Công phu trên đất cụ Đề

GD&TĐ - Dáng người cao to, thân hình vạm vỡ cộng thêm cách nói chuyện rất trầm ngâm, điềm tĩnh... ở ông toát lên một vẻ gì đó rất “con nhà võ”.

Võ sư Nguyễn Trường Sinh khai trống trong lễ hội Yên Thế.
Võ sư Nguyễn Trường Sinh khai trống trong lễ hội Yên Thế.

Ông là võ sư Nguyễn Trường Sinh (62 tuổi) - người luôn tâm huyết gìn giữ và phát triển môn võ cổ truyền dân tộc suốt mấy chục năm qua trên mảnh đất anh hùng Yên Thế (Bắc Giang). 

Tinh thần Yên Thế

Ở Yên Thế, nhiều người biết ông Sinh là thầy dạy võ. Ông từng là cán bộ Phòng Văn hóa – Thông tin nay đã nghỉ hưu. “Mấy chục năm đi dạy võ, có nhiều trường hợp tôi đã dạy võ cho người cha và bây giờ lại dạy cho con và cháu của họ”, ông Sinh kể.

Trực tiếp “tận mục sở thị” những chiêu thức hoa mỹ, các bài quyền lợi hại và hiểm của ông Sinh, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên. Tiếp chúng tôi tại lò luyện võ của tư gia thuộc thôn Đồng Tâm, xã Tam Hiệp, ông Nguyễn Trường Sinh tâm sự: “Bố tôi kể vùng đất Yên Thế xưa nổi tiếng lắm anh hùng hào kiệt nhưng cũng không ít giặc cỏ, thổ phỉ và nạn cướp bóc tràn lan. Bọn cướp thường đi cả nhóm vào nhà trói gia chủ lại rồi đàng hoàng xúc thóc mang ra xe, dùng chính trâu của chủ nhà nghênh ngang kéo đi giữa ban ngày. Gia đình nào không có người giỏi võ có khi mất sạch gia tài cả đời tích cóp. Có lẽ vì thế mà võ thuật ở đây phát triển hơn so với nhiều địa phương, học võ không chỉ để rèn luyện sức khỏe mà còn để giữ nước, giữ nhà”. 

Ông Sinh xuất thân trong một gia đình có truyền thống mấy đời võ học, ông nội và cha đều là những người có tiếng tăm trong giới võ thuật ở đất Yên Thế. Võ sư Mươi - cha ông - là  người to khỏe, biết nhiều thế võ lại thường đánh cướp giúp dân làng: “Chỉ cần bọn cướp nghe tên cha tôi là đã khiếp vía.

Còn nhớ ngày đó bọn cướp vào gia đình ông Lưu Văn Tuế ở Cầu Gồ cướp hết trâu và thóc gạo. Nghe tiếng kêu gào, than vãn của gia chủ, cha tôi bức xúc một mình cầm con dao quắm chạy theo và hạ gục 8 tên cướp khiến chúng phải tháo chạy vào rừng, lấy lại tài sản cho gia đình bị hại. Trước khi ông Tuế mất đã căn dặn con trai là Lưu Văn Uy phải “sống tết, chết giỗ” với cha tôi”, ông Sinh kể.

Thừa hưởng “chất” võ từ ông nội và cha, từ nhỏ cậu bé Sinh đã cao lớn và tỏ ra nhanh nhẹn hơn so với đám bạn cùng trang lứa. Lên 8 tuổi, ông được cha truyền dạy và lĩnh hội gần hết căn bản quyền, cước võ thuật. Năm 1980, ông Sinh vào bộ đội. Vốn là dân võ nên 3 năm liền trong quân ngũ ông đoạt giải Nhất tại các hội thi chiến sĩ khỏe Quân khu I. Năm 1984, rời quân ngũ, ông trở về quê và tiếp tục luyện võ.

Ông lặn lội đến Cao Bằng, Lạng Sơn để “tầm sư học võ”, dành thời gian tìm tòi, học hỏi, tiếp thu thêm những môn võ hay, thế võ đẹp làm phong phú và tăng sức mạnh, hiệu quả cho những ngón đòn võ nghệ của quê hương. Sau đó ông về làm việc tại Phòng Văn hóa - Thông tin  huyện Yên Thế. 

Xứng danh con cháu cụ Đề 

Võ sư Nguyễn Trường Sinh múa một bài quyền
Võ sư Nguyễn Trường Sinh múa một bài quyền

Năm 1990, huyện Yên Thế thành lập Câu lạc bộ võ thuật Hoàng Hoa Thám do ông Sinh làm huấn luyện viên. Nhưng lúc đó, muốn tập võ thì cả thầy lẫn trò phải ra sân chùa, khi mưa gió rất bất tiện. Nung nấu ước mơ có một nơi tập luyện, thi đấu đàng hoàng, vậy là năm 1998 ông Sinh đã tự bỏ tiền đầu tư xây dựng nhà thi đấu rộng hơn 160m2 tại khu vườn của nhà, mua sắm các dụng cụ tập luyện…

Công trình đã tiêu tốn vài trăm triệu đồng từ số tiền mà vợ chồng ông tích cóp bao nhiêu năm. Ông Sinh kể: “Cả đời tôi gắn với nghiệp võ, bây giờ con trai và con gái của tôi cũng mê võ, các con tôi đang giúp tôi quản lý công việc chuyên môn tại lò võ này”. 

Căn nhà của ông Sinh giờ đây không chỉ là nơi ăn nghỉ và tập luyện của các môn sinh, mà còn như một phòng truyền thống với hàng chục tấm bằng khen, giấy khen, huy chương về thành tích võ thuật của các thành viên trong gia đình và học trò. Ông cho biết: “Hơn chục năm nay, lò võ của tôi luôn dẫn đầu trong các giải thi đấu võ thuật của tỉnh. Nhiều học trò do tôi đào tạo đã thành công tại các giải đấu lớn toàn quốc”. Năm 2002, lần đầu tiên, thầy trò võ sư Nguyễn Trường Sinh tham gia giải đấu quốc gia tại Quảng Ngãi và cậu học trò Thân Văn Huy đã đem về tấm Huy chương Đồng.

Năm 2006, võ sinh Nguyễn Thị Yến giành Huy chương Bạc cũng tại giải đấu quốc gia. Năm 2007, tại giải võ thuật Bảo Long được tổ chức tại Hà Tây (cũ), võ sinh của lò võ Hoàng Hoa Thám đã đoạt 1 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc. Năm 2008, học trò Nguyễn Thế Lộc lại đem vinh quang về cho võ thuật Yên Thế khi giành được Huy chương Vàng môn võ Săn Đai tại giải thi đấu toàn quốc tổ chức tại Quy Nhơn… 

Bên cạnh đào tạo võ cổ truyền, từ năm 2012, Trường Năng khiếu Thể thao tỉnh Bắc Giang thành lập bộ môn boxing, nhằm tìm kiếm nguồn VĐV tài năng trẻ bổ sung cho tuyến tỉnh. Nhà trường đã hỗ trợ, giao chỉ tiêu và “đặt hàng” võ sư Sinh tập trung huấn luyện boxing. Võ sư Nguyễn Trường Sinh cho biết: Đối với võ cổ truyền, các VĐV có thể dùng cả chân lẫn tay hạ đối thủ, còn boxing chỉ cho phép dùng đôi tay nên ít gây ra những chấn thương hơn.

Các em đã tập võ cổ truyền chuyển sang boxing có rất nhiều thuận lợi. Hiện lớp võ tại đây đào tạo cả nam và nữ, nhưng chủ yếu tập trung cho đội tuyển nữ vì họ có khả năng tranh huy chương cao hơn tại các giải toàn quốc. Công lao ấy đã cho ra những “trái ngọt” khi nhiều em đã gặt hái được thành tích cao tại các giải toàn quốc.  

“Người học võ chân chính muốn thành công cần nhiều yếu tố. Ngoài việc kiên trì khổ luyện, được đào tạo bài bản, võ sinh còn phải học cả đạo đức. Hiện lò võ của tôi có 260 võ sinh, trong số đó có 20 em được lựa chọn vào đội tuyển hệ nâng cao để đi thi đấu các giải. Ngoài truyền dạy về chuyên môn, tôi còn thường xuyên căn dặn, giáo dục võ sinh về đạo lý của người học võ, để các em thấy được sự cao quý và trân trọng tinh thần võ học dân tộc. Võ cổ truyền Yên Thế khác với các môn phái khác ở cách đánh chậm nhưng chính xác và không kém phần bay bổng, đẹp mắt” - võ sư Nguyễn Trường Sinh nói. 

Mấy chục năm đã qua, tình yêu, lòng đam mê võ thuật như một mạch nguồn chảy suốt trong con người võ sư Nguyễn Trường Sinh. Lò luyện võ của ông đã và đang tiếp nối truyền thống thượng võ của người
Yên Thế… 

Hơn một thế kỷ đã trôi qua, những dấu tích vật chất liên quan đến cuộc khởi nghĩa Yên Thế vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Nhưng điều khiến chúng tôi đặc biệt quan tâm, đó là tinh thần thượng võ của mảnh đất “hùm thiêng” còn đọng lại qua những đường gươm, thế tấn, quyền pháp công phu trong võ học cổ truyền mà võ sư Nguyễn Trường Sinh và các học trò vẫn đêm ngày rèn giũa để lưu danh hậu thế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ