Công ty chăn nuôi “bức tử” sông Châu?

Công ty chăn nuôi “bức tử” sông Châu?

Danh thắng “hấp hối”

Trong khi người dân tại xã Tiêu Động (Bình Lục – Hà Nam) chưa hết lo lắng vì hoạt động chăn nuôi gây ô nhiễm, thì tại xã An Ninh, người dân cũng phản ánh trang trại chăn nuôi của Công ty TNHH Thắng Linh xả thải trực tiếp ra sông Châu khiến dòng sông này luôn trong tình trạng hôi thối.

Một số người dân xã An Ninh cho rằng, Hà Nam có danh thắng “núi Đọi, sông Châu”. Nhưng sông Châu nay đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trong khi các ngành chức năng tỉnh Hà Nam ráo riết tìm cách cứu dòng sông thì chính quyền xã An Ninh cũng như huyện Bình Lục vẫn thiếu quyết liệt hoặc xử lý không triệt để. 

Trang trại nuôi lợn này hoạt động và xả thải ra sông Châu Giang diễn ra trong nhiều năm. Người dân nhiều lần kiến nghị lên chính quyền nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Có những ngày nước sông Châu đen đặc và nồng nặc mùi hôi thối.

Quy định của Bộ NN&PTNT nêu rõ các trang trại chăn nuôi phải cách khu dân cư ít nhất 500m. Tuy nhiên, trang trại Thắng Linh cách khu dân cư chưa đến 100m. Hồ chứa phân lợn sát bờ sông Châu. Vào những ngày nắng nóng, người dân thôn 3 và các làng lân cận phải sống chung với mùi phân lợn.

Lợi nhuận công ty gia công hưởng, hậu quả dân phải chịu

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trang trại Thắng Linh được xây dựng trên khu vực bãi bồi. Dù có tường bao xung quanh nhưng vẫn dễ dàng phát hiện khu hồ chứa phân. Đáng chú ý là tại cống xả thải phía trong hồ lại được lắp đặt xả thẳng ra sông mà không qua xử lý theo quy định.

Trong khi đó, chính quyền xã An Ninh cũng thừa nhận việc xả thải gây ô nhiễm từ trang trại này. Đồng thời, các cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam cũng từng kiểm tra, ra quyết định xử phạt.

Một số người dân huyện Bình Lục còn lo ngại khi trại nuôi lợn này khá gần nhà máy nước sạch Mỹ Đà. Nhà máy này cung cấp nước sạch cho người dân các xã An Ninh, An Nội, Vũ Bản. Điều đó đồng nghĩa với việc gần 20 nghìn người dân của các xã này có thể phải chịu ảnh hưởng khi sử dụng nguồn nước từ nhà máy Mỹ Đà.

Được biết, cuối năm 2017 ông Trần Mạnh Thắng (đại diện Công ty Thắng Linh) gửi UBND xã An nàyh với đơn xin thuê 11.268m2 đất nông nghiệp để sử dụng với mục đích trồng cây ngắn ngày. Đơn cam kết sử dụng đúng mục đích, chấp hành các quy định của pháp luật.

Đến ngày 29/11/2017, UBND xã An Ninh cho ông Trần Mạnh Thắng thuê đất với diện tích 11.268m2 tại xứ đồng thôn 3 với mục đích toàn bộ khu đất để trồng cây ngắn ngày. Tuy nhiên, khu đất này đã được ông Thắng xây dựng thành trang trại chăn nuôi lợn. Như vậy, có hay không sai phạm trong việc sử dụng đất của đơn vị chăn nuôi lợn gia công này?

Đặc thù chính trong các trang trại chăn nuôi gia công là phía công ty thu mua cung cấp con giống, thức ăn gia súc, vắcxin, còn người nuôi phải xây dựng chuồng trại, các thiết bị phục vụ chăn nuôi. Khi lợn được xuất chuồng, công ty thu mua sẽ đến nhận (chứ không phải thu mua) rồi trả công cho người chăn nuôi.

Chính vì thế, nhiều người chăn nuôi cho rằng, cái được mà công ty thu mua đem lại thì không đáng kể. Trong khi giá trị, sản phẩm từ việc chăn nuôi thì công ty thu mua hưởng hết. Hậu quả môi trường mà các trang trại nuôi gia công để lại rất nặng nề. Ở Vĩnh Phúc cũng đang có rất nhiều trang trại nuôi gia công gây ô nhiễm, phân thải ra sông, mương, ruộng gây chết lúa, lốp lúa… dẫn tới khiếu kiện kéo dài.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Đặng Thanh Bình – Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Lục, cho biết sẽ chỉ đạo các phòng chức năng liên quan kiểm tra, xử lý. Ông Bình cũng yêu cầu PV liên hệ với bà Nguyễn Thị Kim Thoa – Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Bình Lục để tiếp cận các hồ sơ liên quan đến trang trại Công ty TNHH Thắng Linh. Tuy nhiên, bà Thoa từ chối cung cấp thông tin với lý do chưa nhận được ý kiến chỉ đạo của cấp trên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ