Khi đó, tuyến thượng thận thấy không cần làm việc nhiều nữa, “lười đi” và sản xuất ít corticoid hơn. Nếu dừng đột ngột việc bổ sung corticoid, tuyến thượng thận sẽ không kịp thích nghi, khiến cơ thể thiếu hormone.
Hội chứng cushing do corticoid
Vừa qua, TS Nguyễn Quang Bảy - Trưởng khoa Nội tiết và Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai cho biết đã tiếp nhận bệnh nhân nữ 23 tuổi, cao 1m50, nặng 57kg sống ở Hà Nội. Bệnh nhân đến khám vì thấy mặt tròn và mệt mỏi.
Qua thăm khám, bác sĩ Bảy thấy bệnh nhân có biểu hiện mặt tròn, bụng to, chân tay teo... Đặc biệt, bụng và đùi bệnh nhân có nhiều vết rạn da màu đỏ. Đây là những dấu hiệu điển hình của hội chứng cushing do dùng thuốc glucocorticoid kéo dài.
Người bệnh cho biết đã bị ngạt mũi vài năm và thường xuyên phải dùng thuốc xịt mũi. Mỗi khi ngạt mũi, cô lại dùng thuốc xịt, trung bình 3 - 4 lần một ngày. Sau khi kiểm tra, các bác sĩ phát hiện, loại thuốc bệnh nhân sử dụng có thành phần dexamethasone.
Theo TS Bảy, đây là loại corticoid rất mạnh. Nếu dùng kéo dài, loại thuốc này có thể gây ra nhiều biến chứng như: Suy thượng thận, đái tháo đường, tăng huyết áp, loãng xương, loét dạ dày, rối loạn tâm thần... Với trường hợp này, thuốc còn có thể là nguyên nhân gây lùn và lão hóa sớm.
Theo TS Bảy, corticoid trước đây được coi là thần dược vì khả năng chống viêm và nhiều tác dụng khác. Mặc dù là thuốc tốt để điều trị bệnh, song corticoid cũng là thuốc độc nếu dùng không đúng vì những tác dụng phụ đáng sợ. TS Bảy cho biết, thậm chí, bác sĩ còn có thể chưa hiểu hết về các loại corticoid.
Bác sĩ Phí Văn Công - Khoa Hồi sức Cấp cứu Nhi, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cũng cho biết, đã tiếp nhận một bệnh nhi khoảng 3 tuổi, mặt tròn, hai má phính và hồng, lông mày hơi đậm. Đặc biệt, khi quan sát kỹ, bác sĩ nhận thấy, gáy và lưng trẻ có lông tơ mọc nhiều hơn bình thường.
Theo bác sĩ Công, những khuôn mặt bất thường như vậy được gọi là “bộ mặt cushing”. Đây là bộ mặt đặc trưng của những đứa trẻ mắc hội chứng cushing. Hội chứng này có thể do bệnh lý của trẻ, nhưng cũng có thể do sử dụng các loại thuốc corticoid quá nhiều và không đúng cách. Từ đó, dẫn đến việc có những tác dụng phụ, thậm chí nguy hiểm tính mạng. Các bác sĩ gọi đó là “Hội chứng cushing do thuốc”.
Tác dụng phụ âm thầm
“Cơ thể con người duy trì được sự tồn tại bằng nhiều cách khác nhau. Trong đó, có một hệ thống các chất tác động qua lại rất phức tạp, điều hòa sự ổn định bên trong cơ thể gọi là hormone.
Có những hormone đơn thuần đảm nhận công việc điều hòa nhẹ nhàng, thiếu một chút cũng không nguy hiểm gì nhiều. Tuy nhiên, có những hormone thiếu là nguy hiểm. Chúng được gọi là hormone có tính sinh mạng.
Hormone được tiết bởi các tế bào tập hợp với nhau tạo thành tuyến nội tiết. Tuyến thượng thận là một tuyến nội tiết như vậy”, bác sĩ Công giải thích. Theo chuyên gia này, tuyến thượng thận tiết ra corticoid để điều hòa một vài chức năng của cơ thể. Đồng thời, tiết ra một vài hormone khác mang tính sinh mạng.
Corticoid được tuyến thượng thận tiết một lượng nhất định thay đổi theo thời gian trong ngày để làm nhiệm vụ. Sẽ hoàn toàn bình thường khi sử dụng thuốc chứa corticoid trong thời gian ngắn hoặc với lượng cho phép.
Tuy nhiên, bác sĩ Công cảnh báo, nếu uống liều cao, dài ngày hoặc các đợt sát nhau, hay vừa uống liều cao lại uống sát nhau… người dùng có thể gặp tác dụng phụ như: Da mỏng hơn, cơ thể tích nước, lông tơ mọc nhiều hơn… Từ đó, gây nên bộ mặt cushing.
Tuy nhiên, đó là biểu hiện bên ngoài. Nếu lạm dụng, cơ thể sẽ nhận thấy có một lượng corticoid “có sẵn” rồi. Khi đó, tuyến thượng thận thấy không cần làm việc quá nhiều nữa, “lười đi” và sản xuất ít hơn.
Dần dần, tuyến thượng thận quen với việc đó. Nếu dừng đột ngột việc bổ sung corticoid, tuyến thượng thận đang quen với việc “lười”, không kịp thích nghi. Từ đó, khiến cơ thể trở nên thiếu hormone. Theo bác sĩ Công, đó là cơn suy thượng thận cấp và có thể gây tử vong.
“Chúng ta đang vô tư tự ý sử dụng quá nhiều mà không biết rằng tác hại đang diễn ra âm thầm. Tôi vẫn sử dụng corticoid để điều trị bệnh, vì nó là thuốc, được sinh ra để điều trị bệnh và dùng đúng thì tốt.
Tuy nhiên, tôi luôn ghi rõ số ngày dùng, hướng dẫn rõ bệnh này thì nên uống lúc nào, bệnh kia thì nên uống lúc nào. Lần gần nhất là dùng từ bao giờ và tính toán liều để không gây tác dụng phụ và điều trị được bệnh”, bác sĩ Công chia sẻ.
Đồng thời, bác sĩ Phí Văn Công nhấn mạnh, không giống nhiều thuốc khác, corticoid có thể gây tác dụng phụ nguy hiểm một cách âm thầm nếu dùng sai cách. Tuy nhiên, một số bệnh lý bắt buộc phải dùng corticoid, chấp nhận tác dụng phụ và theo dõi sát để quản lý tác dụng phụ đó.