Vì dịch mà cắt giảm, hết dịch tăng trở lại
- Ông đánh giá thế nào về việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương cắt giảm 30% kinh phí hội họp công tác trong nước, 50% kinh phí đi công tác nước ngoài.
- Dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế. Việc cắt giảm những khoản kinh phí chưa cần thiết là phù hợp. Việc đi công tác nước ngoài của cán bộ thời gian qua còn rất nhiều vấn đề phải bàn về tính hiệu quả. Nhiều cán bộ đi công tác cả người nhà cùng đi. Còn vài tháng nữa nghỉ hưu vẫn đi tập huấn… Ngân sách tiêu tốn không nhỏ cho hoạt động này, nhưng đánh giá hiệu quả thì chưa. Các loại hội họp cũng rất tốn kinh phí. Nhiều hội nghị chỉ để “giải ngân”. Do đó, việc cắt giảm không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động công vụ.
- Theo ông, dù cắt giảm 50% kinh phí đi nước ngoài, 30% hội họp thì hoạt động công vụ vẫn trơn tru?
- Đúng thế. Cắt giảm này chắc chắn không ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP. Nó cũng không khiến công việc bị đình trệ. Tôi cho rằng Covid-19 là cơ hội để nhìn lại những khoản chi tiêu ngân sách chưa hợp lý. Không nên nhìn nhận theo kiểu vì chống dịch nên phải cắt giảm, hết dịch thì lại tăng. Phải tránh chi tiêu ngân sách lãng phí, gây dư luận không tốt.
- Ông cho rằng ngân sách chi cho cán bộ đi nước ngoài gây dư luận không tốt?
- Tôi nói đến các khoản chi lãng phí chung, trong đó có việc cán bộ đi nước ngoài. Nhiều nơi vẫn coi đi nước ngoài là một phần thưởng dành cho cán bộ, “du lịch miễn phí”. Ngày xưa kinh tế khó khăn, cán bộ lợi dụng việc đi nước ngoài công tác sẽ mua hàng hóa về để bán. Giờ chắc không cán bộ nào nghèo đến mức phải bươn chải như thế. Nhưng giờ có chuyện một ông về hưu đến nơi rồi vẫn được cử đi tập huấn. Vài anh khác đi xúc tiến thương mại tiêu tốn cả tiền tỉ…
- Như ông phân tích, Covid-19 làm bộc lộ những khoản chi không cần thiết?
- Đúng thế. Sau khi cắt giảm, hãy xem xét tính hiệu quả, cần thiết của từng vị trí việc làm. Có cần thiết phải chi tiêu các khoản đó hay không? Nếu không, hãy cắt giảm vĩnh viễn thì tốt cho ngân sách.
Cán bộ có nhiều cách để học tập
Theo Dự thảo Nghị quyết trên, Bộ KH&ĐT đề xuất Chính phủ thực hiện rất nhiều giải pháp để phát triển kinh tế, xã hội trong và sau bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra đã và đang khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn, kiệt quệ. Thực hiện việc miễn, giảm phí, nhất là phí cầu đường, phí cảng biển, phí bảo trì đường bộ, giá dịch vụ hàng không (phí bãi đậu, phí cất, hạ cánh, phí điều hành bay, phí an ninh soi chiếu, phí phục vụ mặt đất)… theo quy định. Gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho các đối tượng là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác dầu khí, kinh doanh xăng dầu. Gia hạn thời hạn nộp thuế đối với thuế tài nguyên, thuế tiêu thụ đặc biệt...
Đề nghị cần chính sách miễn, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu đầu vào của các ngành vận tải, đặc biệt nghiên cứu giảm thêm đối với mặt hàng xăng sinh học E5RON92 để khuyến khích sử dụng xăng sinh học. Chính phủ cho phép giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước. Các chính sách ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành ô tô nội…
- Nếu cán bộ không đi nước ngoài bằng tiền ngân sách, theo ông có cách nào để mở rộng tầm hiểu biết, học hỏi kinh nghiệm các nước bạn?
- Nếu là người thực sự muốn đi, có nhu cầu đi nước ngoài học hỏi, thì hiện có rất nhiều kênh. Trong khuôn khổ các đề tài, chương trình nghiên cứu thường có các hoạt động đi tập huấn nước ngoài. Hay các chương trình của các quỹ nghiên cứu, tài trợ của các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức về phát triển… luôn có nhiều chương trình khuyến khích cán bộ tham gia học hỏi. Chỉ cần có trình độ ngoại ngữ khá một chút và thực sự mong muốn tìm hiểu là có thể được tiếp nhận.
Hay đơn giản nhất là lên mạng tìm hiểu, vào các kho dữ liệu mở của các trường đại học, viện nghiên cứu lớn trên thế giới, cũng có vô vàn tài liệu để học tập. Nếu là người thực sự cầu thị, tài năng, họ sẽ có cách tự vận động để mở rộng hiểu biết. Đừng lợi dụng ngân sách để đi theo kiểu đi sang Ấn Độ để công tác nhưng lại “quá cảnh” sang Anh sau đó mới về Việt Nam như trường hợp một cán bộ vừa rồi.
- Vậy sau dịch Covid-19, chúng ta cũng nên phát triển các loại hình học tập kinh nghiệm như ông vừa nói?
- Có thể là thế hoặc hình thức khác. Mục đích là phải tạo ra sự thiết thực, hiệu quả trong từng hoạt động công vụ. Từng đồng ngân sách bỏ ra phải được sử dụng sao cho đem lại hiệu quả nào đó. Dịch Covid-19 theo tôi là cơ hội để xem xét lại nhiều thứ, nhất là chi tiêu công. Xem xét lại theo nghĩa tính toán đến hiệu quả hơn, thiết thực hơn, tránh sa vào hình thức, tiêu xài ngân sách một cách lãng phí.
- Con số cắt giảm 50% theo ông có hợp lý?
Có thể là 50%, nhiều hoặc ít hơn. Nó phải dựa trên đánh giá thực tế thì tốt hơn.
- Nếu bắt cán bộ công chức phải bỏ tiền túi để đi nước ngoài học hỏi, chắc sẽ hiếm người đi?
- Đúng vậy. Chắc hiếm có người nào đi dù nhu cầu học hỏi thì ai cũng có. Nhưng để hoạt động ấy thiết thực hơn thì buộc phải thay đổi chứ không nên áp dụng theo kiểu đi đại trà. Đi tập huấn nhưng kết hợp du lịch tham quan, đãi ngộ chính sách. Giao lưu quốc tế là rất cần thiết, đặc biệt với cán bộ công chức, trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Nhưng nên được thực hiện theo kiểu để cán bộ tự thân vận động chứ không dùng tiền ngân sách. Giống như các doanh nghiệp phải tự bỏ tiền túi của mình nếu muốn giao lưu học hỏi.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!