(GD&TĐ) - Chiều nay (30/3), Đoàn kiểm tra Bộ GD&ĐT công nhận tỉnh Kon Tum đạt chuẩn Phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi (PCGDTH ĐĐT) mức độ 1.
Trước đó, Đoàn kiểm tra do ông Lê Tiến Thành - Vụ Trưởng Vụ GDTH (Bộ GD-ĐT) làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra công nhận 9 huyện, thành của tỉnh Kon Tum đạt chuẩn PCGDTH ĐĐT mức độ 1 năm 2010.
Vụ Trưởng Vụ GDTH Lê Tiến Thành: “Công tác dạy tiếng Việt cho HS dân tộc là vấn đề sống còn của GD miền núi”. |
Với tỉ lệ 99.8% số lượng trẻ 6 tuổi được huy động vào lớp 1 (10.246/10.264), số trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt 87,9% (7.827/8.901).
Số lượng GV đảm bảo dạy đủ các môn học theo chương trình GDPT cấp TH với tổng số 3.157GV/2.385 lớp (đạt tỉ lệ 1,3GV/lớp). Trong đó, GV đạt chuẩn chiếm 98,7% (3.115 GV) và trên trình độ chuẩn là 68,9% (2.176GV).
Tỉ lệ chung của phòng học/lớp học la 1.0, cùng với hệ thống mạng lưới trường lớp phù hợp, đủ bàn ghế, phòng chức năng, sân chơi, bãi tập và có nguồn nước, khu nhà vệ sinh đảm bảo. Sau 10 năm, trường TH và trường có cấp TH đã phủ kín tất cả các xã.
Toàn tỉnh Kon Tum đã tăng thêm 61 trường, về cơ bản các trường TH đã có đủ phòng học, chức năng và thiết bị phục vụ công tác dạy học. Việc phát triển mạng lưới trường học có nhiều điểm trường phù hợp với địa hình miền núi và dân cư sống rải rác, đã tạo điều kiện thuận lợi cho HS đến trường.
Đoàn kiểm tra dự giờ lớp học và kiểm tra kiến thức của học sinh |
Tuy vậy, để tiếp tục duy trì và tiến tới nâng cao chất lượng PCGDTH ĐĐT tỉnh Kon Tum còn gặp phải không ít khó khăn.
Bà Lê Thị Kim Đơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo PCGD cho biết Để xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá công nhận đạt chuẩn PCGDTH ĐĐT có ý nghĩa như việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Với điều kiện kinh tế-xã hội của tỉnh Kon Tum hiện tại còn rất nhiều khó khăn, vì vậy, chất lượng GD vẫn còn nhiều còn hạn chế.
Đặc biệt là hệ thống CSVC đang là một nỗi trăn trở của chính quyền địa phương. Nhiều địa phương còn thiếu phòng học như TP.Kon Tum, huyện Đăk Hà, Sa Thầy, Kon Rẫy, Ngọc Hồi…Hiện tại, toàn ngành GD còn thiếu khoảng 227 phòng học, số lượng phòng học dưới cấp 4 còn lớn (124 phòng) và số phòng cấp 4 là 1496.
Bên cạnh đó, trang thiết bị, đồ dùng dạy học còn thiếu. Hệ thống phòng thư viên, y tế, giáo dục nghệ thuật, phòng đội có số lượng rất ít, hạn chế việc nâng cao giáo dục toàn diện cho HS…
Theo đó, ngành GD tỉnh Kon Tum cũng đề xuất: Bộ GD&ĐT sớm xây dựng phần mềm quản lý chỉ đạo, xử lý số liệu PCGD liên thông với các phần mền quản lý GD khác. Xây dựng tờ thông tin chung cho công tác PCGD trong toàn ngành để trao đổi, học tập kinh nghiệm. Bằng các chương trình mục tiêu Bộ GD&ĐT tăng cường kinh phí đầu tư xây dựng trường lớp, nhà ở bán trú cho HS và thiết bị dạy học để tỉnh tiếp tục duy trì, nâng cao kết quả PCGD đã đạt.
Trên cơ sở kiểm tra tình hình thực hiện công tác PCGDTH của từng đơn vị, Đoàn kiểm tra đã phân tích và chỉ ra những vấn đề mà GD tỉnh Kon Tum cần tiếp tục khắc phục trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Đức Hữu, Chuyên viên chính Vụ GDTH (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh: Cần phải đẩy mạnh và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các thành viên trong ban phổ cập giáo dục cấp cơ sở. Việc tăng cường phối hợp giữa nhà trường với chính quyền địa phương và các đoàn thể nhằm nắm bắt được hoàn cảnh, điều kiện học tập của từng HS để có giải pháp hỗ trợ. Vai trò của CBGV mang tính trực tiếp trong công tác PCGDTH cần được tiếp tục đẩy mạnh.
Cũng theo ông Hữu, GD tỉnh Kon Tum phải quan tâm đầu tư xây dựng môi trường-vệ sinh trường học, tạo dựng cảnh quan trường lớp xanh-sạch-đẹp. Tập trung nâng cao chất lượng các môn văn hóa, đặc biệt là dạy tiếng Việt cho HS và các môn chuyên như nhạc, mĩ thuật, thể dục nhằm tạo niềm hứng khởi cho HS tham gia học tập, giúp các em được hưởng thụ môi trường GD toàn diện.
Ông Lê Tiến Thành phát biểu tại buổi làm việc |
Căn cứ vào tình hình thực tế, Vụ Trưởng Vụ GDTH Lê Tiến Thành đánh giá: Với một tỉnh có điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn nhưng ngành GD đã đạt được những kết quả phát triển vượt bậc. Đoàn kiển tra đánh giá cao kết quả của công tác PCGDTH ĐĐT mà tỉnh Kon Tum đã phấn đấu hoàn thành trong 10 năm qua.
Vụ Trưởng Lê Tiến Thành phát biểu: Quá trình thực hiện PCGD cũng chính là việc từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho HS. Vì vậy, trên cơ sở điều kiện đặc thù của địa phương mình, tỉnh Kon Tum chủ động lập kế hoạch dạy học một cách linh động, phù hợp với đặc điểm sinh hoạt và sản xuất của từng cộng đồng dân cư. Tránh gây tình trạng học sinh bỏ học với bất kỳ lí do gì, hạn chế HS lưu ban. Nên tổ chức cho HS tham gia vui chơi các lễ hội nhưng phải đi đôi với công tác dạy bù đảm bảo chất lượng.
Vụ trưởng cho rằng, vào mỗi năm học phải xác định được đối tượng học sinh yếu để ngay từ đầu học kỳ 1 có kế hoạch phụ đạo cho học sinh kịp thời. Đồng thời, giải quyết được vấn đề: Vì sao học sinh dân tộc của địa phương mình yếu tiếng Việt? Bên cạnh nâng cao chất lượng các môn học Luyện từ và câu, Tập làm văn trong chương trình thì cần phải tăng cường các chuyên đề về giao tiếp tiếng Việt.
Phan Đại Thắng