Cùng dự và chủ trì Hội nghị có Phó Tổng thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn cùng đại diện thanh tra các Bộ, ngành và các tỉnh thành, các Sở GD&ĐT, các cơ sở GD trên toàn quốc…
Những chuyển biến tích cực
Tại Hội nghị, Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Huy Bằng cho biết: Để đáp ứng yêu cầu đổi mới GD theo Nghị quyết XI của Đảng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2013/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động thanh tra GD (Nghị định 42).
Nghị định 42 đã quy định rõ về thẩm quyền, nội dung, trách nhiệm thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành về GD đối với các bộ, ngành, địa phương, cơ sở GD theo tinh thần phân cấp về GD. Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị định 42, thanh tra GD đã có nhiều chuyển biến tích cực, đáp ứng tốt hơn yêu cầu quản lý và nâng cao chất lượng GD.
Thực hiện Nghị định 42, các sở GD&ĐT đã chuyển hoạt động thanh tra theo đúng Luật thanh tra, tập trung vào việc thanh tra hành chính đối với các đơn vị trực thuộc, thanh tra chuyên ngành GD đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động GD, thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở GD. Việc thanh tra không chỉ diễn ra trong trường mà cả ngoài trường.
Đồng thời, công tác thanh tra hướng vào đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật của đối tượng thanh tra, từ đó kết luận hoạt động của đối tượng thanh tra là đúng hay không đúng pháp luật, không xếp loại nhà trường và GV, giảm hình thức, giảm sự áp đặt cứng nhắc vào hoạt động chuyên môn của GV.
Bên cạnh việc đánh giá đối với đối tượng thanh tra, hoạt động thanh tra GD còn nhằm vào việc phát hiện sơ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật để kiến nghị các cơ quan quản lý GD sửa đổi, bổ sung; nhiều kết luận thanh tra được đưa lên website của Bộ có tác động đến cả hệ thống.
Đối với các trường ĐH, hoạt động thanh tra mở rộng ra nhiều nội dung quản lý của các khoa, viện, đơn vị trực thuộc trường bảo đảm cho việc phân cấp đúng quy định bên cạnh nội dung thanh tra, kiểm tra đào tạo mang tính giám sát đã triển khai từ nhiều năm.
Việc đổi mới này đã tránh được chồng chéo giữa các công cụ quản lý, góp phần tăng hiệu quả trực tiếp của hoạt động thanh tra, giảm số cuộc thanh tra, giảm số lượng thành viên đoàn thanh tra, thời gian thanh tra… đồng thời còn trả lại sự chủ động sáng tạo cho GV khi thực hiện nhiệm vụ của mình, được đông đảo GV đồng tình, ủng hộ…
Chánh thanh tra Nguyễn Huy Bằng cũng chỉ ra một số hạn chế, khó khăn: Chất lượng hiệu quả trong thanh tra còn hạn chế; việc tổ chức thanh tra GD ở cấp huyện còn khó khăn; đội ngũ cán bộ thanh tra GD còn thiếu, kỹ năng thanh tra quản lý còn hạn chế, cơ chế đãi ngộ chưa tương xứng tính chất công việc; việc phối hợp thanh tra tỉnh, huyện, bộ, ngành chưa đạt kết quả mong muốn; tổ chức và hoạt động thanh tra nội bộ của cơ sở GD ĐH còn hạn chế; đơn thư vượt cấp, phức tạp còn nhiều.
Theo ông Nguyễn Huy Bằng, nhằm khắc phục những hạn chế trên, thời gian tới cần nâng cao nhận thức, hoàn thiện thể chế, kiện toàn tổ chức bộ máy, đổi mới cách thức hoạt động, tăng cường các điều kiện đảm bảo nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ và hoạt động thanh tra mang tính đặc thù của ngành GD; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra, xử lý sau thanh tra, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo, phòng chống tham nhũng đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT.
Trong đó đặc biệt chú trọng đến các giải pháp như: Nâng cao nhận thức, hoàn thiện thể chế cho hoạt động thanh tra GD; tiếp tục kiện toàn tổ chức, đội ngũ cán bộ thanh tra và CTVTTGD; chuẩn hoá quy trình, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động thanh tra; nâng cao chất lượng công tác giải quyết khiếu nại, tổ cáo; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ tố cáo kéo dài; hiện đại hoá cơ sở vật chất, tăng cường các điều kiện bảo đảm cho công tác thanh tra; tăng cường phối hợp các lực lượng trong công tác thanh tra…
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo Hội nghị |
Nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng đánh giá cao những đổi mới tích cực của công tác thanh tra trong thời gian qua.
Đồng thời, Thứ trưởng yêu cầu công tác thanh tra cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, đặc biệt là việc chuẩn hoá đội ngũ thanh tra, từ xây dựng kế hoạch đến tiến hành thanh tra và xử lý thanh tra, giải quyết dứt điểm khiếu nại, tố cáo phức tạp, phát triển đội ngũ cán bộ thanh tra, cộng tác viên thanh tra cũng như tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra…
Để thực hiện tốt 9 nhiệm vụ, 5 giải pháp của Ngành GD với mục tiêu đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT, cũng như khắc phục những hạn chế bất cập của công tác thanh tra trong thời gian qua, Thứ trưởng đề nghị thanh tra thực hiện các nhiệm vụ:
Tiếp tục nâng cao nhận thức vai trò, vị trí tầm quan trọng của công tác thanh tra; phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thanh tra, cộng tác viên thanh tra GD; rà soát, đề xuất, tham mưu cho các cấp có thẩm quyền, bổ sung sửa đổi, ban hành hoàn thiện thể chế, đặc biệt là thể chế về thanh tra; chú trọng chuẩn hoá các hoạt động thanh tra;
Tăng cường phối hợp giữa công tác thanh tra Bộ GD&ĐT với thanh tra các cấp, ngành địa phương trong công tác thanh tra về GD; Tăng cường sự phối hợp với các cơ quan truyền thông trong việc tuyên truyền cho công tác thanh tra. Kịp thời phản ảnh những kết quả thanh tra để cảnh báo ngăn ngừa những vi phạm có thể xảy ra, hoặc tự điều chỉnh những vi phạm nếu có…