Bồi dưỡng nghề, thi kiểm tra sát hạch nghề, thi giữ bậc, thi nâng bậc là công tác diễn ra hàng năm của ngành điện nói chung và Công ty Thủy điện Quảng Trị nói riêng.
Để ngày càng nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ trong công tác, ý thức về an toàn, thực hiện tốt các quy trình điều độ, quy trình vận hành và xử lý sự cố các hệ thống thiết bị, sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị,…CBCNV phân xưởng Vận hành và phân xưởng Sửa chữa Công ty Thủy điện Quảng Trị luôn đề cao ý thức trách nhiệm và tinh thần tự học hỏi.
Thực hiện chương trình, kế hoạch triển khai công tác bồi dưỡng, thi và kiểm tra sát hạch nghề năm 2023, Công ty Thủy điện Quảng Trị tổ chức bồi dưỡng nghề cho cán bộ, công nhân viên (CBCNV).
Theo đó, để công tác bồi dưỡng nghề được triển khai hiệu quả, đơn vị đã chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất giảng dạy, tài liệu, bài giảng; đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn, giàu kinh nghiệm trong công tác, đã được đào tạo qua lớp giảng viên nội bộ do EVNGENCO2 tổ chức và cấp chứng nhận. Các phân xưởng đã tổ chức thành lập các nhóm giảng viên nội bộ giảng dạy, phân công trưởng các nhóm bồi dưỡng là lãnh đạo đơn vị, Trưởng ca Nhà máy, Tổ trưởng chuyên môn.
Ông Nguyễn Trí Thức – Quản đốc Phân xưởng vận hành trình bày bài giảng bảo vệ rơ le trong hệ thống điện. |
Ngoài ra, để hỗ trợ cho người học tiếp thu được nhiều hơn, hiệu quả hơn, ứng dụng công nghệ thông tin trong học tập, Công ty đã tổ chức tập huấn qua mạng Internet cho giảng viên, nhân viên và cán bộ quản lý. Công ty đã phân công các nhóm giảng viên biên soạn tài liệu giảng dạy đúng nội dung theo các chương trình bồi dưỡng cung cấp cho người học thông qua học trực tiếp, kết hợp học online trên hệ thống E-Learning.
Bồi dưỡng kiến thức nghề theo chức danh, góp phần xây dựng đội ngũ CBCNV đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới. Việc đào tạo bồi dưỡng nghề cho CBCNV hiện nay còn có những bất cập trước sự vận động và phát triển của thực tiễn, như đào tạo bồi dưỡng chung cho nhiều đối tượng... Hơn nữa sự thay đổi công việc, vị trí chức danh nên người lao động có sự thiếu hụt kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành. Do vậy, bồi dưỡng theo chức danh công việc cho đội ngũ CBCNV là góp phần bù đắp những thiếu hụt, bổ sung những tri thức mới, sát thực tế, giúp CBCNV đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Hoạt động bồi dưỡng theo chức danh có đặc thù về nội dung, kết cấu chương trình. Để bảo đảm hiệu quả, cần xác định đúng đối tượng, cần lựa chọn phương pháp áp dụng phù hợp, tăng cường cơ sở vật chất- kỹ thuật đáp ứng yêu cầu giảng dạy và học tập, học viên phải học trực tiếp đầy đủ các chuyên đề; nâng cao kỹ năng học tập qua mạng, đồng thời không ngừng hoàn thiện nội dung lẫn hình thức chương trình bồi dưỡng nghề trong giai đoạn mới.
Cán bộ Phân xưởng Vận hành trình bày các Thông tư, quy định, quy trình trong hệ thống điện quốc gia. |
Đáp ứng bồi dưỡng nghề theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, giảng dạy đảm bảo chất lượng, trong thời gian tới Công ty chỉ đạo Phòng Hành chính - Lao động, Kỹ thuật - An toàn phối hợp cùng Phân xưởng vận hành và Phân xưởng sửa chữa nghiên cứu, đổi mới phương thức giảng dạy, đặc biệt chú trọng đến công tác bồi dưỡng theo hình thức trực tuyến sử dụng hệ thống E-Learning, vừa đảm bảo nhu cầu của người học vừa nâng cao chất lượng bồi dưỡng. Thực hiện tốt công tác tổ chức, triển khai, công tác kiểm tra, giám sát việc học tập của CBCNV.
Để việc thi kiểm tra sát hạch nghề, thi giữ bậc, nâng bậc hàng năm đạt kết quả tốt thì mỗi CBCNV lao động trực tiếp luôn ý thức rằng phải vượt qua mọi khó khăn, tự học tập, tự rèn luyện để nâng cao trình độ tay nghề nhằm đáp ứng những quy định, tiêu chuẩn về yêu cầu công việc theo từng chức danh, vị trí làm việc. Đây cũng là cơ sở để Công ty đánh giá, xét nâng bậc lương cho công nhân, đảm bảo quyền lợi cho người lao động theo quy định.