đều thay đổi khác xa. Hầu hết các trường đều có công trình vệ sinh được đầu tư bài bản. Tới nhiều ngôi trường của Điện Bàn, Đại Lộc (Quảng Nam), có thể chứng kiến những ngôi trường xanh, sạch, đẹp khiến  không ai có thể ngờ rằng những ngôi trường ấy từng đi qua chiến tranh, đói nghèo, bão lũ.

Tại Đà Nẵng, không kể những ngôi trường có diện tích vài ba hec - ta ở vùng ngoại ô, ngay cả những ngôi trường trong lòng đô thị còn thiếu quỹ đất để mở rộng, hiệu trưởng vẫn tìm mọi cách để tạo không gian cây xanh, bóng mát thật sự thân thiện, hài hòa, điển hình như trường Tiểu học Trần Văn Ơn, Tiểu học Phù Đổng, THCS Lý Thường Kiệt.  

Đến các trường học ở Thừa Thiên Huế, không phải chỉ những trường học ở cố đô, ngay những trường ở vùng quê nghèo thuần nông như THPT Đặng Huy Trứ, THCS Hương An (Hương Trà), THPT  Tam Giang (Phong Điền), Tiểu học Số 1 Lộc Trì (Phú Lộc), thậm chí những trường ở vùng sâu, vùng xa như Tiểu học Hương Sơn (Nam Đông), A Ngo (A Lưới) cũng rất tươi đẹp, ấn tượng.

Còn tại Quảng Trị, trong quá trình xây dựng, kiến tạo trường lớp, Sở GD&ĐT đặc biệt chú ý tới các khâu ánh sáng, hướng gió, cách bố trí khuôn viên, khu vui chơi, giải trí, sinh hoạt ngoại khóa cho học sinh. Đó là kết quả của khả năng thẩm thấu văn hóa học đường và cả cái tâm của đội ngũ  CBQL giáo dục để đem lại cho các trường bộ mặt mới, sức sống mới. 

Tài thao lược của cán bộ quản lý

Mỗi ngày đến trường là một ngày vui Ảnh: Thiên thanh
Mỗi ngày đến trường là một ngày vui Ảnh: Thiên thanh
 

Năm 2006 - 2007, chúng tôi tới Trường THPT Cam Lộ của Quảng Trị, không khỏi chạnh lòng trước một ngôi trường thiếu diện mạo, dạy và học trong một bầu không khí tẻ nhạt. Vậy mà nay, ngôi trường sống động hẳn lên, với một cảnh quan khang trang theo đúng nghĩa “trường ra trường, lớp ra lớp”. Nhiều hoạt động về chuyên môn của nhà trường rất thiết thực, có chiều sâu về chất lượng.

Từ chỗ có những giáo viên còn tách mình khỏi tập thể, thiếu ý chí phấn đấu, nay, Trường THPT Cam Lộ có một đội ngũ giáo viên vững tay nghề, nhiệt tâm, tận tụy giúp đỡ học sinh, tạo tiếng vang tốt trong phụ huynh. Một người dân ở thị trấn Cam Lộ nói: “Tất cả là nhờ ở tài thao lược và nhiệt tình của thầy hiệu trưởng. Một tuần, có tới 4, 5 buổi thầy Dục đi sớm, về muộn để kiểm tra, đôn đốc việc dạy và học trong trường. Thầy còn thường xuyên liên hệ với các bậc phụ huynh chúng tôi để theo dõi mọi chuyển biến của con em”.

Nhiều ngôi trường khác của Quảng Trị như: Trường THPT Hướng Hóa, Trường THCS Hướng Hóa, THPT Đakrông, THPT Lao Bảo, THCS Lao Bảo, THPT Chế Lan Viên, THPT Phan Châu Trinh… từ ban giám hiệu đến các thầy cô giáo cũng nhất quán trong chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, giáo dục truyền thống cho học sinh.

Kinh nghiệm cho thấy, ở đâu đội ngũ cán bộ quản lý năng động, sáng tạo và thực sự tâm huyết, ở đó phong trào đi vào chiều sâu, tạo động lực cho hoạt động dạy và học. Điều này thể hiện rõ nét ở Kon Tum – một địa phương có điểm xuất phát thấp về kinh tế, mặt bằng dân trí không cao. Nhưng cho tới nay, ngành Giáo dục đã tạo nên sự chuyển biến tích cực ở mọi mặt, nhất là trong xây dựng mô hình trường học mới, xây dựng trường phổ thông dân tộc nội trú chất lượng cao.

Việc dạy học phân hóa đối tượng ở các trường học tại Kon Tum đã phát huy được năng lực, trách nhiệm của người thầy, hạn chế đáng kể tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng. Từ chỗ làm cho HS cảm nhận được mỗi ngày đến trường là một ngày vui, nhà trường đã tạo được vị thế, sức thuyết phục đối với xã hội.

Về mặt khái niệm, thân thiện bao hàm cả sự hấp dẫn của yếu tố môi trường, cảnh quan và sức thu hút trong phong cách giao tiếp giữa người và người. Với trường học, đó là giao tiếp giữa người hiệu trưởng và GV, giữa GV với GV, giữa GV và HS, giữa các em HS với nhau…

Còn “tích cực” ở phương diện người học, là sự tham gia có hiệu quả vào mọi hoạt động trong nhà trường, nhất là hướng đến 3 trụ cột: “Học để biết, học để làm người, học để chung sống”.

Như vậy, khái niệm về “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” rất rộng và nếu thực hiện theo đúng các tiêu chí mà Bộ GD&ĐT đề ra sẽ tạo một lực bẩy mạnh trong “Đổi mới công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”.

Hồng Thúy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ