Quảng cáo quá “tâng bốc”….
Phản ánh tới Báo GD&TĐ, chị Ninh Thị Mỵ ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, cho biết: Do có nhu cầu bổ sung dinh dưỡng và Vitamin nên tôi được bạn bè giới thiệu về dòng sản phẩm mang nhãn hiệu Nutrilite của Công ty TNHH Amway Việt Nam.
Tuy nhiên, khi vào trang web để tìm hiểu sản phẩm của nhãn hiệu này, điều làm chúng tôi không khỏi băn khoăn biểu tượng số 1 kèm dòng chữ “Nutrilite nhãn hiệu Vitamin, thực phẩm bổ sung dinh dưỡng bán chạy số một thế giới” (?). Điều gì để Công ty TNHH Amway Việt Nam có thể chứng minh đây là sản phẩm chiếm được ngôi vị "bán chạy số một thế giới", hay đó là chiêu trò quảng cáo “quá đà”.
Cùng chia sẻ với Báo GD&TĐ về vấn đề này, chị Nguyễn Hồng Nhung ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, cho biết: “Thực phẩm bổ sung dinh dưỡng Nutrilite thực chất có phải là nhãn hiệu bán chạy số 1 thế giới hay không. Ngôi vị số 1 này do ai bình chọn, ai công nhận, hay cho do công ty Amway Việt Nam đang tự quảng cáo?. Chúng tôi thật sự băn khoăn về lời quảng cáo này nên cũng chưa dám lựa chọn”.
Trước những thắc mắc nêu trên của bạn đọc, PV Báo GD&TĐ đã truy cập vào trang Web http://www.nutrilite.com.vn của Công ty TNHH Amway Việt Nam thì đúng như phản ánh. Sau khi tìm hiểu các thông tin trên trang web trên, PV tiếp tục gọi điện đến số máy 18001700 của đơn vị này để nghe nhân viên tư vấn nói danh hiệu “số 1” mà công ty đang quảng cáo trên trang web.
Quá trình tư vấn, nhân viên công ty Amway cho biết, hiện tại, Nutrilite có nhiều dòng sản phẩm, gồm: Nhóm bổ sung các chất dinh dưỡng thiết yếu hàng ngày như protein, vitamin; Nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe cung cấp các khoáng chất như canxi, sắt, chất sơ của rau, củ, quả.
Khi được hỏi về danh hiệu sản phẩm bán chạy “số 1” thế giới, nhân viên tư vẫn trả lời, cho hay: Nitrulite được công nhận là sản phẩm bán chạy “số 1” thế giới năm 2016 do một Tập đoàn nghiên cứu về các ngành công nghiệp, tài chính, dịch vụ và các loại hàng nông sản và thực phẩm đánh giá.
“Đó là 1 kênh thông tin để nghiên cứu, nói chung là cập nhật thông tin về các sản phẩm trong đó có mặt hàng thực phẩm chức năng, họ bình chọn là sản phẩm bán chạy nhất thị trường thế giới năm 2016. Ngoài ra, Nitrulite của bên em cũng là một nhãn hiệu vitamin, khoáng chất toàn cầu duy nhất sở hữu hệ thống trồng trọt, thu hoạch, chế biến trên chính trang trại hữu cơ được chứng nhận. Và cũng là vitamin, khoáng chất tổng hợp dành cho trẻ em bán chạy số 1 thế giới luôn” – nhân viên tư vấn liên tục khẳng định.
Có đúng là “số 1” thế giới?
Để bạn đọc hiểu rõ hơn về nhãn hiệu Nutrilite được quảng cáo là bán chạy “số 1” thế giới có đúng với quy định hay là sự “tâng bốc” của Công ty TNHH Amway Việt Nam, Báo GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Văn Kiên – Trưởng Văn phòng luật sư Ánh sáng công lý, Đoàn Luật sư TP Hà Nội.
Theo Luật sư Lê Văn Kiên, nếu đơn vị quảng cáo muốn sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự thì phải có các tài liệu hợp pháp theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư số 10/2013/TT-BVHTTDL do Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL ban hành ngày 6/12/2013.
Cụ thể, tài liệu hợp pháp là kết quả khảo sát thị trường của các tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp có chức năng nghiên cứu thị trường. Giấy chứng nhận hoặc các giấy tờ tương tự tại các cuộc thi, triển lãm có quy mô khu vực hoặc toàn quốc bình chọn và công nhận cho các loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.
“Trường hợp đơn vị quảng cáo có tài liệu hợp pháp thì tài liệu đó phải còn hiệu lực. Cụ thể, Khoản 2 điều 2 Thông tư số 10/2013/TT-BVHTTDL quy định: Thời gian sử dụng tài liệu hợp pháp chứng minh từ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc các từ ngữ có ý nghĩa tương tự trên các sản phẩm quảng cáo là 1 năm kể từ ngày tổ chức, cá nhân được cấp giấy chứng nhận hoặc kết quả khảo sát thị trường” – Luật sư Lê Văn Kiên cho hay.
Trả lời câu hỏi của Báo GD&TĐ về việc, nếu đơn vị quảng cáo sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp nhưng đơn vị vẫn ngang nhiên quảng cáo thì có thuộc hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo? Luật sư Lê Văn Kiên cho rằng: “Nếu đơn vị quảng cáo không có tài liệu hợp pháp để chứng minh thì sẽ vi phạm vào các hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo được quy định tại Khoản 11 Điều 8 Luật Quảng cáo năm 2012”.
Ngoài những phân tích nêu trên, Luật sư Lê Văn Kiên cũng cho hay: “Dù đơn vị quảng cáo có đầy đủ hồ sơ, tài liệu hợp pháp, nhưng khi muốn thực hiện việc quảng cáo như của Nutrilite ở Việt Nam thì bắt buộc phải được Cục An toàn thực phẩm của Bộ Y tế cấp phép, mới được quảng cáo”.
Tuy nhiên, theo nguồn tin của Báo GD&TĐ, cho đến nay, Cục An toàn thực phẩm của Bộ Y tế chưa cấp phép cho nhãn hiệu Nutrilite của Công ty TNHH Amway Việt Nam quảng cáo như trên trang web.
Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với Công ty TNHH Amway Việt Nam và cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề nêu trên.