CPI tháng 9 tăng cao: Dấu ấn của chỉ số giáo dục

CPI tháng 9 tăng cao: Dấu ấn của chỉ số giáo dục

(GD&TĐ) - Với mức tăng 1,06% so với tháng 8, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 đã đưa lạm phát 9 tháng đầu năm 2013 lên 6,83% so với cùng kỳ năm 2012, theo công bố ngày 24/9 của Tổng cục Thống kê. Đây cũng là những mức tăng đã được dự báo trước, theo đúng quy luật tăng đột biến của CPI trong những tháng cuối quý III hàng năm.

Diễn biến không nằm ngoài dự báo

Như vậy, so với tháng 12/2012, CPI tăng 4,63%. Nếu so với tháng 9/2012 thì mức tăng là 6,3%. 9 tháng đầu năm 2013, chỉ số giá tăng. Yếu tố chính đưa CPI của tháng 9 tăng vọt trên cả nước được cơ quan thống kê quốc gia chỉ ra là những chỉ tiêu liên quan đến nhóm ngành Giáo dục. 

Từ nửa cuối tháng 8 (cũng là giai đoạn bắt đầu tính toán CPI cho tháng 9), người dân đã tăng cường mua sắm các mặt hàng liên quan đến giáo dục để chuẩn bị cho con em nhập trường, cùng với chi phí của người dân cho học phí, đã đưa chỉ số giá của nhóm giáo dục tăng 9,38%, trong đó dịch vụ giáo dục tăng 10,66%; đóng góp gần một nửa chỉ số phần trăm của mức tăng CPI trong tháng. Cụ thể theo ông Đỗ Thức, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nếu loại bỏ yếu tố tăng giá do chi phí liên quan đến giáo dục thì CPI tháng 9 của cả nước chỉ tăng 0,52% so tháng trước; tương đương với mức tăng 0,6% của tháng 8 nếu được loại trừ yếu tố giá dịch vụ y tế.

Theo Tổng cục Thống kê, diễn biến chỉ số giá của những năm trở lại đây cho thấy tháng 8 và 9 hàng năm thường có mức tăng CPI đột biến mạnh hơn các tháng trước. Nguyên nhân chủ yếu là do chịu ảnh hưởng của giá dịch vụ y tế và học phí. Tuy nhiên bước sang tháng 10, mức tăng CPI dự báo sẽ thấp hơn, khi các tác động không lâu dài kia qua đi và diễn biến giá trở lại theo đúng quan hệ cung cầu trên thị trường.

Bên cạnh nhóm giáo dục, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác cũng có mức tăng 1,33% so với tháng 8. Ngoài ra, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, hàng ăn và dịch vụ ăn uống cũng có mức tăng khá, lần lượt là 0,91 và 0,65%. Còn lại, những nhóm khác, mức tăng nhẹ dưới 0,3%. Riêng nhóm giao thông và bưu chính viễn thông giảm. Chỉ số giá vàng tăng 1,97%, trong khi đó giá đô la Mỹ lại diễn biến ngược lại khi giảm nhẹ 0,26%.

Một điểm đáng chú ý là mức tăng chỉ số giá không đồng đều tại các địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh có chỉ số giá tháng 9 tăng 3,13%; Khánh Hoà tăng 1,05%; Thừa Thiên -  Huế tăng 0,96%; Vĩnh Long tăng 0,88%; Cần Thơ tăng 0,86%; Đà Nẵng tăng 0,69%; Hà Nội tăng 0,57%; Gia Lai tăng 0,56%; Hải Phòng tăng 0,43%; Thái Nguyên tăng 0,22%... so với tháng 8/2013.

sd
Chi phí cho giáo dục tác động mạnh đến đà tăng của chỉ số giá trong tháng 9

Mức tăng GDP đã cải thiện

Cùng ngày, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố chỉ số tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2013, cho thấy tốc độ ước đạt 5,14% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, khu vực nông, lâm ngư nghiệp và thủy sản tăng 2,39%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,02%, dịch vụ tăng khoảng 6,25%.

Như vậy, mức tăng GDP đã có sự cải thiện so với cùng kỳ năm trước (4,73%) và có sự nhích lên qua từng quý (quý I: 4,89%, quý II: 5%). Tuy nhiên, nhiều dự báo cho rằng, tốc độ tăng trưởng năm nay khó có khả năng đạt mục tiêu 5,5% được Quốc hội phê duyệt. Thậm chí, theo Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, chỉ tiêu này dự kiến chỉ ở mức 4,92%.

Thống kê cũng cho thấy số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong quý III lại giảm chỉ đạt trên 19.300 đơn vị, với tổng vốn gần 87.800 tỷ đồng (giảm 17% về lượng và 23% về vốn so với quý trước). Tính chung 9 tháng đầu năm, cả nước có hơn 58.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với vốn đăng ký khoảng 281.360 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước nhưng giảm 22% về vốn.

Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động trong 9 tháng đầu năm là gần 11.300, chủ yếu tập trung vào ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (4.060 doanh nghiệp), xây dựng (1.918 doanh nghiệp), công nghiệp chế biến chế tạo (1.628 doanh nghiệp).

Lưu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ